Vì hết vốn, các khu ký túc xá phía tây bắc TP Đà Nẵng phải dừng việc xây dựng, bỏ hoang hơn 2 năm nay - Ảnh: V.Hùng |
Hơn 10 khối nhà KTX từ 5-7 tầng đã xây gần xong phần thô, nhưng do thiếu tiền giữa chừng nên bị bỏ hoang nhiều năm nay. Song việc chuyển đổi công năng để đầu tư tiếp tục cho công trình cũng đang bị vướng.
Thi công giữa chừng thì hết tiền
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, tại các khối nhà xây dở dang hiện bỏ hoang hơn 2 năm nay, phần lớn bề mặt đã bong tróc, rêu bám nham nhở, một số cột bêtông lòi cả lõi sắt thép ra ngoài. Cả công trình hơn 10 khối nhà xây hoành tráng vắng bóng người, chỉ còn lại một vài người trông coi nhà.
Thế nhưng, xung quanh khu vực này, những người lao động làm việc ở KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Thanh Vinh và không ít sinh viên lại đang thuê những căn phòng chật chội, ẩm thấp để trú ngụ qua ngày.
Một bảo vệ công trường cho hay ông được thuê trông coi các khu nhà này hơn 2 năm nay, từ lúc công trình dừng xây dựng, giờ vẫn chưa biết khi nào thi công trở lại.
Năm 2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên thuê, TP Đà Nẵng được duyệt 4 dự án đầu tư xây dựng KTX tập trung trên địa bàn, với tổng mức đầu tư 1.426 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Sau đó, hai khu KTX tập trung phía đông và phía bắc TP đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh viên thuê ở. Còn hai khu KTX nằm phía tây bắc TP hơn 9ha, gồm 12 khối nhà 5-7 tầng, 2 trung tâm sinh viên 3 tầng, bố trí cho gần 11.000 sinh viên ở, với mức đầu tư gần 697 tỉ đồng thì vẫn dở dang.
Theo chủ đầu tư là Sở Xây dựng, dự án 2 khu KTX này xây dựng từ năm 2012 đến năm 2014, với các khối nhà B, C, nhà D, nhà E, nhà F, nhà ĐN1, nhà ĐN2, nhà ĐN3, trung tâm sinh viên, hạ tầng kỹ thuật... thì “tắc vốn” nên ngừng thi công.
Nguyên do vốn trái phiếu Chính phủ bố trí chỉ đến năm 2014, dự án không thuộc danh mục được Quốc hội bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ từ 2014-2016; dự án cũng chưa có chủ trương về việc phát hành vốn trái phiếu Chính phủ sau năm 2016.
Phải chuyển đổi công năng
Theo ông Nguyễn Văn Nam, phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội nói chung và tránh lãng phí do việc kéo dài dự án, các hạng mục đầu tư bị xuống cấp, sở đã tham mưu cho UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, xin hướng xử lý dự án này đến cuối tháng 10.
TP đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư dự án theo đối tác công tư (PPP), sở cũng đang nghiên cứu cơ chế, chính sách để tiếp tục thu hút đầu tư cho khả thi. TP cũng kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng công trình sang nhà ở công nhân hoặc nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động...
Ông Đàm Quang Tuấn, chủ tịch HĐQT liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 - Công ty CP Đức Mạnh thi công dự án, xác nhận đơn vị đã đổ vào dự án trên 200 tỉ đồng. Việc thiếu vốn khiến công trình dở dang đã lâu, nếu không sớm có giải pháp bơm vốn (trên 400 tỉ đồng) để hoàn thành công trình, các hạng mục sẽ ngày càng xuống cấp.
Là đơn vị quản lý nhiều KTX trên địa bàn, ông Tuấn cho rằng hiện nhu cầu của sinh viên về KTX không lớn lắm, nên cần chuyển đổi công năng dự án này thành nhà ở xã hội để bán hoặc làm nhà ở cho công nhân, người lao động thuê ở sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra, nếu Nhà nước không đổ vốn trực tiếp vào công trình thì phải có cơ chế, chính sách ưu đãi để các nhà đầu tư thấy được lợi nhuận trong việc đầu tư, xây dựng, cho thuê, bán căn hộ... từ dự án nói trên.
Người lao động bức xúc lâu nay Ông Lương Nguyễn Minh Triết, chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, bày tỏ nhà ở cho người lao động ở các KCN không có, nên người lao động bức xúc lâu nay về chuyện này. Nay, khi họ nghe thông tin TP kiến nghị chuyển đổi KTX dành cho người lao động thuê, mua thì rất vui mừng, phấn khởi. Hiện Liên đoàn Lao động TP đang thống kê lại số lượng hàng trăm nghìn lao động làm việc trong các KCN, ai có nhu cầu thuê, mua căn hộ, để làm cơ sở tính toán nhu cầu sau này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận