07/06/2024 05:25 GMT+7

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025: Đề thi văn 'mở' hết cỡ

Trưa 6-6, sau khi kết thúc thi môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM, nhiều thí sinh ra về với nụ cười rạng rỡ.

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đề thi văn năm nay ở TP.HCM được giới chuyên môn đánh giá là "mở" hết cỡ. Chủ đề xuyên suốt các câu hỏi cũng khá mới mẻ và thú vị khi đề cập "nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình".

Cơ hội bày tỏ suy nghĩ cho học sinh

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, em Thảo Nhi - học sinh lớp 9 ở quận 1 - cho biết: "Em rất bất ngờ với đề thi văn vì các câu hỏi không chỉ mới về hình thức mà còn mới về cả nội dung. Bất ngờ nhưng em có cảm giác thích thú. 

Đọc đề xong, em chỉ gạch đầu dòng mấy ý chính ra giấy nháp rồi viết một mạch vào bài làm. Không biết điểm số có đạt được như ý muốn hay không, nhưng cách đặt vấn đề như trong đề thi đã khiến chúng em có nhu cầu bày tỏ suy nghĩ của mình".

Tương tự, Đặng Gia Huy - học sinh lớp 9 ở quận Tân Phú - cũng nhận định: "Các câu hỏi đều gần gũi với lứa tuổi học sinh. Hơn thế nữa, em thích cách đặt câu hỏi theo kiểu mở, không áp đặt thí sinh phải suy nghĩ theo cách của người ra đề. Ngay từ phần ngữ liệu của câu đọc - hiểu em đã thấy thích rồi. 

Sau đó đọc đến những câu hỏi của phần này lại càng thích hơn vì nó khá nhẹ nhàng, không làm khó thí sinh. Câu hỏi cuối cùng của phần đọc khiến em rất tâm đắc: "Nếu được tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ, em sẽ tổ chức hoạt động gì? Vì sao? Trả lời trong 4 - 6 dòng".

Huy tâm sự rằng không giỏi văn nên em ngán nhất câu hỏi về nghị luận văn học. "Vậy nhưng khi đọc đến câu 2 phần nghị luận văn học, em có cảm giác như đã buông được gánh nặng ngàn cân. Đó là vì thí sinh được chọn một khổ thơ hoặc một đoạn thơ, một bài thơ để phân tích, miễn sao thể hiện được tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong bản thân mình. 

Em rất thích cách ra đề theo kiểu như thế này, không đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng dẫn chứng mà chỉ cần có kỹ năng làm bài. Nếu tất cả các đề thi văn đều giống như đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay thì chắc chắn môn văn sẽ là một môn học hấp dẫn" - Huy khẳng định.

Cách ra đề thi theo hướng đổi mới khiến giáo viên, học sinh phải thay đổi cách dạy và học. Bởi nếu vẫn học thuộc lòng, học theo văn mẫu thì không thể nào làm được đề thi như những năm gần đây.

Cô ĐOÀN THỊ NGUYỆT (giáo viên môn văn Trường THCS Văn Lang, quận 1, TP.HCM)

Tạo động lực cho giáo viên, học sinh

Nhiều giáo viên cũng khen đề văn thi vào lớp 10 TP.HCM năm nay. "Cái hay của đề văn năm nay không chỉ ở việc phân loại tốt thí sinh. Đề không khó, nội dung gần gũi với học sinh lứa tuổi THCS. 

Cái hay của đề còn là không ra theo môtip cũ mà rất mới mẻ, tạo cảm xúc cho người làm bài. Cách ra đề như thế này không chỉ làm cho thí sinh vui mà giáo viên giảng dạy cũng vui" - cô Đào Thị Tuyết Giang, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Vân Đồn, quận 4, nhận xét.

Tương tự, cô Đoàn Thị Nguyệt - giáo viên môn văn Trường THCS Văn Lang, quận 1 - cũng nhận định: "Cách ra đề thi theo hướng đổi mới tạo động lực khiến giáo viên, học sinh bắt buộc phải thay đổi cách dạy và học. 

Dạy văn bây giờ không thể làm theo kiểu đọc - chép, là cung cấp kiến thức như xưa. Thay vào đó, giáo viên phải dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh, dạy cho học sinh kỹ năng, phương pháp làm bài, cách cảm thụ văn chương".

Tương tự, cô Đào Thị Tuyết Giang - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Vân Đồn, quận 4 - cũng đánh giá: "Đề thi ra theo hướng phát triển năng lực học sinh nên không có trong văn mẫu. Chỉ có câu hỏi về tác phẩm Chiếc lược ngà là có trong sách giáo khoa và có thể có trong văn mẫu hoặc đề cương của một số trường. 

Tuy nhiên, thí sinh thuộc dẫn chứng mà thiếu kỹ năng phân tích nhân vật, kỹ năng tổng hợp, so sánh… thì chỉ có thể diễn xuôi, không đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Cách ra đề như năm nay nói riêng và những năm gần đây nói chung đã tác động tích cực đến việc đổi mới dạy và học văn trong trường phổ thông, làm triệt tiêu tình trạng dạy văn theo kiểu đọc - chép, học văn theo kiểu thuộc lòng".

Đón xem gợi ý bài giải trên Tuổi Trẻ Online

Hôm nay (7-6), thí sinh sẽ thi môn toán buổi sáng và môn chuyên buổi chiều. Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật nhanh nhất về tình hình thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM, đề thi, gợi ý bài giải sau khi kết thúc mỗi môn thi. Mời bạn đọc đón xem tại tuoitre.vn.

Thí sinh không còn "khóc như mưa"

Mùa thi tuyển sinh lớp 10 năm 2012 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện đổi mới đề thi văn. Đề thi văn năm đó bao gồm bốn câu. Ngoài hai câu đầu chiếm 2 điểm với câu hỏi ở mức cơ bản thì hai câu sau có nội dung khá mở.

Hết giờ làm bài môn thi ngữ văn năm đó, nhiều thí sinh đã "khóc như mưa" vì không làm được bài. Một số nhà giáo đã lên tiếng rằng đề thi "mở", đề thi hay thật nhưng học sinh không làm được bài, giáo viên bức xúc.

Nguyên nhân vì xưa nay thầy trò quen với cách dạy học theo kiểu đọc - chép. Học sinh cũng quen với cách học thuộc lòng, học tủ, học vẹt, quen với cách nói theo quan điểm, suy nghĩ của giáo viên đứng lớp.

Lúc đó, dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về đề thi, về sự đổi mới của ngành giáo dục. Nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn kiên định với chủ trương đổi mới đề thi tuyển sinh lớp 10, bắt đầu bằng đề thi văn.

Mục tiêu đổi mới nội dung đề thi là nhằm thúc đẩy các nhà trường, các giáo viên, học sinh phải thay đổi cách dạy và học. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm. Đó là một hành trình dài mà ngành GD-ĐT TP.HCM đã "bước" đi một cách chậm rãi, mỗi năm đổi mới thêm một chút.

Không chỉ đề thi văn mà chủ trương đổi mới còn thể hiện rất rõ ở đề thi toán, tiếng Anh và các đề thi môn chuyên cũng mỗi năm đổi mới thêm một chút.

Năm 2024, đề thi văn đã được nhận xét là "mở" hết cỡ nhưng thí sinh đã không còn "khóc như mưa" nữa. Các em vui cười hớn hở và làm được bài. Đây là một dấu hiệu tích cực khẳng định một điều: chủ trương đổi mới của Sở GD-ĐT TP.HCM đã được thực hiện đúng hướng.

Môn tiếng Anh: sẽ không có mưa điểm 10

Theo cô Nguyễn Bích Chi - giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), đề thi môn tiếng Anh năm nay có vài câu khó hơn năm trước. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi vẫn giống như năm 2022 và 2023, vẫn bao gồm 40 câu và mỗi câu 0,25 điểm.

Phần kiến thức từ vựng và ngữ pháp trải rộng và bám sát chương trình tiếng Anh THCS, hai câu giao tiếp và hai câu nhận diện hình ảnh rất thực tiễn và gần gũi với đời sống.

Thí sinh vào phòng thi môn tiếng Anh vào chiều 6-6 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thí sinh vào phòng thi môn tiếng Anh vào chiều 6-6 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Đặc biệt đề thi năm nay có độ phân hóa khá rõ nét với các câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó, câu hỏi nhận biết chủ yếu là phần ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp ở 16 câu đầu.

Câu hỏi ở mức độ thông hiểu trong hai bài đọc điền từ và đọc trả lời true - false. Riêng các câu hỏi vận dụng từ thấp đến cao thể hiện trong phần sắp xếp câu, sử dụng từ loại và viết câu không thay đổi ý nghĩa.

"Theo dự đoán của tôi thì năm nay sẽ không có mưa điểm 10 như năm ngoái, mặc dù học sinh vẫn sẽ dễ dàng đạt được điểm 6 và 7" - cô Chi cho biết.

Đề văn thi vào lớp 10 TP.HCM: Thí sinh, giáo viên khen hayĐề văn thi vào lớp 10 TP.HCM: Thí sinh, giáo viên khen hay

Đề văn kỳ thi vào lớp 10 TP.HCM với thông điệp 'nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình' được nhiều thí sinh khen hay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp