08/09/2024 11:15 GMT+7

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 5: Từ xã nghèo đói tới thu nhập cao nhất tỉnh

Tất cả nhờ một định hướng nhất quán, tầm nhìn chiến lược của chính quyền khi nhận định chỉ có bảo tồn mới đem lại sinh kế lâu dài, giữ Cù Lao Chàm phát triển bền vững.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 5: Từ xã nghèo đói tới thu nhập cao nhất tỉnh - Ảnh 1.

Ở Cù Lao Chàm, mọi người đều có thể tự kiếm thu nhập và niềm vui nhờ các hoạt động du lịch sôi động - Ảnh: B.D.

Từ một xã phải cầm cự mỗi nửa năm biển động bằng những chuyến tàu đưa gạo đất liền ra phát cho dân, chỉ trong thời gian ngắn Cù Lao Chàm đã làm nên kỳ tích khi trở thành xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Quảng Nam.

Những chuyện lạ ở Cù Lao Chàm

Tới Cù Lao Chàm hôm nay điều rất dễ nhận thấy đó là khung cảnh bình yên, hoang sơ như làng quê. Những ngôi nhà dựa lưng vào núi che chở cho cộng đồng. Những đường làng, ngõ hẻm sạch tinh tươm, những điểm tham quan du lịch đẹp như tranh vẽ...

Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Nguyễn Minh Đức khẳng định đã từ rất lâu rồi Cù Lao Chàm không có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Mà thực tế thì cũng chẳng có đất để chuyển đổi. Trong khi các nơi khác quỹ đất sản xuất, đất nông nghiệp được làm thủ tục để làm đất ở thì Cù Lao Chàm lại làm ngược lại. Chính quyền vận động dân để mua lại các diện tích có vị trí thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, bảo tồn.

Ở Cù Lao Chàm có rất nhiều cái lạ mà hiếm có ở nơi đâu. Đó là bất cứ người dân làm nghề gì cũng được đăng ký và quản lý. Quỹ đất, nguồn lợi rừng, biển được chia đều cho tất cả. 

Người được chạy xe ôm thì không được đi khai thác cua đá. Đã đi bắt cua đá thì không được làm nghề hái lá rừng. Chưa dùng đến quy định, người dân Cù Lao Chàm xưa nay tự quy ước và chia sẻ lợi ích với nhau như sự mặc định.

Trong mỗi chuyến đi rừng hay lặn biển, người Cù Lao Chàm cũng có hành xử khác biệt. Người dân chỉ "lấy vừa đủ xài, lấy còn nhường phần cho ngày mai". Các hộ hái thảo mộc trên rừng cũng không bẻ cành, vặt trụi mà chọn tỉa lá và trừ lại cành non cho cây trái tái sinh sôi.

Ông Nguyễn Văn Vũ, phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết khâu tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng giữ gìn môi trường Cù Lao Chàm mang yếu tố then chốt. Một đứa trẻ lớn lên ngay từ nhỏ đã được giáo dục không bọc vở bằng túi ni lông, đi mua bánh ăn thì cầm giấy báo theo để gói.

Khi lớn lên, cầm đèn ra bắt cua, xuống biển lặn tôm hùm thì trong suy nghĩ đầu tiên của từng người là chọn bắt con lớn, con nhỏ thì thả xuống. Con cua, cá hay tôm nào đang ôm bụng trứng chuẩn bị sinh sản thì được trả về đại dương. Ý thức hình thành trong từng hành vi.

Người Cù Lao Chàm giờ từ nhỏ đến lớn ai cũng hiểu một nguyên tắc rất ngắn gọn và thấy được ngay: đó là môi trường càng sạch thì khách du lịch đến càng đông. Tôm cá, san hô mọc càng nhiều thì khách sẽ thích trải nghiệm. 

Có khách du lịch tới thì người xe ôm cũng có khoản tiền chở khách thăm đảo, người bán bánh gai ở cầu cảng cũng bán được bánh để có tiền, người làm lưu trú cũng đón được khách vào ăn ở. Mỗi hành vi ứng xử trên đảo đều phản ánh kết quả mà họ sẽ nhận được tương ứng.

Ông Nguyễn Minh Đức khẳng định rằng cho tới nay các quyết sách, chủ trương đều được người dân đồng thuận cao. Dân xã đảo đều hiểu vai trò việc giữ môi trường yên lành, xanh, sạch. Càng bảo tồn tốt thì lại càng có tiền.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 5: Từ xã nghèo đói tới thu nhập cao nhất tỉnh - Ảnh 2.

Trung tâm xã Tân Hiệp, Cù Lao Chàm bình yên giữa thiên nhiên trong lành - Ảnh: B.D.

Sống khỏe nhờ du lịch

Khi đem câu chuyện đời sống hiện nay so với những gì ở 15 năm trước, người dân Cù Lao Chàm đều khẳng định nhờ bảo tồn bền bỉ, đồng thuận của chính quyền với người dân mà giờ cuộc sống của họ đã khấm khá.

Ở đảo chỉ cần ra biển một chút là có cá ăn, người già đôi khi chỉ cần cầm giỏ lên rừng kiếm đôi bó lá cũng có niềm vui và chút tiền để trang trải. Một người xe ôm kiếm được ngày dăm bảy trăm ngàn là điều bình thường. Tất cả đều được tạo ra nhờ du lịch. Du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Sự kể rằng đợt dịch COVID-19 đã cho thấy rõ nhất những giá trị to lớn, mang tính bền vững của việc bảo tồn. Ngay trong lúc cách ly, ông được một người dân vào bờ đón ra thăm đảo. Lúc đó không khí bao quanh vắng lặng nhưng trong nhà các hộ dân vẫn vui vẻ, bà con vẫn lạc quan, đặc biệt là không ai kêu đói.

"Tui hỏi vì răng ngó khỏe re rứa thì họ bảo gạo thì mua được, còn cá thì đi vài bước chân là có. Nhờ bảo tồn tốt nên cá tôm về tận mép nước. 

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 5: Từ xã nghèo đói tới thu nhập cao nhất tỉnh - Ảnh 3.

Thiên nhiên trong lành ở Cù Lao Chàm - Ảnh B.D.

Trong dịch không có việc làm, dân chỉ cần ra bờ câu cá cũng có cái ăn. Nếu đem bán thì giá còn một nửa nhưng vậy là quá đủ. Cuộc sống xưa nay đều thế, tự nhiên là kho lương vô tận mà nếu biết nâng niu và dùng hợp lý thì không bao giờ cạn", ông Sự kể lại.

Ông Nguyễn Minh Quang, nhà xóm Cấm từng là giám đốc kinh doanh nhiều khách sạn lớn ở Nha Trang, Đà Nẵng. Ông cũng ra đi từ chủ trương thay đổi cơ cấu nghề nghiệp để phục vụ bảo tồn những năm 2005-2006 mà chính quyền vận động. 

Có công việc bài bản, thu nhập cao tưởng chừng quá vững chãi, nào ngờ đại dịch COVID-19 ập đến khiến khách sạn đóng cửa, ông Quang mất việc và phải về lại mái nhà của cha mẹ ở xóm Cấm.

Cù Lao Chàm dù chật nhưng nhờ cộng đồng giữ gìn mà tới nay vẫn đủ bao dung để đón những đứa con gặp khó ở thành phố trở về. Khi về lại đảo, ông Quang làm công ty chuyên đón khách lặn biển. Dịch giã, khách chưa có nhiều thì ông đi lặn biển rồi theo cha mẹ lên rừng.

Cha mẹ ông Quang đã già nhưng họ không phụ thuộc kinh tế từ con cái mà vẫn hằng ngày kiếm được thu nhập. Cha ông mỗi ngày đều cầm dao lên rừng tìm lá lao (nhiều loại lá rừng kết hợp lại) rồi về chặt nhỏ ra bán cho khách du lịch. 

Mỗi buổi đi thong dong thăm thú giữa rừng như vậy giúp ông vui khỏe và hít thở không khí trong lành, vừa có thêm thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Mẹ ông Quang ở nhà đón khách vào lưu trú ở năm phòng homestay chính nhà ở của mình.

Cuộc sống đơn giản mà không lo đói, hạnh phúc thì khó nơi nào bằng như lời ông Quang nói: "Chỉ số hạnh phúc dân Cù Lao Chàm có lẽ cao nhất vùng".

Lấy người dân làm trung tâm của các chính sách bảo tồn

Bà Phạm Thị Mỹ Hương, chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết nhờ làm tốt bảo tồn kết hợp du lịch mà nhiều năm qua dân Cù Lao Chàm trong nhóm đứng đầu tỉnh Quảng Nam về thu nhập bình quân đầu người. Năm 2019, thu nhập bình quân dân xã đảo cao nhất tỉnh.

Tới 2023 tiếp tục giữ vị trí này với 58,13 triệu đồng/người; trong khi con số này của toàn tỉnh Quảng Nam là 48,2 triệu đồng/người. Cù Lao Chàm cũng nằm trong nhóm những xã sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của Quảng Nam.

Theo phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng, mọi sự thay đổi của Cù Lao Chàm được bắt đầu từ năm 2005 khi khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời. Đặc biệt là năm 2009 Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tận dụng cơ hội này, tỉnh Quảng Nam đã đặt Cù Lao Chàm gắn liền sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương và thiêng liêng nhất chính là giữa con người với thiên nhiên.

"Danh hiệu khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển.

Chính quyền từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững. Nhờ đó dân Cù Lao Chàm đã thực sự đổi đời", ông Hùng nói.

----------------------

Trong tình thế đất đai ít ỏi, dân số đông, Cù Lao Chàm đã chọn bảo tồn gắn với du lịch để phát triển.

Kỳ tới: Giữ đảo xanh cho con cháu mai sau

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 5: Từ xã nghèo đói tới thu nhập cao nhất tỉnh - Ảnh 3.Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 4: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học làm bảo tồn

Giữa những năm 2000, khi Cù Lao Chàm chuyển hướng qua bảo tồn để làm du lịch, một cuộc vận động lớn được thực hiện nhằm đổi phận các ngư dân nhiều thế hệ làm biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp