“Kỹ sư” lớp 8 Lê Hữu Minh chế tạo sản phẩm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Từ nông dân thành nhà chế tạo máy
"Đợi tui một chút, chiều mai là phải giao máy cho khách nên tranh thủ làm xong khúc này đã. Đợt này sửa chữa, đơn đặt nhiều quá, xưởng chỉ có bốn công nhân nên làm không xuể", anh Minh nói vội với chúng tôi.
Công xưởng của anh Minh nằm trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Hương Văn, thị xã Hương Trà. Minh cho biết anh xuất thân từ nông dân chính gốc, với gia sản 10 sào ruộng trồng lúa, lạc và rau màu mỗi năm. Học hết lớp 8 thì nghỉ, Minh về phụ bố mẹ làm nông.
Những ngày không ra đồng, anh được bố (đã mất năm 2006) cho phụ nghề tại một xưởng cơ khí nhỏ do chính ông làm chủ. Từ đó, anh được tiếp xúc khá nhiều loại máy móc.
"Đó là cơ hội giúp tui hiểu được kha khá các nguyên lý hoạt động của nhiều loại máy móc trên đời. Sau khi bố mất, tui quyết định mở rộng quy mô xưởng và bắt đầu tập tễnh chế tạo máy. Từ đó cái tên gọi anh 'kỹ sư lớp 8' mà người dân đặt cho tui cũng ra đời", anh Minh kể.
Người dân nơi anh đang sống chủ yếu làm nghề nông, trồng lúa, lạc và hoa màu. Tuy nhiên, giai đoạn thu hoạch lạc mất rất nhiều thời gian và công sức. Để ép được dầu từ lạc là điều khó khăn nhất của người dân. Sau hơn một năm tìm hiểu, anh Minh đã sáng chế thành công máy ép dầu thủy lực dựa trên nguyên lý hoạt động của xe múc đất.
Sản phẩm được đông đảo người dân tin dùng bởi chất lượng dầu ép ra khá tốt, giảm chi phí nhân công khá lớn. Mỗi máy có thể ép 1-1,5 tấn lạc/ngày nhưng chỉ cần một người điều khiển. Hiện có tám chiếc máy loại này đã được bán và hai máy đang lắp ráp theo đơn đặt hàng.
Máy chủ yếu cung cấp cho người dân các tỉnh miền Trung. Mỗi máy có giá từ 40-65 triệu đồng tùy công suất máy.
Ông Nguyễn Văn, một khách hàng tại Hà Tĩnh đang dùng máy ép tinh dầu lạc của anh Minh, cho biết: "Máy của anh này tốt lắm nên tui đang đặt thêm một máy nữa cho người em cùng quê".
Khách đặt gì thì tôi làm đó. Họ chỉ cần nói về công dụng, còn ý tưởng, nguyên lý tôi sẽ mày mò thêm.
Anh LÊ HỮU MINH
Thiết kế máy trong... đầu
Không chỉ dừng lại máy ép lạc, anh Minh còn cho ra đời thêm nhiều loại máy khác như máy xay nghệ tươi dựa trên nguyên lý hoạt động của máy xay sắn. Tuy nhiên, khi áp dụng nguyên lý của máy xay sắn cho nghệ thì sản phẩm cho ra không đạt yêu cầu. Và phải mất đến bảy tháng trời mày mò nghiên cứu thì chiếc máy xay nghệ tươi của anh "kỹ sư" lớp 8 mới hoàn thành và hoàn chỉnh.
Ngoài ra, anh Minh đã sáng chế giàn cày lưỡi giúp làm đất giảm bớt chi phí nhân công, đang được người dân sử dụng khá rộng rãi. Xưởng cơ khí Minh Lài của anh Minh hằng năm cho ra hơn 10 loại máy móc với hàng trăm sản phẩm được lắp đặt, thu lợi mỗi năm trên 1 tỉ đồng. Tại xưởng hiện có bốn thợ gò, hàn đang làm việc theo lương mỗi tháng.
Anh Minh cho biết do chỉ học đến lớp 8 nên anh không biết đọc bản vẽ, cũng như chưa bao giờ tốn giấy mực cho việc sáng chế. Tất cả chỉ là trong đầu mình. "Nhưng nếu khách đặt gì thì tôi làm đó. Họ chỉ cần nói về công dụng, còn ý tưởng, nguyên lý tôi sẽ mày mò thêm", anh Minh chia sẻ.
Tiến hành đăng ký bản quyền
Ông Lê Văn Anh - trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà - cho biết những máy móc do anh Minh sản xuất ra đã góp phần rất lớn giúp bà con nông dân giảm sức lao động và nâng chất lượng sản phẩm.
Hiện thị xã đang có kế hoạch tạo điều kiện để anh Minh tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu và bản quyền cho các loại máy móc do anh chế tạo được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận