Cuộc hội ngộ của những người ở hai bên chiến tuyến đã dâng trào nước mắt.
Phóng to |
Cựu binh Laurens (bìa trái) trao kỷ vật của liệt sĩ Ban cho mẹ Hiểu - Ảnh: Hà Mi |
Khoảng 10g, sau khi dừng xe ở ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành (Đồng Nai), hai cựu binh Laurens Wildeboer, Derrill De Heer bước xuống gần sân nhà liệt sĩ Phan Văn Ban (tên gọi khác là Phan Thành Nhơn, Phan Thanh Hùng). Cả hai cựu binh loay hoay ôm chiếc hộp gỗ nhưng tâm trạng có vẻ nặng nề. Có thể các ông nghĩ chỉ vài bước chân nữa, khi gặp mẹ liệt sĩ Ban, bà sẽ than trách, sẽ lặng lẽ nuốt nỗi đau khi nhìn các ông - những người đã ở bên kia trận chiến từng hạ gục con bà.
“Mong mẹ được thanh thản”
Nhưng không. Khi thấy hai cựu binh bước vào, bà Nguyễn Thị Hiểu (85 tuổi), mẹ liệt sĩ Ban, đã ngồi gần bàn thờ con trai và mời hai cựu binh ngồi. Cựu binh Derrill De Heer bắt đầu nhìn chiếc hộp và mở lời: “Đây là những gì mà Laurens đã lưu giữ của liệt sĩ Ban suốt 42 năm qua. Laurens đã day dứt bao nhiêu năm, đến ngày hôm nay mang đến cho mẹ”.
Laurens mở hộp, nhẹ nhàng lấy từng kỷ vật đưa cho mẹ Hiểu: “Đây là chiếc khăn choàng kèm với cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Ban mà trong chiến tranh tôi đã giữ được”. Cố kìm nén xúc động, ông Laurens cầm tay mẹ Hiểu, nhấc từng lời: “Xin lỗi mẹ về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Liệt sĩ Ban và những người lính Việt Nam thật tuyệt vời. Họ thật tuyệt khi làm tất cả vì đất nước. Những kỷ vật mang đến hôm nay cho mẹ để mẹ và gia đình thanh thản”.
Không kìm được nước mắt, mẹ Hiểu rưng rưng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của cựu binh người Úc khi bỏ thời gian, công sức để tìm tung tích gia đình liệt sĩ. Mẹ Hiểu nghẹn ngào: “Chiến tranh. Con tôi đã hi sinh nhưng những gì của con trai tôi còn sót lại mà các ông đã giữ lại thật là xúc động. Con trai chết rồi nhưng thấy chữ viết, thấy khăn choàng, tôi thấy con mình như sống lại. Cảm ơn các ông đã làm nên một cuộc vui cho tôi và gia đình”.
Cuộc tìm về tình người Thượng tá Nguyễn Thị Tiến cho biết đây không chỉ là cuộc tìm về tình người bởi trước khi trao kỷ vật cho một gia đình liệt sĩ ở Đồng Nai, các cựu binh đã từng gửi cho Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu danh sách 3.906 liệt sĩ mà trước đây trong quá trình tham chiến họ đã thu thập được. Liên quan đến một tập thơ do cựu binh Laurens giữ được trong chiến tranh ban đầu được cho là của liệt sĩ Phan Văn Ban, thượng tá Tiến cho biết qua đối chiếu các thông tin, chữ viết thì tập thơ viết tay thể hiện nội dung hoa đào vào mùa xuân và chữ viết rất đẹp... nhưng không phải của liệt sĩ Ban. “Chi tiết này có thể là của một người lính ở miền Bắc vào Nam chiến đấu. Đó cũng là chi tiết để tiếp tục hé mở tìm kiếm thêm một liệt sĩ khác. Đừng để người mẹ khác mất đi một niềm an ủi” - thượng tá Tiến tâm sự. |
Như mò kim đáy biển
Tháng 5-2011, do biết thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, đã tìm và xác định được tên, quê của 549 liệt sĩ nên tiến sĩ Bob Hall - nhóm trưởng Trung tâm nghiên cứu xung đột vũ trang và xã hội Úc - đã tìm được bà Tiến qua email. Đồng thời tiến sĩ nhờ bà Tiến xác định quê quán một liệt sĩ có tên Phan Văn Ban với hai bí danh Phan Thanh Hùng và Phan Thành Nhơn. Kỷ vật của liệt sĩ Ban mà trung tâm này gửi qua email cho bà Tiến là một cuốn nhật ký do cựu binh Úc Wildeboer lấy được sau một trận chiến ở Biên Hòa năm 1970.
Sau khi nhờ bà Tiến, tiến sĩ Bob Hall nói: “Chúng tôi biết bà đã về hưu nhưng công việc này không khó khăn lắm đối với bà. Hi vọng bà sẽ tìm được để chúng tôi chuyển kỷ vật về cho gia đình họ. Đây là kỷ vật khiến cựu binh Wildeboer trăn trở suốt mấy chục năm nay”.
Như động lòng trắc ẩn, bà Tiến làm ngay. Bằng kinh nghiệm qua nhiều năm tháng đi xác định tên, quê các liệt sĩ vô danh, bà Tiến điện thoại nhờ một số nhà báo, Sở Lao động - thương binh và xã hội, chính quyền ở Đồng Nai nhưng đều rơi vào tình cảnh “mò kim đáy biển” vì ai cũng trả lời “rất khó tìm”.
Cuối cùng bà điện nhờ bà Phạm Thị Oanh ở huyện Châu Thới (Bình Dương) là em gái một liệt sĩ mà bà đã tìm được mộ. Bà Oanh cũng kỳ công lần tìm qua các cựu chiến binh ở Đồng Nai. Ngày 13-1-2012, bà Oanh báo tin cho bà Tiến biết là đã tìm được liệt sĩ có tên Phan Thành Nhơn. Liệt sĩ Nhơn có cha là ông Phan Văn Lâu (đã mất) và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiểu, 85 tuổi, ở ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành (Đồng Nai). Gia đình ông Lâu, bà Hiểu ở ngay cạnh UBND xã Long An.
Trong thư gửi bà Tiến, bà Oanh viết lại lời em gái của liệt sĩ Nhơn: “Khi anh Hai Nhơn chết có một số đồng đội chôn cất và đánh dấu mộ, nhưng sau này khi gia đình quay lại tìm không thấy. Gia đình tôi có hai liệt sĩ là Phan Thành Nhơn, hi sinh năm 1970 và Phan Hữu Nghĩa, hi sinh năm 1965”. Tiếp đó, bà Oanh gửi cho bà Tiến công văn số 568 của UBND huyện Long Thành do phó chủ tịch huyện Nguyễn Thị Hồng Trinh ký ngày 20-2-2012. Công văn có nội dung: “Liệt sĩ Phan Thành Nhơn hi sinh năm 1970, là liệt sĩ chống Mỹ, có bằng Tổ quốc ghi công. Cha của liệt sĩ Nhơn là ông Phan Văn Lâu (đã mất). Mẹ liệt sĩ Nhơn là bà Nguyễn Thị Hiểu, 85 tuổi. Hiện thân nhân của liệt sĩ Nhơn ngụ tại ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai”.
Sau khi đến huyện Long Thành xác minh thêm một lần nữa về thông tin này, bà Tiến mới thông báo cho tiến sĩ Bob Hall. Bà Tiến kể: “Ông Bob Hall mừng lắm và cử ông Derrill De Heer thay mặt trung tâm và cựu binh Laurens Wildeboer là người có kỷ vật của liệt sĩ Nhơn sang VN”. Bà Tiến cho biết thêm: “Cả hai cựu binh sau khi đến quê hương liệt sĩ Nhơn để trao những kỷ vật của anh, tôi mới bắt đầu đi tìm mộ liệt sĩ Nhơn bằng cách tìm đơn vị cũ của anh để xác định trận đánh mà anh hi sinh ở đâu. Hi vọng bằng kinh nghiệm và tấm lòng của mình, tôi sẽ không còn phải mò kim đáy biển nữa”.
Điều mà thượng tá Nguyễn Thị Tiến rất cảm động là ngoài kỷ vật của liệt sĩ Nhơn, hai cựu binh này còn được Trung tâm nghiên cứu xung đột vũ trang và xã hội Úc trao hồ sơ gồm danh sách 500 liệt sĩ với tên tuổi, ngày giờ hi sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Tiến ôm tập hồ sơ, xúc động: “Tôi sẽ cùng đơn vị các anh đi tìm mộ cho các liệt sĩ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận