20/01/2015 08:54 GMT+7

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Học sinh quan tâm gì nhất?

MINH GIẢNG ghi
MINH GIẢNG ghi

Xét tuyển nguyện vọng ra sao? Chọn môn thi thế nào... là những điều học sinh quan tâm nhất trước kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Từ những câu hỏi học sinh gửi về hộp thư tuyensinh@tuoitre.com.vn, trên trang Facebook của chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp (facebook.com/TVTS.tuoitre) và đặc biệt qua các chương trình tư vấn do Tuổi Trẻ và Bộ GD-ÐT vừa tổ chức tại các tỉnh cho thấy học sinh quan tâm gì nhất? Các chuyên gia tư vấn của Tuổi Trẻ đã chia sẻ mối quan tâm này của học sinh.

PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng Trường ÐH Nông lâm TP.HCM):

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Ảnh Như Hùng

Lo không tìm được việc làm

Qua những chương trình vừa rồi, vấn đề chung được nhiều học sinh quan tâm nhất là những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Vấn đề thi, xét tuyển như thế nào, cách sử dụng thang điểm mới... là những thay đổi căn bản của kỳ thi THPT quốc gia 2015. Những thay đổi đó ảnh hưởng rất lớn đến học sinh và cả giáo viên.

Một điểm nữa cũng được phần lớn học sinh băn khoăn đó là vấn đề tuyển sinh, xét tuyển của các trường. Không như mọi năm, năm nay phương thức tuyển sinh của các trường không có nhiều điểm chung mà mỗi trường một phương án tuyển sinh khác nhau. Phương thức xét tuyển như thế nào, tổ hợp xét tuyển ra sao, có xét tuyển học bạ THPT hay không, cách thức xét tuyển... Những điều này khiến cho học sinh lo lắng, không biết tìm thông tin ở đâu.

Bên cạnh đó, một nội dung khác cũng khiến học sinh lo lắng đó là tình trạng thất nghiệp. Học sinh đọc được thông tin hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ÐH tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Ðiều này dẫn đến tâm lý lo lắng, liệu các em học xong có tìm được việc làm hay không, ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn hiện nay và trong tương lai. Ðó là mối quan tâm chính đáng nhưng cũng có vấn đề cần phải trao đổi lại. Phải chăng người tốt nghiệp không tìm được việc là do đào tạo quá nhiều trong khi nhu cầu nhân lực ít hơn?

Các vấn đề kinh tế cũng có tác động đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhưng rõ ràng nhu cầu tuyển dụng vẫn có. Cần phải khẳng định: tìm được việc hay không phần lớn được quyết định bởi bản thân người sinh viên tốt nghiệp. Năng lực và kiến thức bản thân thế nào, có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Ðôi khi sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc do mức lương doanh nghiệp trả không như họ kỳ vọng hoặc họ không chịu về các tỉnh mà nhất quyết ở lại các thành phố lớn.

Trong các chương trình tư vấn vừa qua, học sinh hỏi về khối ngành công an, quân đội rất nhiều bởi nhóm ngành này tuy đầu vào khó nhưng khi học được miễn học phí, ra trường được bố trí việc làm, không lo tình trạng không tìm được việc.

TS Nguyễn Ðức Nghĩa (phó giám đốc ÐHQG TP.HCM):

TS Nguyễn Ðức Nghĩa  - Ảnh Như Hùng

Băn khoăn cách chọn môn thi

Năm nay, tình hình thi và tuyển sinh rất khác so với những năm trước đây: thí sinh dự thi trước, sau khi có kết quả mới sử dụng để xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ. Do vậy, vấn đề học sinh quan tâm hiện nay đó là việc thi cử được thực hiện thế nào: cấu trúc đề thi ra sao, thang điểm 20 thì đề thi ra như thế nào, thi ở cụm ra sao, làm sao chọn môn thi phù hợp...

Như vậy, việc chọn môn thi thế nào để vừa xét tốt nghiệp vừa có thể xét tuyển ÐH, CÐ có lợi nhất cho mình cũng gián tiếp liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường. Như thế, tuy là thi trước, chọn trường sau nhưng rõ ràng thí sinh cũng phải định hướng ngành, trường học khi đăng ký môn thi. Nhiều thí sinh dự kiến chọn nhiều môn thi để tăng cơ hội xét tuyển trong khi theo các chuyên gia, thí sinh không nên quá ôm đồm chọn nhiều môn thi, như thế sẽ bị phân tán.

TS Phạm Tấn Hạ (trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn, ÐHQG TP.HCM):

TS Phạm Tấn Hạ - Ảnh Như Hùng

Chưa xác định được năng lực bản thân

Qua các chương trình tư vấn, học sinh quan tâm nhiều đến những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia như vấn đề thang điểm, cụm thi, đề thi. Bên cạnh đó, việc xét tuyển của các trường ÐH, CÐ cũng là điều mà học sinh quan tâm rất nhiều bởi năm nay mỗi trường một phương án tuyển sinh khác nhau, muốn xét tuyển phải làm thế nào. Không chỉ vậy, rất nhiều câu hỏi được học sinh đặt ra liên quan đến ngành nghề như ngành đó đào tạo những gì, ra trường làm việc ở đâu, yêu cầu ngành nghề là gì...

Một nội dung cũng được nhiều học sinh lo lắng là việc tự đánh giá năng lực bản thân để chọn ngành. Rất nhiều em băn khoăn và lo lắng về vấn đề này, liệu mình có hợp với ngành A, ngành B hay không, có đủ năng lực để vào hay không, các tố chất có thể theo đuổi ngành học được hay không...

ThS Hứa Minh Tuấn (phó hiệu trưởng Trường ÐH Tài chính - Marketing):

ThS Hứa Minh Tuấn - Ảnh Như Hùng

Xét tuyển nguyện vọng ra sao?

Việc thi và tuyển sinh năm 2015 có nhiều thay đổi nên mối quan tâm chính của học sinh và giáo viên chủ yếu tập trung vào nội dung này. Cụm thi tổ chức thế nào, ăn ở ra sao, thi ở cụm nào, làm thế nào để xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ... là những câu hỏi phổ biến.

Việc xét tuyển các nguyện vọng thế nào, có mềm hóa được trường hợp thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không có nguyện vọng theo học và muốn xét tuyển nguyện vọng 2? Năm nay chỉ có một đề thi vậy thì mức độ phân hóa sẽ như thế nào, liệu học sinh có bị rớt tốt nghiệp nhiều hơn không, mức độ phân hóa như thế nào... Ðây không chỉ là mối bận tâm của học sinh, giáo viên mà nhiều phụ huynh cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

MINH GIẢNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp