Việt Nam mong muốn thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Trung Quốc - Ảnh: N.AN
Sáng 20-12, Diễn đàn hợp tác thúc đẩy kinh tế Việt Nam – Trung Quốc được Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Theo ông Lý Bảo Đông, hiện nay chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch thương mại không ngừng gia tăng, thách thức trật tự quốc tế. Do đó, chương trình hợp tác đa phương trong mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc càng có ý nghĩa.
Cùng chung lợi ích, thúc đẩy kinh tế mở
"Hai nước có lợi ích chung và lập trường giống nhau khi thúc đẩy nền kinh tế mở, nên cùng hướng tới bảo vệ thương mại đa phương" – ông Đông nhấn mạnh thêm là Diễn đàn châu Á Bác Ngao sẽ sẵn sàng thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực đầu tư vào Việt Nam, giới thiệu thành công của Việt Nam với châu Á và các nền kinh tế mới nổi khác.
Theo ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã đạt bước phát triển tích cực. Đến tháng 11 - 2018 kim ngạch song phương trên 97 tỉ USD, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam hơn 4,5 triệu lượt người. Tính lũy kế, đến nay Trung Quốc đã đầu tư Việt Nam trên 2000 dự án, có tổng vốn lên tới 13 tỉ USD, đứng vị trí thứ 7.
Tuy nhiên, ông Trung bày tỏ hi vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa cho sản phẩm Việt Nam như nông sản, gạo, thịt lợn, sữa hàng điện tử, hàng tiêu dùng... vào thị trường. Đồng thời tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa hai nước.
Đối với đầu tư, ông Trung khẳng định Việt Nam hoan nghênh dòng đầu tư mới của Trung Quốc có hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, mong chú trọng bảo vệ môi trường, quan tâm người lao động và an sinh xã hội.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai nước đi vào chiều sâu và bền vững, cần phải xóa bỏ đi ý nghĩ "cả hai đều là thị trường dễ tính của nhau".
Mở cửa hơn hàng hóa, đầu tư chiều sâu
Theo đó, điều quan trọng hơn cả là cần phải nâng cấp chất lượng đầu tư và chất lượng thương mại, hướng tới các chuẩn mực hàng đầu trên thế giới.
Đặc biệt, một vấn đề cản trở là thâm hụt thương mại rất lớn, nên việc thu hẹp khoảng cách cần được đặt ra. Do đó, ông Lộc đề nghị cần đảm bảo cơ quan thương mại hai nước mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa của nhau.
Bên cạnh đó, cần cố gắng thúc đẩy xu hướng chính ngạch hóa thương mại biên giới, để đảm bảo lợi ích hai nước, đảm bảo lợi ích cộng đồng doanh nghiệp. Việc thúc đẩy hàng hóa chính ngạch sẽ tránh được tình trạng xuất nhập khẩu bị trồi sụt, doanh nghiệp làm ăn bài bản chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh thương mại thế giới như hiện nay, ông Lộc đề nghị cần phải phối hợp để hai nước cùng đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, nhưng cũng phải kiểm soát được gian lận thương mại.
"Có thể có hiện tượng hàng Trung Quốc vào Việt Nam sử dụng CO của Việt Nam để xuất khẩu đi. Do đó nếu không ngăn chặn thì sẽ tổn hại đến thương mại hai bên" – ông Lộc nói.
Theo đó, Chủ tịch VCCI đề nghị cần đảm bảo 2 bên gắn kết nhiều hơn, tuân thủ công nghệ, môi trường và sử dụng công nghệ hiện đại. Khuyến khích nâng cao chất lượng dòng đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo, công nghệ số, chế biến chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận