Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Long (nguyên phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 1997 - 2001) về câu chuyện TP Đà Nẵng 28 năm qua.
Trước khi Đà Nẵng hình thành đơn vị hành chính mới thì tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là một tỉnh rộng lớn với gần 13.000km2, địa hình đa dạng gồm đồng bằng, miền núi, thành phố, biển.

Ông NGUYỄN HOÀNG LONG
Khi ấy dân số hơn 1,2 triệu người, đời sống của đa số người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển.
Trung ương đã có chủ trương chia tách và thành lập TP Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.
Là người dân Đà Nẵng và trực tiếp tham gia vào công cuộc kiến thiết 28 năm qua, tôi thấy rằng kỳ tích ấy không chỉ thể hiện qua những con số về sự chuyển dịch kinh tế, sự phát triển trên các lĩnh vực cụ thể, qua sự tăng trưởng của GDP hay thu nhập ngày càng cao của người dân mà ai cũng có thể thấy qua những đổi thay hằng ngày.
Muốn phát triển bền vững, hiệu quả, yếu tố hàng đầu là công tác quy hoạch phát triển. Nhờ tầm nhìn xa và quyết tâm táo bạo của lãnh đạo lúc bấy giờ, TP đã có những con đường, những chiếc cầu, những khu công nghiệp, khu du lịch, nhiều trường đại học...
Những nơi từng là vùng hẻo lánh, vắng vẻ nay trở thành những khu vực sầm uất, tấp nập với những con đường thênh thang, nhà cao tầng san sát như tuyến Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành...
TP Đà Nẵng xác định mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và văn hóa - xã hội là ưu tiên hàng đầu trong đầu tư. Nhờ đó đến nay cuộc sống vật chất, tinh thần, văn hóa của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Trước khi chia tách, TP Đà Nẵng chỉ có gần 100 con đường với tổng chiều dài chưa đến 100km, đến nay đã có hơn 2.000 con đường được đặt tên với tổng chiều dài hơn 1.300km.
Hệ thống y tế Đà Nẵng bây giờ không chỉ phục vụ TP mà 70% lượng bệnh nhân đến từ các tỉnh bạn. Đà Nẵng có tỉ lệ dân số đô thị đứng đầu nước ta, đạt hơn 87%, gấp hai lần mức trung bình cả nước. Nông thôn, miền núi cũng có diện mạo mới.

Ảnh minh họa
Nhưng "kỳ tích sông Hàn" không chỉ là bộ mặt đô thị của TP mà còn đến từ sức mạnh của sự đoàn kết lòng dân. Chính quyền Đà Nẵng đã đánh thức tiềm năng về con người, sức mạnh đồng thuận và lòng dân với ước mơ đổi thay quyết liệt.
Thực tiễn cho thấy mọi đổi thay, phát triển đều vì dân và do dân góp sức. Điển hình là việc huy động nguồn lực của Nhà nước cùng sự đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng cầu Sông Hàn, Bệnh viện Phụ Nữ, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục, y tế, thể thao ngoài công lập.
Kỳ tích sông Hàn còn là kỳ tích của sức mạnh đồng thuận, của lòng dân. Bởi cuộc tái thiết đô thị lúc ấy động chạm tới hơn một nửa số hộ gia đình phải di dời, tái định cư. Sức mạnh để tạo ra kỳ tích vừa qua là tổng hợp của những yếu tố chủ quan và khách quan.
Nếu biết coi đó là bài học để phát huy trong giai đoạn mới - giai đoạn bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - thì Đà Nẵng với vị thế mới và dư địa thuận lợi sẽ tiếp tục lập nên những kỳ tích mới!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận