14/09/2013 06:03 GMT+7

K’Hiếu, mẹ của những đứa con mồ côi

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

TT - Bà K’Hiếu ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) có bảy người con, nhưng đều là những đứa trẻ mồ côi của bản làng và của những người mẹ vì hoàn cảnh phải chạy trốn chính giọt máu mình hoài thai.

Sjh8JX4A.jpgPhóng to
K’Niệm đã 13 tuổi nhưng mọi sinh hoạt vẫn dựa vào bà K’Hiếu - Ảnh: Mai Vinh

Bà K’Hiếu bước vào cuộc đời của một người mẹ khi vừa tròn 14 tuổi.

Hồn nhiên như cây cỏ

Bà K’Hiếu sinh năm 1959, 7 tuổi bà mồ côi mẹ. Cha bà đi lấy vợ sau đó. Bà bơ vơ nếm những đắng cay, khổ cực của cuộc đời không cha không mẹ giữa núi rừng.

Ngày ấy, con bé K’Hiếu chạy từ nhà này sang nhà khác để trông em cho nhà chủ đổi lấy củ khoai, chén cháo. Lớn hơn, K’Hiếu bươn bả hết buôn làng này đến buôn làng khác để phụ nhà chủ trồng khoai trồng sắn. Có chủ nhà tốt bụng chia cho bà ít lúa. Năm K’Hiếu 14 tuổi, K’Đời, một người đàn bà có ba đứa con ở cùng buôn, qua đời sau một cơn sốt rét rừng. Bà chứng kiến cái chết ấy, ở tuổi 14 bà mường tượng được số phận của những đứa trẻ nhỏ nhất chỉ mới 3 tháng tuổi, lớn nhất vừa lên 5. Vài tháng sau, chồng bà K’Đời lấy vợ để lại những đứa con trong nhà sàn không mấy lành lặn. K’Hiếu dắt K’Len, K’Lễ, K’Hiểu về nhà mình. Giữa dòng hồi tưởng, bà ngập ngừng: “Lo tụi nó bơ vơ giống mình nên dắt về, sợ nhất là tụi nó sẽ chết đói”. Trong nhóm trẻ đó, K’Len là anh cả. Nó không gọi mẹ mà chỉ gọi tên K’Hiếu. Bà cười: “Tôi chỉ cao hơn K’Len cái đầu”.

Đến giờ, khi đã dựng vợ gả chồng và lo nhà cửa cho năm người con lớn, K’Hiếu cũng không hiểu tại sao bà lại có đủ sức để chăm lo những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh. Có lẽ đó là sức mạnh tích tụ trong suốt những năm tháng đơn độc tìm mọi cách để tồn tại giữa núi rừng và tình thương dành cho người cùng cảnh ngộ. K’Hiếu lại nghĩ: “Ngày đó mình liều thật, thấy thương thì mang về, là trẻ con mình không tính xa hơn”.

Không đành bỏ trẻ bơ vơ

Hồn nhiên nên K’Hiếu không lường được hết những vất vả sẽ dồn lên vai mình. 3g sáng bà rời khỏi nhà đi gánh phân thuê. Oằn lưng ròng rã một ngày thì đủ tiền mua gạo cho bốn người ăn trong ngày. Đó là những ngày may mắn, những lúc không có việc làm thuê thì cả gia đình chịu cảnh đói. Dù là mẹ nhưng nói cho cùng khi đó bà cũng chỉ là đứa trẻ, K’Hiếu nhớ lại: “Nhìn người ta ăn bánh, mẹ thèm mà con cũng thèm”.

Ngày K’Len bị viêm phổi, nửa đêm lên cơn sốt rồi co giật, mẹ K’Hiếu ôm con chạy ra đường, gọi khắp tứ phương mong người buôn làng tỉnh giấc ứng cứu. Những lo lắng cơm áo luôn thường trực khiến K’Hiếu trưởng thành nhanh hơn những người cùng trang lứa. K’Hiếu cầm dao lên núi phát rẫy. Đôi tay bà không ngừng nghỉ để có sắn khoai đổi lấy áo quần và thuốc uống cho những đứa con hay đau ốm. Và cũng bằng tình thương, bà lần lượt cưu mang thêm những đứa trẻ khác là K’Hoài, K’Hồi, K’Lưu và K’Niệm, mồ côi khi mới vài tháng tuổi hoặc khi vừa lọt lòng.

Ngày đó, buôn bên cạnh có chàng thanh niên K’Dẹo, chồng K’Hiếu bây giờ. K’Dẹo nghe tiếng K’Hiếu làm lụng vất vả nuôi ba đứa con người dưng mà thương. Ông kể lại rằng lúc ấy ông đến thăm K’Hiếu vì tò mò. Nhưng sau khi chứng kiến K’Hiếu quần quật trên nương làm lụng để có khoai sắn nuôi con thì ông thương. Đôi mắt nhăn nheo của K’Dẹo rạng rỡ nói về vợ: “Ba mẹ phản đối, sợ mình lấy K’Hiếu về sẽ khổ. Nhưng mình quyết ở cùng K’Hiếu vì thương nó quá”.

Sau này, mỗi lần K’Hiếu ôm về một đứa bé đỏ hỏn, ông K’Dẹo bình thản phụ vợ chuẩn bị những đồ đạc để nuôi con nhỏ. Với ông đó là chuyện không bàn cãi, ông nghĩ rằng: “Mình không làm được việc tốt thì để vợ mình làm. Thấy trẻ bơ vơ vợ mình chịu không đành thì mình cũng vậy đó”. Điều dưỡng Lê Thị Minh ở Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bảo hễ thấy có trẻ bị bỏ rơi là nhớ tới K’Hiếu. Nhắn bà một câu thôi thì giữa đêm bà cũng tới rồi ôm đứa nhỏ ấp vô lòng mình xuýt xoa như thể con ruột của mình. “K’Hiếu giờ lớn tuổi, kinh tế khó khăn nên tôi không cho bà biết chuyện những đứa trẻ bị bỏ rơi nữa, sợ bà thương quá mang về rồi nuôi không nổi”, bà Minh kể.

Lòng mẹ chưa yên

Vợ chồng K’Hiếu không sinh con. Bà bảo: “Sợ khi có con thì mình không công bằng nữa, chúng nó so đo mất đoàn kết trong nhà”. K’Hồi vừa ôm đứa con ba tháng tuổi vừa kể về mẹ K’Hiếu với ánh mắt sáng lấp lánh: “Nếu không có mẹ giờ này có lẽ tôi đã chết hoặc lang thang đâu đó”. K’Hồi về với mẹ K’Hiếu khi mới 3 tháng tuổi. Ngôi nhà mái ngói khang trang mà K’Hồi đang ở là ngôi nhà mẹ K’Hiếu xây lên. Ban đầu K’Hiếu định ở nhưng khi con gái có chồng thì bà cho hai vợ chồng. Còn K’Hiếu và chồng lại tiếp tục ở căn nhà nhỏ lụp xụp cạnh bên. Nhiều lần K’Hồi năn nỉ bà dọn về ở chung, bà gạt: “Già rồi, ăn cũng ít, ngủ thì cần có cái giường là xong. Tụi con thương mẹ thì lỡ mẹ có chuyện gì thì ráng lo cho thằng K’Niệm”.

K’Niệm là đứa trẻ bị bỏ rơi ở Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà năm 2000. Bà đưa về nuôi đến năm 3 tuổi thì cậu bé có dấu hiệu tâm thần. Bà bán lần lượt nương rẫy, vườn tược để chạy chữa nhưng không thành công. Gần đây, gia đình khánh kiệt nên bà thôi chạy chữa. Căn nhà bà không có nhiều đồ đạc lành lặn, phần lớn sứt mẻ. Những cánh cửa cũng chung số phận. Bà bảo: “Mỗi khi lên cơn K’Niệm lại phá vậy đó”. Chuyện K’Niệm làm bà đau đáu, không dám rời nhà quá nửa ngày.

K’Niệm thường la ó chạy phá khắp nhà, bàn tay rướm máu sau một hồi cào cấu vào tường. Bà ôm nó vào lòng như ôm đứa trẻ lên 3. Được vuốt ve, K’Niệm nằm lặng im rồi vùi đầu vào ngực bà ngủ ngon lành. “Bít lá ó lơi - ngủ yên đi con”, câu ru ấy hằng đêm vẫn tiếp tục vẳng lên trong căn nhà xập xệ, tiếng ru làm dịu đi tiếng la hét ú ớ vẳng lên bất thình lình trong đêm tối.

Trong mắt mọi người

“Anh em nhà tôi chưa bao giờ coi mẹ là mẹ nuôi. Mẹ là mẹ đúng nghĩa, chưa bao giờ tôi cảm thấy thiệt thòi nhờ có mẹ”.

Con nuôi K’Hoài (học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng)

“Chuyện của bà là câu chuyện điển hình về tấm lòng nhân hậu tại thị trấn. Nhiều lần chúng tôi tính đến chuyện gửi K’Niệm đến các trung tâm nhưng bà không chịu. Bà lo rằng không ai thương K’Niệm như bà”.

Ông Bùi Trọng Thiềm (chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng)

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp