Trong lúc người dân đang lo lắng về an toàn bữa ăn, nào là trái cây và rau có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thịt có chất tạo nạc, gà có chứa “vàng ô” - chất nhuộm màu trong công nghiệp dệt nhuộm, thì cũng có tin tốt là từ ngày 15-11, ở Hà Nội và TP.HCM lần đầu tiên có thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, trước mắt thí điểm tại 10 xã/phường thuộc năm quận, huyện ở mỗi thành phố.
Bình thường thanh tra an toàn thực phẩm chỉ có ở cấp thành phố và tỉnh, họ có nhiều nhiệm vụ và địa bàn rất rộng, nên giai đoạn trước 2010, mỗi cơ sở được thanh tra thì phải năm năm sau thanh tra mới quay lại thanh tra cơ sở đó lần kế tiếp. Nhưng nay thanh tra thực phẩm có ở ngay xã phường, quận huyện, một xã/phường có 3-5 thanh tra, quận huyện có 8-10 thanh tra quần đi đảo lại để chấn chỉnh, xử phạt các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn thì chẳng mấy chốc họ quen thuộc địa bàn và sâu sát hơn với vấn đề xảy ra ở địa phương mình.
Tại hội nghị triển khai hoạt động này vừa diễn ra ở Hà Nội hôm 16-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ông kỳ vọng đây là giải pháp hiệu quả mang tính đột phá. Chính phủ cũng coi đây là một giải pháp mới để giải quyết bức xúc của người dân về vấn đề thực phẩm.
Và vì vậy Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để thanh tra chuyên ngành tại xã, phường hoạt động, nhất là về kinh phí.
Đó là được giữ lại 100% tiền xử phạt thu được, được tập huấn về quy trình thanh tra để có thể “trình làng” ngay khi quyết định của Thủ tướng có hiệu lực vào ngày 15-11; thanh tra chuyên ngành có thể ra quyết định phạt tới mức 500.000 đồng, tương đương với thẩm quyền của một số lực lượng chức năng ở cùng cấp xã, phường hiện nay...
Vấn đề là liệu 200 thanh tra chuyên ngành đầu tiên về an toàn thực phẩm tại xã phường và quận huyện ở Hà Nội, TP.HCM có làm được điều tương xứng với kỳ vọng hay không?
Thanh tra tại ngay xã phường, quận huyện mình đang làm việc, là địa bàn thân thuộc nhất, các vị thanh tra có bỏ qua được những mối quan hệ thân quen, làng xóm để đảm bảo cho mọi người sống trên địa bàn có được bữa ăn an toàn? Làm sao để giải tỏa mối lo ngại của người dân là lạm quyền gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hoặc bỏ qua sai sót an toàn thực phẩm?
Tại hội nghị ngày 16-10, phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã mặc một bộ đồng phục thanh tra. Ông Nhiên nói thời tiết Hà Nội ngày 16-10 không đủ lạnh để mặc một bộ quần áo như vậy, nhưng ông đã cố tình mặc để lần đầu giới thiệu cho những vị thanh tra đồng nghiệp tương lai một hình mẫu về một người thanh tra an toàn thực phẩm.
Khi được phát bộ đồng phục ấy và mặc nó để thực thi công vụ mà Chính phủ tin tưởng giao phó, mong mỗi vị thanh tra hãy nghĩ về nỗi lo mà gia đình mình, mọi người xung quanh mình cũng đang lo lắng là làm sao có thực phẩm an toàn và cần có thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe của gia đình. Chỉ khi làm việc trên cơ sở của trách nhiệm và hi vọng của người dân thì hi vọng về một bữa ăn an toàn mới thành hiện thực. Chờ xem, bắt đầu từ ngày 15-11 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận