Du khách Hàn Quốc trong một cửa hiệu làm đẹp tại Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo thống kê của Hội đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, mỗi năm có hơn 2.000 spa và thẩm mỹ viện được khai trương, trong đó cần khoảng 20.000 nhân lực kỹ thuật viên đáp ứng nhu cầu.
Dự báo trong năm 2019, con số này còn tăng theo cấp số nhân.
Ngã rẽ nghề nghiệp
Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, Nguyễn Thị Thanh (1999, quê Quảng Nam) quyết định không xét tuyển vào các trường ĐH mà theo học nghề tại một tiệm làm tóc ở địa phương.
Ra nghề được nửa năm, Thanh nghĩ rằng cần chuyển sang một ngành khác trong nhóm nghề chăm sóc sắc đẹp để có cơ hội thăng tiến nhiều hơn nên quyết định vào Sài Gòn tìm học một khóa học kỹ thuật viên thẩm mỹ - spa ngắn hạn.
Thanh cho biết lúc đầu khi biết mình theo học nghề thay vì trở thành sinh viên như các bạn khác, ba mẹ cấm cản lắm, có lúc còn đòi từ mặt con. "Nhưng rồi thấy mình trưởng thành từng ngày, ba mẹ cũng an tâm. Mình thấy sức của bản thân không thể học ĐH mà chỉ phù hợp với học nghề nên không muốn phí thời gian" - Thanh nói.
Thanh kể rất nhiều bạn bè nghe Thanh theo nghề spa thường hỏi: "Đi làm có bị sao không?" bởi vẫn nghĩ rằng đây là một nghề nhạy cảm. Thanh cho rằng đây là những định kiến chưa đúng về nghề này nhưng sẽ dần thay đổi khi spa tiếp cận được nhiều đối tượng ở nhiều địa phương hơn.
"Đi làm mới thấy làm spa nhẹ nhàng hơn nhiều những ngành nghề khác khi công việc đơn giản chỉ là phục vụ khách. Quan trọng nhất của nghề cần phải học kỹ năng tốt và có thái độ tốt với khách" - Thanh chia sẻ.
Trái với Thanh, Nguyễn Hồng Lam (1995, Tiền Giang) theo học cao đẳng sư phạm tại TP.HCM nhưng sau khi ra trường không tìm được chỗ dạy phù hợp mà vẫn phải làm gia sư như thời sinh viên. Khi không biết phải làm gì, Lam phân vân giữa việc về quê phụ giúp gia đình hay học chuyển hẳn sang một nghề nào khác.
"Cuối cùng mình chọn học phun xăm, sau đó học thêm kỹ thuật làm massage. Khó nhất trong khi học là phải tập trung vì chỉ trong thời gian ngắn phải thuần thục nhiều kỹ năng như massage" - Lam nói.
Sau một năm làm nghề ở TP.HCM, Lam tích vốn góp về quê mở hẳn cho mình một tiệm chăm sóc da và tự mình làm chủ.
Nhiều cơ hội trong thời đại mới
Cô Giang Thanh Hương, giảng viên nghề chăm sóc sắc đẹp tại một trường trung cấp trên địa bàn TP.HCM, cho rằng trở thành một kỹ thuật viên thẩm mỹ có rất nhiều cơ hội phát triển bởi hiện nay nhu cầu làm đẹp của cả hai giới là rất lớn.
Dịch vụ spa luôn có đủ loại mức độ từ bình dân đến cao cấp, đồng thời những cơ sở này ngày càng mở rộng về số lượng cũng như quy mô, cho nên nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn. "Khoảng chừng 2-3 tháng là các cơ sở spa lại hỏi thăm tôi có thể giới thiệu nhóm sinh viên nào có năng lực hay không. Có lúc họ ‘đặt cọc’ đến 30 sinh viên một đợt" - cô Hương nói.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội làm đẹp quốc tế nhận định, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển nhanh chóng về chăm sóc sắc đẹp, đứng thứ hai châu Á.
Ngoài ra, theo thống kê của Hội đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, mỗi năm có hơn 2.000 spa và thẩm mỹ viện được khai trương, trong đó cần khoảng 20.000 nhân lực kỹ thuật viên đáp ứng nhu cầu. Dự báo trong năm 2019, con số này còn gia tăng theo cấp số nhân.
Ông Phạm Anh Tuấn, phó phòng marketing Trường Ana Beauty Academy, cho biết một trong những ưu điểm của việc học nghề làm đẹp là chỉ học trong một khoảng thời gian ngắn sau đó đã có thể ra đi làm với mức lương khởi điểm từ 8-10 triệu. Dù học phí của các trường tương đối cao, dao động từ 15-30 triệu, nhưng nếu so với khoản tiền học ĐH 4 năm thì vẫn tiết kiệm.
"Hoàn thành xong khóa học mà các bạn vẫn chưa tự tin vào tay nghề của mình thì chúng tôi sẽ đào tạo lại hoàn toàn miễn phí. Học viên vào học còn được tư vấn hướng nghiệp và cam kết 100% việc làm sau khi hoàn thành khóa học" - ông Tuấn nói.
So sánh giữa nam và nữ, theo ông Tuấn, hiện nay cơ hội cho nam sinh tiếp cận với nghề này vẫn còn khá hạn chế do thông thường khách hàng vẫn chuộng phái nữ làm spa hơn. Điều này tác động ngược lại đến các cơ sở dạy nghề chăm sóc sắc đẹp thường ít học viên nam, một số trường hoàn toàn không đào tạo. Chẳng hạn như cơ sở của ông trong giai đoạn cuối năm 2018 chỉ vỏn vẹn 2 bạn nam.
"Đặc thù ngành spa cần thực hành nhiều trên cơ thể nên nam học chung với nữ cũng có nhiều chỗ bất tiện. Tách các bạn ra một lớp riêng thì không đủ người do số lượng đăng ký tương đối ít - ông Tuấn nói. "Chúng tôi cũng chủ động giới hạn học viên nam vào học spa do khó cam kết đầu ra cho nam với số lượng lớn".
Học kỹ thuật viên thẩm mỹ ở đâu?
Học sinh muốn theo ngành này có thể tìm học các lớp sơ cấp ngắn hạn, hoặc theo học các trường trung cấp và cao đẳng nghề trên địa bàn TP.HCM. Một số địa chỉ học sinh có thể tham khảo trong khu vực phía Nam bao gồm Ana Beauty Academy (Gò Vấp, TP.HCM), Học viện đào tạo spa Thanh Huyền (Tân Bình, TP.HCM), Trường trung cấp nghề Nhân Đạo TP.HCM (Q.3, TP.HCM), Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2 (Q.9, TP.HCM)… Thông thường nhiều người chọn con đường học các lớp sơ cấp vì tiết kiệm thời gian và được đảm bảo đầu ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận