Phóng to |
Minh họa: Khang Lê |
Điều kỳ lạ là chúng ăn một nhưng giẫm đạp, quần xéo mười. Thửa ruộng nào “Ông” đi qua là coi như tan nát. Cả làng, cả xóm phải tập trung lại, gõ nồi đồng đinh tai nhức óc xua đuổi mà chúng chẳng thèm nghe, cứ đứng sừng sững như trái núi giữa ruộng “Trơ như đá, vững như đồng”. Dân làng phải thuê thợ săn bắn súng đì đùng hoặc cho nổ đất đèn (khí đá) ầm ầm như đại pháo dọa thì voi mới chạy tuốt về bên kia núi.
Lại thêm lũ sói rừng có bộ lông hung hung đỏ, đi từng bầy vài ba chục con kiếm mồi. Khan hiếm mồi nai, hươu thì chúng chuyển qua mồi “bê con”mềm thịt. Khi chủ chưa kịp lùa đàn bò về, lũ sói tinh khôn chia làm nhiều toán, chạy ngang chạy dọc “cắt đứt” đội hình bò. Chúng lừa được những con bê ngây thơ về phía cuối, con sói rình trên cành đái xuống trúng mắt bê. Bê không còn thấy đường và bị chúng lùa xuống mé sông. Một con nhảy lên lưng, nhằm vào hậu môn cắn một miếng thật sâu. Tiếp đến, nó ngoạm lấy và lôi cả bộ đồ lòng ra ngoài và tranh nhau ăn. Chủ nhà hớt hải đi tìm thì chỉ còn xác con bê tội nghiệp. Kỳ lạ thiệt ! Lũ sói chỉ “khoái khẩu” bộ đồ lòng bê con…
“Cửa rừng” là một lối nhỏ độc đạo để vào rừng. Ai qua "cửa rừng” cũng phải cất nón xuống. Từ xưa tới nay như thế, chắc ý của các bậc tiền nhân là phải chào “thần rừng” mới phải phép. Đi vào rừng không được nói bậy, chửi thề, không được “nhát ma” nhau vì làm như thế về nhà thế nào cũng bị bệnh cả tuần. Vì thế, lũ trẻ chúng tôi không bao giờ biết tiếng chửi thề. Thấy cây “sơn” ( quê tôi gọi là “cây tran”) thì phải tránh xa. Đứng dưới gốc hoặc có người chỉ đi ngang thôi, về nhà mặt sưng húp thấy dễ sợ. Nghe nói “hơi” của cây sơn nhập vào ai thì người nấy chịu. Đúng là “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” quả không sai! Nếu bị “sơn ăn”, theo cách trị dân gian là luộc một con gà mái tơ, lấy nước đó dội từ đầu xuống chân, vài lần sẽ khỏi!
Chúng tôi sống thân thiết với rừng và rừng là nguồn sống của người dân quê một nắng hai sương. Nào chặt củi, lấy nứa, chặt cây làm nhà, tìm những cây thuốc mà bây giờ mới thấy quý: kê huyết đằng trị đau, nhức lưng; củ thiên niên kiện ngâm rượu mạnh gân cốt, cường tráng, tuổi thọ cao…
Nhưng “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và có biết bao bài học cho con người. Giờ rừng đầu nguồn bị tận diệt nên lũ về nhanh hơn, tàn phá ghê gớm hơn! Vì đâu còn cây rừng ngăn nước, giữ nước và điều hòa nước! Con suối trong vắt ngày xưa ấy, chúng tôi thường tìm chỗ nước trong để uống khi nghỉ ngơi. Nay không còn nữa vì người ta đã ngăn dòng nuôi cá, hủy diệt cả một cánh rừng…
Nhưng với tôi, hình ảnh cánh rừng ngày xưa vẫn còn trong nỗi nhớ. Rừng ơi, rừng đi đâu để cho bóng chiều không còn bồi hồi như ngày xưa mình gặp mặt?
Áo Trắng số 13 ra ngày 01/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận