04/12/2024 09:43 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào

Chỉ mất 3 năm với bộ khung từ đoàn vỏn vẹn 10 người do Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng dẫn đầu sang Lào, công ty đã lập được kỷ lục về tốc độ trồng cao su nhanh nhất trong toàn ngành.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào - Ảnh 1.

Ông Ngô Quyền, tổng giám đốc Công ty CP Cao su Việt Lào (giữa), thăm vườn giống tại huyện Bachiang - Ảnh: VŨ TUẤN

"Gần 8.000ha trồng mới trong hai năm đầu triển khai, đó là một kỳ tích! Chúng tôi và các vị lãnh đạo hai nhà nước không thể tin được một tốc độ nhanh như vậy!" - ông Bounxou Kouvanthong, nguyên bí thư Huyện ủy, huyện trưởng huyện Bachiang (tỉnh Champasak, Lào), từng ngạc nhiên thốt lên khi thăm dự án cao su năm 2006 ở Công ty cổ phần Cao su Việt Lào.

Kỳ tích trồng mới

Thực tế chỉ mất 3 năm với bộ khung từ đoàn vỏn vẹn 10 người do Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng dẫn đầu sang Lào, công ty đã lập được kỷ lục về tốc độ trồng cao su nhanh nhất trong toàn ngành.

Họ làm tất cả mọi việc, vừa "dân vận" để đền bù đất, làm mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tập huấn kỹ thuật mà vẫn trồng mới được gần 10.000ha cao su trong 3 năm.

Sang năm thứ 4, công ty chủ yếu chỉ trồng thêm và chỉnh sửa một số ít, hoàn tất sớm hơn kế hoạch được giao là 5 - 6 năm.

Nhắc thành công này, ông Ngô Quyền, tổng giám đốc Công ty CPCS Việt Lào hiện nay, vẫn nhớ tháng 3-2005, họ mang sứ mệnh lớn lao biến mảnh đất Champasak thành vùng chuyên canh cây cao su.

Ngày ấy ở một vài nơi giáp biên giới Campuchia, người dân Lào chỉ có vài chục ha cao su trồng như... vườn chuối, chứ không có nông trường quy mô công nghiệp. Dân các huyện như Bachiang chưa tưởng tượng được cây cao su "mặt ngang mũi dọc" ra sao.

Sáu tháng đầu kể từ khi đặt chân đến đất Lào, ông Chín Ngừng và các anh em như ông Quyền dốc hết nỗ lực "vừa làm trinh sát, vừa làm đặc công, vừa làm lính trận" để trồng mới được 1.600ha.

Tuy nhiên kể lại chuyện này, ông Quyền vẫn xua tay: "Chưa, chưa phải kỳ tích. Năm thứ hai mới là năm chúng tôi trồng nhiều nhất! Chính xác là 4.499,4ha! Anh cán bộ đo đạc không làm tròn, để đúng số chính xác".

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào - Ảnh 2.

Thu nhập công nhân người Lào cạo mủ cao su lên tới hơn 10 triệu tiền Kip mỗi tháng - Ảnh: VŨ TUẤN

Ngày ấy 34 tuổi, ông Quyền trẻ nhất đoàn được giao làm trưởng phòng nông nghiệp, rồi phụ trách thêm đội "113" khôi phục phần cao su bị hỏng... Ban ngày họ đến bản, đến nông trường, đêm về trải chiếu ngủ ở những căn lán gỗ trong rừng.

Những căn lán này trước đây của người Thái sang trồng gỗ tếch nhưng thất bại, Công ty CPCS Việt Lào nhận lại những phần đất rừng nham nhở lẫn với đất nương rẫy của dân.

Trước sự thất bại dự án của người Thái, dân bản làng Lào dè dặt hơn với những dự án khác. Nhiều người còn chẳng biết cây cao su là cây gì, và việc trồng cây công nghiệp này lại phải liền lô, liền khoảnh lâu dài khác hẳn đời sống du canh du cư của họ.

Anh em Việt Nam phải ngày đêm gắn bó để làm "dân vận" bằng cả tấm lòng chân thành để họ thấy được tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Chín Ngừng, ông Quyền luôn ưu tiên xuống dân, họp bàn cùng dân, ngày này chưa xong thì ngày mai họp tiếp. Một trong những khó khăn chính là sự chuyển ngữ, hai người thông dịch không thể đảm đương nổi ở vùng có tới 30 bộ tộc Lào.

Tuy nhiên, cuối cùng anh em cũng vượt qua được nhờ tấm lòng chân thành cũng như từ sự rất quý mến Việt Nam của người dân Lào.

Kể về những kỷ niệm khó quên này, ông Quyền không nhắc nhiều đến mình mà cứ say sưa kể chuyện ông Chín Ngừng, tổng giám đốc đầu tiên của công ty.

Chính nhờ kinh nghiệm "thực chiến" thành công ở các công ty cao su trong nước và đặc biệt phương pháp trồng "ướt" do ông Chín Ngừng sáng chế đã giúp tốc độ trồng mới trên đất Lào tăng nhanh gấp cả chục lần so với lối trồng cao su truyền thống từ thời Pháp thuộc.

"Chúng tôi chỉ cần một cái xà beng chọc xuống đất, tưới nước cho đẫm rồi đặt cây vào, chỉnh cho đúng hướng", ông Quyền mô tả vậy mà cây vẫn phát triển tươi tốt. Chính phương pháp trồng mới này là một trong những đóng góp giúp ông Chín Ngừng vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào - Ảnh 3.

Người dân huyện Bachiang (tỉnh Champasak, Lào) hưởng lợi từ hàng trăm km đường giao thông khang trang do Công ty CP Cao su Việt Lào xây dựng - Ảnh: VŨ TUẤN

Dân Lào vui mừng có đường mới rộng rãi

Ngày tháng ban đầu khẩn trương đó, công ty tập trung mặt bằng, nhận đất đến đâu, san ủi đến đó, và có mặt bằng đến đâu thì cũng trồng mới luôn đến đó. Phương châm "mở đường trước, vật tư đến sau" khiến công nhân không lúc nào thiếu cây giống, thiếu vật tư.

Người dân địa phương cũng được hưởng lợi lớn từ những con đường bằng phẳng, rộng rãi mới mở của công ty, trong khi trước đây họ phải đi lại rất khó khăn trên những con đường mòn nhão nhoẹt bùn đất.

Thực tế trước khi có đường, dân các bản Nake, Phu Thong Lum, Phu Thong Thơng, Phi Lạt muốn ra trung tâm huyện Bachiang phải men theo lối mòn trong rừng, vòng qua bản Thi 9, bản Thi 10, mất cả ngày mới ra tới huyện.

Dân bản cả tháng chẳng thiết đi chợ vì ngán ngại con đường. Thành phố trung tâm Pakse cách đó không xa, nhưng nhiều người dân vẫn chưa hề được đặt chân tới.

Khi dự án cao su về tới huyện, con đường xuyên suốt từ nông trường 1 đến nông trường 3 ở gần trung tâm huyện được mở, ô tô chạy được 90km/h êm ru. Hiện nay, phần lớn những đoạn đường này đã được trải nhựa, kể cả đường xuyên qua các lô cao su, và dân bản có thể chạy xe "tẹt" ga.

Vận chuyển 7 triệu cây giống thần tốc

Việc xây dựng tốt cơ sở hạ tầng được thúc đẩy song song trồng cây mới. Ngày kỷ lục của Công ty CPCS Việt Lào là trồng mới được 250ha, cần gần 64.000 cây giống. Ông Quyền kể chính việc mang được hàng triệu cây giống từ Việt Nam sang Lào ngày ấy cũng là một kỳ tích.

Thời đó, đường giao thông chưa được mở mang như giờ, con đèo Attapeu (nối tỉnh Attapeu với tỉnh Champasak) được gọi là con đường tử thần đang thi công. Xe chở cây giống phải đi qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) qua Attapeu tới Champasak.

Vùng đó không có sóng điện thoại, lỡ gặp một trận mưa hoặc sự cố sạt lở đoạn đèo thì mất cả tuần chưa chắc đã qua được, người ở công ty lại sốt ruột không biết ra sao. Thế nhưng thật may mắn, 7 triệu cây giống đều được chuyển qua thành công.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào - Ảnh 4.

Sản phẩm tốt từ mủ cao su ở Công ty CPCS Việt Lào - Ảnh: VŨ TUẤN

Tỉ lệ sống của cây giống đạt tới 98%, cho đến nay chưa có đơn vị nào trồng cao su có tỉ lệ sống cao như vậy. Ông Quyền cho hay vườn cây của Việt Lào bây giờ vẫn là kỳ tích. "Tỉ lệ cho khai thác tới giờ là 530 cây/ha, mật độ trồng ban đầu là 555 cây/ha.

Trong quá trình sinh trưởng có cây bị gãy, đổ, cây bị chết, nhưng ở vườn cây chúng tôi vẫn giữ vững tỉ lệ 553 cây/ha, chỉ mất 2 cây", ông Quyền cho hay.

Nhắc nhớ chuyện này, ông Chín Ngừng tâm sự chính đòi hỏi thực tế đã khiến ông nghĩ ra phương pháp mới gọi là "trồng ướt".

Cách "trồng khô" truyền thống trước đây phải trải qua quy trình 12 bước, nhưng kiểu trồng mới rút ngắn chỉ còn 5 bước, giảm được hơn 30% chi phí, số cây sống gần như 100%, trong khi lối trồng cũ thường chết khoảng 20 - 30% và cần nhiều công giặm lại.

"Đặc biệt là theo kiểu cũ, một công lao động chỉ trồng được khoảng 40 cây, nhưng phương pháp mới thì trồng được tới 400 cây, tức nhanh gấp 10 lần", ông Chín Ngừng vui vẻ kể thêm chính cách trồng "ướt" này cũng giúp cây giống vận chuyển đường dài từ Việt Nam sang vốn đã yếu vì đường xa lại có tỉ lệ sống tươi tốt rất cao...

Gần 20 năm nhắc nhớ ngày tháng không quên, Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng tâm sự: "Nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Lào đến thăm nông trường đều rất vui mừng trước màu xanh tươi tốt của cây cao su Việt được trồng nhanh trên đất bạn.

Và chúng tôi cũng vui lắm. Trước khi đi, chúng tôi đã hứa với các lãnh đạo và với cả hơn 10.000 anh linh liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn là hoàn thành tốt nhiệm vụ mới trở về".

Chỉ vài năm đầu, Công ty CPCS Việt Lào đã làm hơn 250km đường liên lô, gần 100km đường cấp phối đỏ, hàng trăm con suối, con rạch nhỏ được làm cầu cống dưới các tán xanh nông trường.

Xuất phát từ Việt Nam, các công ty cổ phần cao su Quasa - Geruco, Dầu Tiếng - Việt Lào cũng nhanh chóng phủ tán xanh cao su trên đất bạn, đồng thời nỗ lực phát triển tốt hạ tầng đường, điện, trường, trạm...

Người dân Lào vui vẻ đón tương lai mới sáng sủa hơn, và quan trọng nhất là họ đã có việc làm thu nhập khá hơn hẳn thời du cư du canh trồng tỉa trước đây.

-------------------------

Người dân Lào thay đổi được lối sống, có thu nhập khá hơn hẳn, nhiều người đã có nhà xây, có ô tô và con cái được đi học nhờ thu nhập từ việc làm ở vườn cao su Việt Nam...

Kỳ tới: Người dân Lào đổi đời nhờ vườn cao su Việt

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào - Ảnh 3.Kỳ tích cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Kỳ 1: Đoàn 904 và những người tiên phong

Tròn 20 năm đã trôi qua, nhiều chứng nhân trong cuộc vẫn xúc động và tràn đầy tự hào khi nhắc nhớ lần đầu tiên cây cao su Việt Nam xuất ngoại, trồng xanh tươi trên đất nước bạn Lào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp