Anh Andy Sandness tại buổi gặp vợ con người hiến tặng mặt cho mình - Ảnh: AP
Những ngày qua, báo chí Mỹ và thế giới đồng loạt đăng tải buổi gặp đầy xúc động giữa Andy Sandness, 32 tuổi với vợ con người đàn ông hiến mặt cho anh.
"Tôi vô cùng tự hào", chị Lilly Ross vừa nói vừa ôm Andy thật chặt. Đáp lại, Andy hứa: "Tôi sẽ chứng minh cho chị thấy món quà từ gia đình chị không hề bị lãng phí".
Anh Andy Sandness, ở bang Wyoming (Mỹ) đã trải qua một cuộc phẫu thuật rất kỳ công vào tháng 6 năm ngoái để ghép nguyên khuôn mặt của một người hiến tặng đã chết lên mặt của anh.
56 giờ phẫu thuật
Do một tai nạn súng vào năm 2006, một nửa khuôn mặt của Sandness bị đạn phá hủy và biến dạng trông rất kinh sợ. Anh phải sống ẩn dật, không dám tiếp xúc với bên ngoải vì khuôn mặt dị dạng của mình.
Trong cuộc phẫu thuật kéo dài 56 tiếng đồng hồ tại bệnh viện Mayo, bang Minesota, các bác sĩ đã ghép nguyên cả khuôn mặt của người hiến tặng, anh Calen Ross 21 tuổi, lên các mô cơ đã bóc trần ra trên mặt của Sandness.
Suốt hơn hai ngày, họ đã tái tạo lại phần mũi, hàm trên và dưới, răng, tuyến nước bọt và các bắp thịt mặt cho Sandness.
Anh Andy Sandness trước kia (trái), khi bị tai nạn (giữa) và sau khi ghép mặt - Ảnh: CTVNews.ca
Trước khi tiến hành ca ghép thực sự, các thành viên của kíp phẫu thuật đã thực tập rất nhiều lần bằng phẫu thuật thực tế ảo, thao tác trên đầu gia súc và và mô hình in 3D để đạt đến thẩm mỹ tối đa cho người được ghép mặt.
Giờ đây, anh Sandness phải liên tục dùng các loại biệt dược nhằm chống hệ miễn dịch thải loại khuôn mặt mới ghép.
Anh cũng phải thường xuyên tập luyện kiểm soát các dây thần kinh mặt cũng như phải xoa bóp các cơ mặt để kích thích hoạt động của chúng, cũng như phải tập luyện lại cách phát âm các từ.
Khuôn mặt mới được hiến tặng theo sự đồng ý của chị Lily Ross, vợ anh Calen Ross đã chết do tự sát vào năm 2016.
Cuộc gặp gỡ xúc động giữa anh Sandness và vợ người hiến tặng - Video: AP, ĐỒNG LỘC Việt hóa
Trước đó chị Lily đã hiến tặng các bộ phận của chồng như phổi, thận và một số cơ quan khác cho LifeSource, một tổ chức từ thiện chuyên tiếp nhận từ người hiến tặng và chuyển giao nội tạng cho những bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép.
Tổ chức này đã đề xuất ý tưởng cấy ghép khuôn mặt cho anh Sandness. Rất may là các thông số về tuổi tác, nhóm máu, cấu trúc mặt và màu da của người cho và người nhận đều phù hợp nhau.
Tìm kiếm người hiến tặng: mất nhiều năm
Trước đó, cũng đã có một ca ghép toàn bộ khuôn mặt khác vào tháng 8-2015, thực hiện cho nạn nhân Patrick Hardison, 42 tuổi, một nhân viên cứu hỏa tình nguyện ở thành phố Senatobia, bang Mississippi (Mỹ).
Khuôn mặt anh bị lửa hủy hoại vào năm 2001, khi anh bị kẹt trong ngôi nhà đang cháy trong lúc cố tìm cứu một phụ nữ nghi là vẫn còn ở trong đó.
Sau khi các vết bỏng đã lành, khuôn mặt của Hardison bị biến dạng đến mức nhìn rất kinh khiếp làm anh ít dám đi ra ngoài và các con anh rất sợ hãi mỗi lần nhìn thấy mặt cha chúng.
Suốt 11 năm dài, anh phải sống trong tâm trạng đau khổ, u uất vì khuôn mặt dị dạng của mình.
Patrick Hardison lúc trước (trái), khi bị tai nạn (giữa) và sau khi ghép mặt (phải) - Ảnh: BusinessInsider
Mãi đến năm 2012, anh may mắn gặp được bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Eduardo Rodriguez ở Trung tâm Y khoa Langone thuộc đại học New York, các bác sĩ ở đây quyết định sẽ tiến hành ghép mặt cho anh.
Việc tìm kiếm người hiến tặng là vô cùng khó khăn vì các yêu cầu rất khắt khe: phải có cùng kích cỡ khuôn mặt, nhóm máu và tương thích về một số loại gene thì mới có thể ghép được.
Công cuộc tìm kiếm bắt đầu từ năm 2012 cho đến tận tháng 7-2015, các bác sĩ mới tìm được người hiến tặng đạt các tiêu chuẩn yêu cầu là anh David Rodebaugh, 26 tuổi, một tay đua mô tô chết vì tai nạn.
Kíp mổ với gần 100 phẫu thuật gia và trợ lý đã tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài 26 tiếng đồng hồ và đạt được kết quả mỹ mãn. Patrick Hardison giờ đây đã có một khuôn mặt mới để bắt đầu một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác.
Ghép mặt đã đem đến cơ hội sống lần nữa cho những người không may - Video: ĐỒNG LỘC
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới là vào năm 2005, thực hiện tại bệnh viện Amiens ở Pháp, người được ghép là một phụ nữ tên Isabelle Dinoire ở Valenciennes.
Vào năm đó, bà Dinoire đã bị con chó bà đang nuôi trở chứng tấn công và cắn xé nát khuôn mặt của bà, khi ấy bà mới 38 tuổi.
Các phẫu thuật gia hàng đầu thế giới là ông Jean-Michel Dubernard và Bernard Devauchelle đã tiến hành ghép mũi, cằm và đôi môi của một phụ nữ chết não hiến tặng, phần còn lại là áp dụng phẫu thuật thẫm mỹ tái tạo.
Dù cuộc phẫu thuật ghép mặt này là một kỳ tích y học, nhưng lại làm dấy lên một làn sóng tranh cãi tại thời điểm đó, đặt ra các vấn đề về đạo đức xã hội.
Chẳng hạn như cú sốc tâm lý của gia đình người hiến tặng khi nhìn thấy khuôn mặt của người thân yêu đã chết trên một người sống xa lạ nào đó, hay phản ứng của gia đình người nhận khi nhìn thấy người thân của mình mang một khuôn mặt vô cùng lạ lẫm…
Bà Isabelle Dinoire vài tháng sau ghép mặt (bên trái) và một năm sau - Ảnh: CNN
Bà Dinoire đã qua đời vào ngày 22-4-2016 ở tuổi 49. Theo báo Figaro, trước đó khuôn mặt ghép của bà đã bị hư hại một phần chức năng hoạt động do phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể. Thêm vào đó, do sử dụng liều lượng lớn các biệt dược chống thải loại đã làm phát sinh ung thư trong cơ thể bà.
Bệnh viện Amiens không công bố nguyên nhân bà tử vong nhưng theo báo chí Pháp, có thể là do các biến chứng phức tạp trong một cuộc phẫu thuật trước đó.
Dù vậy, ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên và mang tính đột phá của bà đã mở đường cho các phẫu thuật tương tự ở 6 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng cộng đã có 30 người được ghép mặt trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận