Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Các trường ĐH đều khẳng định sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng cùng chung nỗi lo lắng: làm sao đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các thầy cô tham gia coi thi...
Lo điều kiện đi lại, ăn ở
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho biết năm 2016 trường huy động hơn 300 giảng viên ĐH tham gia coi thi. Tuy nhiên năm nay, theo đề nghị của Bộ GD-ĐT, trường sẽ huy động tổng số 700 người tham gia coi thi.
“Số lượng giảng viên coi thi năm nay tăng gấp đôi năm ngoái. Nhưng do xác định phải đi các tỉnh xa, nên trường sẽ huy động toàn bộ giảng viên trẻ và cử 5-7 cán bộ nòng cốt tham gia chỉ đạo đoàn.
Để công tác coi thi hiệu quả, an toàn, 700 giảng viên này sẽ được tập huấn trước khi phân về các địa phương. Ngoài phổ biến quy chế thi, trường cũng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn, quy định cụ thể để đảm bảo an toàn trong đi lại, sinh hoạt cho các thầy cô” - ông Hóa nói.
Theo ông Hóa, năm 2016 đoàn giảng viên của trường về một huyện của Hưng Yên coi thi mà cả huyện chỉ có... hai nhà nghỉ.
“Trong đó một nhà nghỉ bị mất điện, chúng tôi phải đề xuất điểm trưởng cũng là hiệu trưởng một trường THPT bố trí chỗ nghỉ cho thầy cô ngay trong trường THPT của huyện” - ông Hóa kể.
Năm nay, để thuận lợi hơn trong công tác coi thi, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã chủ động xin đề xuất được tham gia coi thi ở tỉnh Hải Dương.
“Khó huy động 100% giảng viên tham gia coi thi”
Theo tính toán của một chuyên gia tuyển sinh, nếu số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là hơn 1 triệu người thì với quy tắc 24 thí sinh/phòng thi, dự kiến có 40.000 - 45.000 giảng viên ĐH sẽ được huy động tham gia coi thi.
PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng đối với các điểm thi ở vùng sâu vùng xa, việc di chuyển, ăn ở trong các ngày thi là vấn đề đáng lưu tâm.
Hơn nữa, mọi năm kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 7 là thời điểm các trường đã hoàn tất việc thi học kỳ. Năm nay kỳ thi rơi vào tháng 6, lúc này ở các trường vẫn đang diễn ra thi học kỳ. Như vậy, các trường phải cân đối giảng viên sao cho phù hợp với lịch thi học kỳ của trường (đã thông báo từ đầu học kỳ).
“Do đó, đối tượng đi coi thi khó có thể đảm bảo tất cả đều là giảng viên. Trường có thể phải huy động thêm cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ này trong trường hợp cần số lượng cán bộ coi thi nhiều” - ông Thư nói.
TS Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - cho biết rất khó huy động 100% giảng viên tham gia. Năm 2016, Trường ĐH Sài Gòn bố trí xe đưa giảng viên về tỉnh làm nhiệm vụ coi thi. Không phải tất cả giảng viên đều coi đủ 8 buổi nên sau 3, 4 hay 5 buổi thi, trường phải bố trí xe đưa giảng viên trở về vì đường đi rất xa.
Ông Sơn đề xuất các tỉnh cũng cần bố trí phương án tổ chức xe đưa đón giảng viên đi coi thi. Bởi lẽ nếu để giảng viên tự đi bằng xe cá nhân thì “thứ nhất nguy hiểm, thứ hai có thể có sự cố không đảm bảo đúng thời gian thực hiện nhiệm vụ”.
“Năm ngoái, chúng tôi huy động 100% giảng viên, cán bộ có trình độ ĐH trở lên đi coi thi. Người nào vắng phải có chứng minh cụ thể và được sự đồng ý của hiệu trưởng. Vậy mà cuối cùng số lượng vẫn không đủ, phải huy động thêm sinh viên năm 4. Nếu giảng viên không muốn đi coi thi, họ vẫn có đủ lý do để có thể đối phó” - ông Sơn nói.
Giảng viên coi thi sẽ được hỗ trợ kinh phí Ngày 6-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết trên cơ sở số liệu báo cáo từ các địa phương về số lượng thí sinh tham gia dự thi năm 2017, căn cứ năng lực thực tế của các trường, bộ sẽ điều động cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ sư phạm về các địa phương với số lượng đáp ứng các quy định của quy chế. Việc tổ chức thi theo hình thức phối hợp giữa địa phương và sự tham gia của các giảng viên từ các trường ĐH đã được thực hiện từ năm 2015, 2016, đặc biệt năm 2016 đã huy động cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì, có sự tham gia của các trường ĐH, CĐ trong các khâu coi thi, chấm thi. “Về cơ bản, việc phối hợp này là thuận lợi. Như vậy, hình thức phối hợp giữa địa phương và các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi THPT quốc gia đã có kinh nghiệm, đã có sự chuẩn bị, các địa phương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phối hợp trong ăn nghỉ, đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ giảng viên về địa phương trong thời gian công tác. Các cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH sẽ được hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở và kinh phí tham gia tổ chức thi (coi thi, chấm thi...)” - ông Nghĩa nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận