Mâm lót lá chuối bày món Mieng Kham dùng cánh sen cuốn ăn tại trung tâm hội nghị Gaysorn Urban Resort ở Bangkok - Ảnh: KIM THOA
Là một trong những điểm đến du lịch nổi bật tại Đông Nam Á và châu Á, Thái Lan không chỉ đối mặt với lượng rác nhựa từ sinh hoạt của người dân, mà còn từ du khách quốc tế.
Riêng trong năm 2018, theo Bộ Du lịch Thái Lan, nước này thu hút một lượng kỷ lục 38,27 triệu du khách, cao hơn 7,5% so với năm 2017. Vì thế, nỗ lực giảm rác nhựa xúc tiến mạnh mẽ trước tiên tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Lá chuối thay chén, đĩa nhựa
Tại khách sạn 5 sao Conrad ở trung tâm thủ đô Bangkok, lá chuối được dùng để bày các món ăn tại khu phục vụ các loại nấm, mì, nui, trứng và tuyệt nhiên không có bóng dáng ống hút nhựa. Lá chuối cũng được dùng để lót đồ ăn nhẹ đặt tại phòng riêng du khách.
Cách làm này cũng gặp tại khách sạn 5 sao Movenpick ở thành phố ven biển Pattaya, khi lá chuối "đĩnh đạc" làm nền cho những món ăn cần được bày trên lớp lót sạch sẽ như rau sống, nấm.
Không chỉ khách sạn, việc dùng lá chuối để bày, bao gói thức ăn cũng phổ biến tại không gian ẩm thực SookSiam thuộc tổ hợp mua sắm IconSiam rộng 750.000m2, một điểm đến mới với du khách khi trải nghiệm du lịch trên sông Chao Phraya.
Song có lẽ lá chuối gây ấn tượng hơn cả khi được "sánh đôi" cùng các món ăn dân dã, truyền thống của người Thái tại khu trung tâm tổ chức sự kiện hàng đầu ở Bangkok: Gaysorn Urban Resort.
Tại đây, lá chuối không chỉ được dùng lót thức ăn trên đĩa cho thực khách hay bày biện đồ ăn chín, người Thái còn khéo léo uốn gài lá chuối thành hình vuông, chữ nhật để dùng thay chén, đĩa. Cũng như thế, tăm tre được dùng thay nĩa nhựa trong các món cần phải xiên, cắm như bánh nhân đậu xanh vỏ thạch rau câu hình trái cây; ống tre dùng thay cốc đựng đồ uống.
Lá chuối và giỏ đan bằng tre đựng đồ ăn nhẹ trong phòng tại khách sạn 5 sao Conrad ở Bangkok - Ảnh: KIM THOA
"Tư duy toàn cầu, hành động địa phương"
Tại Baan Khanittha The Heritage, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất ở Bangkok được giới thiệu trong tạp chí ẩm thực Michelin Guide 2019, trên các bàn ăn dọn sẵn chờ thực khách mặc dù nước đóng chai vẫn còn song ống nhựa thì đã "tuyệt chủng". Nếu vị khách nào vẫn "ngoan cố" muốn dùng, nhà hàng đã chuẩn bị sẵn ống hút giấy cho họ, song cũng chỉ đưa khi có yêu cầu, không bày sẵn.
Còn khi tới khách sạn Movenpick ở Pattaya, một tấm thiệp nhỏ ấn tượng đặt trên các bàn ăn hẳn sẽ khiến mỗi người phải dừng lại một chút.
Trên đó là hình vẽ một chiếc ống hút nhựa đang hút vào nó tất cả những cá mú của đại dương, kèm theo câu khẩu hiệu ngắn gọn: "Think global, act local" (Tư duy toàn cầu, hành động địa phương) để lan truyền thông điệp mỗi người hãy góp một phần nhỏ ngay từ hành xử mỗi ngày, ngay tại địa phương để giải quyết cuộc khủng hoảng rác nhựa toàn cầu.
Có lẽ một trong những ví dụ sinh động nhất cho việc thực hiện khẩu hiệu này là câu chuyện về những chiếc ống hút bằng cọng lá đu đủ non ở khu du lịch văn hóa Takientia Community, "xứ dừa" thuộc miền trung Thái Lan nổi tiếng với những sản phẩm đa dạng từ dừa.
Ông Serote R., chủ một điểm du lịch tại Takientia Community, cho biết đã dùng ống đu đủ thay ống nhựa từ năm ngoái sau khi thử nghiệm thất bại với việc dùng lá tre (vì quá nhỏ) và một số giải pháp khác.
Ông dùng giấm ngâm qua đêm để sát khuẩn và khử bớt mùi hăng ống đu đủ, sau đó ướp lạnh là có thể dùng dần trong 1 tuần không hỏng. Mỗi cọng lá đu đủ non, ông cắt được 3, 4 khúc ống hút nên không bao giờ lo thiếu.
Tái chế 100% rác nhựa vào năm 2027
Ngày 5-6, Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan (PCD) tổng kết tròn một năm đầu thực hiện chiến dịch giảm đồ nhựa dùng một lần. Theo PCD, chiến dịch đã thành công nhờ sự hợp tác từ khối doanh nghiệp, trong đó có 5 công ty lớn chuyên sản xuất nước đóng chai.
Theo báo Bangkok Post, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Thái Lan cũng đang chuẩn bị cơ chế pháp lý cấm sử dụng hạt vi nhựa trong mỹ phẩm. Còn theo trang The Thaiger, tới cuối năm 2019 Thái Lan sẽ không còn sử dụng 3 loại nhựa này: hạt vi nhựa, các loại nắp nhựa và nhựa có gốc từ dầu mỏ. Tới năm 2022 sẽ cấm 4 loại đồ nhựa dùng 1 lần khác là túi nhựa mỏng hơn 36 micron, hộp đựng đồ ăn mang đi, ly tách và ống hút nhựa.
Trong lộ trình quản lý rác nhựa giai đoạn 2018-2030 của PCD, Chính phủ Thái Lan đặt kế hoạch tham vọng tái chế 100% rác nhựa vào năm 2027. Năm ngoái, Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan đã thành lập một tiểu ban chuyên quản lý rác nhựa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận