
Xúc động lễ trao trả hồ sơ cán bộ đi B tại tỉnh Gia Lai - Ảnh: H.N
Ngày 17-4, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp với trao trả hồ sơ cán bộ đi B.
Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật tái hiện hành trình đấu tranh của quân và dân tỉnh Gia Lai giai đoạn 1954 - 1975 và quá trình kiến thiết, phát triển kinh tế - xã hội từ sau ngày đất nước thống nhất.
Tại sự kiện, nhiều hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B được xác minh và trao trả tận tay cho thân nhân và các tổ chức liên quan.
Một tài liệu gây nhiều xúc cảm cho người xem được triển lãm là lá đơn tình nguyện đi B của ông Phạm Xuân Bảy viết ngày 27-10-1966 tại Thanh Hóa.
Ông Bảy, khi ấy 35 tuổi, quê quán tại làng An Xuân, huyện An Khê, tỉnh Pleiku (Gia Lai ngày nay - PV). Ông Bảy vốn công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, được cử đi học Trường Y sĩ Thanh Hóa. Trong lá đơn nhuộm màu thời gian, người thanh niên Phạm Xuân Bảy khi ấy đã viết:
"Do tình hình nhiệm vụ hiện nay của cách mạng, của Tổ Quốc, của nhân dân miền Nam, tôi được Bộ cho đi học, đào tạo cho chiến trường miền Nam. Qua thời gian học tập tôi đem hết khả năng để học tập cho thật tốt.
Sau khi học xong lớp này và thi tốt nghiệp ra trường thì Bộ phân công bố trí ở đâu, nơi nào cách mạng cần, nhân dân miền Nam cần, tôi sẵn sàng đi và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Dù có khó khăn gian khổ đến đâu, hay có phải hy sinh cả tính mạng đi nữa, tôi kiên quyết đi và làm tròn nhiệm vụ của Đảng và nhân dân đã giao cho.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn, 1 vợ và 2 con, nhưng khi thi ra trường chờ Bộ phân công tác tôi sắp xếp gia đình xong, chỉ chờ lệnh lên đường của Bộ tôi đi ngay bất kỳ giờ phút nào, không có gì trở ngại cả, đi là đi ngay".

Bản sao lá đơn tình nguyện đi B của ông Phạm Xuân Bảy viết năm 1966 - Ảnh tư liệu
Lá đơn lời lẽ thật ngắn nhưng đầy thiết tha, chứa đựng tinh thần tất cả cho miền Nam ruột thịt của hàng hàng lớp lớp thanh niên khi ấy. Đọc lá đơn, ai nấy đều bồi hồi xúc động và thầm cảm phục các thế hệ đi trước để có được hòa bình, thống nhất hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho hay trong hành trình dẫn tới đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước không thể không nhắc tới sự đóng góp của những cán bộ đi B. Họ là những y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… sẵn sàng lên đường vào lửa đạn, để lại những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và khát vọng hòa bình.
"Việc triển lãm ảnh, hồ sơ cán bộ đi B không chỉ là hình ảnh cá nhân, mà còn là những khoảnh khắc lịch sử, ghi lại chân dung của những con người đã sống và cống hiến trong thời khắc gian nan nhất của dân tộc.
Mỗi kỷ vật, mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một ký ức sống động về sự hy sinh, lòng quả cảm và tinh thần lạc quan của các cán bộ đi B giữa khói lửa chiến tranh. Giúp chúng ta hình dung rõ nét hơn về cuộc sống, công việc và tâm hồn của những người đã đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên tất cả" - bà Nguyễn Thị Thanh Lịch chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận