02/12/2024 11:07 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Kỳ 1: Đoàn 904 và những người tiên phong

Tròn 20 năm đã trôi qua, nhiều chứng nhân trong cuộc vẫn xúc động và tràn đầy tự hào khi nhắc nhớ lần đầu tiên cây cao su Việt Nam xuất ngoại, trồng xanh tươi trên đất nước bạn Lào.

Kỳ tích cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Kỳ 1: Đoàn 904 và những người tiên phong - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Thongloun Sisoulith (hiện là Tổng Bí thư, Chủ tịch nướcLào) sang làm việc với Tổng công ty Cao su Việt Nam tại TP.HCM vào ngày 5-5-2004, để khởi động cho sự hợp tác phát triển tốt đẹp cây cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Ảnh: nguồn Công ty CPCS Việt Lào

Đó là tâm huyết, trí tuệ, mồ hôi công sức của biết bao người trong ngành cao su. Và nói như ông Lê Minh Châu, nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, màu xanh cây công nghiệp này đã góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị và đem lại rất nhiều lợi ích bền vững cho hai quốc gia láng giềng Việt - Lào.

Ngược dòng thời gian trở lại 20 năm trước, đó là một câu chuyện rất dài của hành trình cây cao su Việt phủ xanh trên đất Lào.

Ông Lê Minh Châu, tức Năm Châu, kể mình chính là một thành viên trong đoàn đầu tiên của ngành cao su Việt Nam đi khảo sát thực hiện chủ trương của hai chính phủ về việc hợp tác phát triển cây công nghiệp này trên nước bạn.

Những tấm lòng ở nước bạn

Tháng 9-2004, đoàn bắt đầu sang Lào. Trưởng đoàn là một thành viên trong ban lãnh đạo Tổng công ty Cao su Việt Nam (sau là tập đoàn), gần 10 thành viên còn lại như ông Năm Châu đều là lãnh đạo các công ty và có rất nhiều kinh nghiệm về việc quản lý, trồng trọt, chăm sóc và kinh doanh mủ cây công nghiệp này.

Và nói vui như ông Năm Châu thì "chúng tôi chỉ nhìn đất, nhìn người là biết ngay có thể trồng được hay không".

Từ TP.HCM, đoàn ra Huế, sau đó viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn rồi đi xe qua Lào ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Khởi hành vào tháng 9-2004 nên ông Năm Châu đề nghị đặt tên đoàn 904 cho dễ nhớ, mọi người đều vui vẻ đồng ý với cái tên như bí số hành quân này.

"Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm về chuyến khảo sát đầu tiên, mọi người đều nhiệt tình và dễ mến" - ông Năm Châu nhắc nhớ về một trong những lãnh đạo Chính phủ Lào khi ấy là Phó thủ tướng Thongloun Sisoulith (hiện là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào) đã rất nhiệt tình làm việc với đoàn và nhanh nhẹn giúp đỡ hiệu quả.

"Vui vẻ tiếp đón chúng tôi, ông Thongloun Sisoulith thể hiện rõ sự mong muốn hợp tác phát triển ngành cao su trên nước mình để nâng cao đời sống người dân những vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Có thể nói ông đã làm việc với chúng tôi bằng cả tấm lòng" - ông Năm Châu kể thêm phó thủ tướng Lào khi ấy ngồi ngay phòng làm việc gọi điện cho lãnh đạo các địa phương hỗ trợ đoàn Việt Nam làm việc.

Chính nhiệt huyết và hanh thông thuận lợi từ cấp cao này đã giúp mọi sự sau đó tiến triển tốt đẹp.

Thực tế đoàn ngành cao su Việt Nam chỉ cần làm việc hai ngày với các lãnh đạo chính phủ và bộ ngành nước bạn. Sau đó, họ đã xuống các tỉnh từ trung đến nam Lào dự kiến phát triển cao su như Savanakhet, Champasak ...

Tâm sự về chuyến đi đặc biệt này, ông Năm Châu vẫn nhớ mãi những người bạn Lào dễ mến và có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam: "Chúng tôi đã nói rất rõ với bạn là chúng tôi không làm bất cứ việc gì để có thể gọi là phá rừng.

Trong lực lượng lao động của ngành cao su ở nước bạn, chúng tôi cũng chỉ đưa dưới 10% người Việt sang để giúp đỡ, hướng dẫn các bạn làm việc. Chúng tôi cam kết sẽ nâng cao đời sống các bạn".

Và đó cũng chính là những mục tiêu quan trọng của ngành cao su Việt Nam khi đầu tư ở Lào: góp phần gắn kết thêm tình hữu nghị hai quốc gia, tạo việc làm có thu nhập ổn định để nâng cao đời sống người dân Lào, xây dựng hạ tầng đường, điện, trường, trạm và giúp đỡ người dân Lào có thể tự trồng cây cao su làm sinh kế...

Đặc biệt có một câu chuyện mà ông Năm Châu khó quên là Chính phủ Lào giao khu vực trồng cây, còn việc thỏa thuận giao đất cùng đền bù cụ thể như thế nào thì phía Việt Nam làm việc trực tiếp với người dân Lào.

Ông kể: "Chúng tôi thống nhất rõ ràng là chỉ nhận đất sạch, tức đất có thể san ủi, trồng trọt.

Còn nếu khu vực nào lác đác có cây gỗ thì phía Lào tự quyết định xử lý. Phía Việt Nam dứt khoát không đụng gì đến gỗ rừng của nước bạn. Chúng tôi chỉ nhận đất giao khi gỗ tận dụng bằng 0".

Đây là một quyết định rất đúng đắn. Chủ trương ban đầu phát triển ít nhất 100.000ha cao su Việt Nam trên đất Lào, nhưng hiện đạt khoảng 30.000ha vì các lý do, trong đó có sự thay đổi về chính sách đất đai của nước bạn.

Kỳ tích cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Kỳ 1: Đoàn 904 và những người tiên phong - Ảnh 2.

Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng vẫn xúc động và tự hào nhắc nhớ hành trình phát triển cây cao su Việt trên nước bạn Lào - Ảnh: QUỐC MINH

Tôi tự hào và không thể nào quên ngày tháng đẹp đẽ ở Công ty cao su Việt Lào, và nếu còn trẻ tôi sẽ tiếp tục ở lại để được làm việc dưới tán xanh cao su trên nước bạn...
Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Việt Lào)

Những người đầu tiên đi trồng cao su ở Lào

Sau khi đoàn 904 của ông Năm Châu về nước, đến tháng giêng năm 2005, một đoàn nữa của ngành cao su Việt Nam được cử sang Lào để hiện thực hóa chủ trương hợp tác phát triển cao su trên nước bạn và chuẩn bị trồng những cây đầu tiên.

Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng (người trưởng thành từ ngành cao su và có rất nhiều đóng góp hiệu quả, đặc biệt là giai đoạn làm giám đốc để phát triển Công ty cao su Chư Sê), tức Chín Ngừng, được giao trọng trách trưởng đoàn.

Nhắc nhớ khởi đầu hành trình đặc biệt này, ông Chín Ngừng kể cuối năm 2004 mình đang là phó trưởng ban kỹ thuật Tổng công ty Cao su Việt Nam thì được anh Lê Văn Bình, phó tổng giám đốc thường trực, gọi lên giao nhiệm vụ mới.

Vui vẻ mời Chín Ngừng ly trà, ông Bình nói ngay biết Chín Ngừng đã thành công rất tốt ở các công ty cao su Dầu Tiếng, Chư Sê với những cái nhất như trồng nhanh nhất, sống nhiều nhất, cho sản lượng mủ nhiều nhất... nên giao nhiệm vụ mới ở Lào.

"Chín Ngừng thấy làm được không?". "Tôi vinh dự nhận nhiệm vụ mới này" - Chín Ngừng tự tin trả lời ông Bình.

Kỳ tích cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Kỳ 1: Đoàn 904 và những người tiên phong - Ảnh 3.

Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng (bìa phải) và thời kỳ đầu nỗ lực phủ xanh tán cao su Việt Nam trên đất Champasak, Lào - Ảnh: Công ty CPCS Việt Lào

Thế là, vào ngày 15 tháng giêng năm 2005, đoàn thứ hai của ngành cao su xuất phát sang Lào. Họ gồm 10 người, trong đó ông Chín Ngừng lớn nhất ở tuổi 50, và trẻ nhất là anh Ngô Quyền lúc ấy cũng đã 34.

Lần này, họ đi là để bắt tay vào hành động, là để cây cao su Việt Nam được bám rễ xanh tốt trên đất nước láng giềng có chung biên giới thân thiện với Tổ quốc mình.

Xuất phát từ TP.HCM, họ cũng lên đường ra Quảng Trị để sang Lào từ cửa khẩu Lao Bảo. Tối đầu tiên, đoàn được ông Vũ Trọng Kim (khi ấy là bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị) tiếp đón thân mật ở Đông Hà.

Mọi người đã cùng nhau thức trắng đêm nhắc nhớ về cuộc chiến máu lửa 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị và sự hy sinh anh dũng của biết bao anh hùng.

"Đêm đó, nhắc lại trang sử đẫm máu xương anh hùng, anh em chúng tôi đã khóc. Anh Vũ Trọng Kim nhắc nhở chúng tôi trước khi qua Lào nên làm lễ báo cáo với anh linh liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn.

Các anh linh thiêng lắm, sẽ phò hộ cho những người có lòng vì Tổ quốc mình" - ông Chín Ngừng tâm sự kỷ niệm xúc động và khó quên nhất ngay ngày đầu hành trình tỏa bóng xanh cao su trên nước bạn.

Và điều linh thiêng đã xảy ra ...

------------------------------

Có nhiều cái khó ở vùng đất mới, nhưng họ đã nhanh chóng vượt qua được để lập kỷ lục trồng rất nhanh 10.000ha cao su xanh tốt ở tỉnh Champasak.

Kỳ tới: Nén nhang liệt sĩ và kỷ lục 10.000ha cao su

Kỳ tích cao su Việt Nam trên nước bạn Lào - Kỳ 1: Đoàn 904 và những người tiên phong - Ảnh 3.Đề nghị cơ cấu nợ cho doanh nghiệp trồng cao su tại Lào

TTO - Ngày 27-3, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016 với sự tham dự của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp