Xe
06/08/2022 19:43 GMT+7

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau

THANH LINH
THANH LINH

Mọi nhà sản xuất ôtô đều cạnh tranh với nhau, nhưng một số công ty xem nhau là đối thủ mạnh nhất, vừa kính trọng vừa e ngại hơn bất kỳ ai.

Bentley đối đầu Rolls-Royce

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 1.

“Từ bạn thành thù” là đặc trưng lịch sử mối quan hệ giữa Bentley và Rolls-Royce - Ảnh: Dierso

Diễn biến “chiến tranh”: Rolls-Royce sở hữu Bentley từ năm 1931 đến 1998, vì vậy hai công ty cạnh tranh trên cơ sở thân thiện. Xe của họ có nhiều bộ phận giống nhau.

Bentley bắt đầu đi theo hướng thể thao hơn sau khi công ty thiết bị quốc phòng Vickers của Anh tiếp quản cả hai thương hiệu vào năm 1980, nhưng chỉ thực sự bùng nổ khi gia nhập đế chế Volkswagen vào năm 1998. 

Còn Rolls-Royce, do một chuỗi thỏa thuận phức tạp liên quan đến tên tuổi, cuối cùng đã được đưa về dưới sự giám sát của BMW.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: 22 năm sau cuộc chia tách lộn xộn, hai biểu tượng sang trọng của Anh đã trở thành đối thủ khó chịu, bao gồm cả thị trường SUV. Mulsanne của Bentley và Phantom của Rolls-Royce là một trong những mẫu xe 4 cửa sang trọng nhất thế giới.

Có thông tin cho rằng Mulsanne sắp rời khỏi cuộc chơi, điều đó khiến Phantom tạm thời dẫn đầu cuộc chiến này trong một khoảng thời gian, cho đến khi Bentley cho ra mẫu xe mới.

BMW đối đầu Mercedes-Benz

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 2.

BMW và Mercedes-Benz không ngừng “ăn miếng trả miếng” - Ảnh: Motor1

Diễn biến “chiến tranh”: Ban đầu, mối quan hệ giữa BMW và Mercedes-Benz cũng khá bình thường. BMW gây sốt với xe gia đình và xe đua, trong khi Mercedes-Benz lại chơi ở phân khúc hạng sang và nâng tầm hình ảnh bằng những chiếc limousine cho giới thượng lưu. 

Mối quan hệ “nước sông không phạm nước giếng” đó kết thúc vào những năm 1980, khi BMW chuyển sang làm xe sang còn Mercedes-Benz lại bắt đầu tăng cường tính thể thao.

Mercedes-Benz W123 được giới thiệu vào năm 1975 và BMW 5 Series (E28) ra đời năm 1981 mở đầu cho thời kỳ này. Các mẫu xe thế hệ sau đó cũng liên tục “va chạm nảy lửa”.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Sự cạnh tranh ăn miếng trả miếng tiếp tục diễn ra đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, đôi khi, họ cũng biết cách gạt bỏ “thù hằn” khi cần thiết. Năm 2019, Mercedes-Benz (khi đó còn là Daimler) và BMW đã hợp nhất các chương trình chia sẻ xe và công bố kế hoạch hợp tác phát triển công nghệ lái xe tự động, đồng thời là đồng sở hữu của công ty định vị và bản đồ HERE cùng với Volkswagen.

Bugatti và Koenigsegg

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 3.

Vì một danh hiệu, Bugatti và Koenigsegg bỗng chốc thành thù, nhưng cũng chính danh hiệu đó khiến cả hai mỏi mệt - Ảnh: Motortrend

Diễn biến “chiến tranh”: Bugatti Veyron phiên bản giới hạn được chứng nhận là chiếc xe nhanh nhất thế giới từng được sản xuất thương mại khi đạt tốc độ 430 km/h vào năm 2010. Koenigsegg đã lật đổ kỷ lục ấy vào năm 2017, bằng chiếc Agera RS với 447 km/h.

Bugatti không thể không đáp lại “lời khiêu chiến” khi bắt đầu phát triển Chiron để tạo nên kỷ lục mới. Họ đã thành công với Chiron Super Sport 300+ đạt tốc độ 483 km/h vào năm 2019.

Năm 2020, Koenigsegg cho ra mắt Absolut với khẳng định chiếc xe có thể đạt tốc độ 531 km/h. Tuy nhiên, hãng không tìm được đường thử để chứng minh. Đường thử khả dĩ nhất là Ehra-Lessien lại thuộc sở hữu của Volkswagen, công ty mẹ của Bugatti.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Cuối cùng, có lẽ cả hai bên đều mệt mỏi với cuộc chiến tốc độ. Bugatti phát triển các dự án khác, trong khi Koenigsegg cũng tuyên bố không ham hố cuộc chiến giành ngai này nữa.

Cadillac và Lincoln

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 4.

Là kỳ phùng địch thủ, Cadillac và Lincoln cùng chọn một con đường, cùng xuống dốc và cùng tìm cách đứng dậy - Ảnh: Motortrend

Diễn biến “chiến tranh”: Hai thương hiệu xe sang nổi tiếng của Mỹ Cadillac và Lincoln thường xuyên muốn ghi điểm trong mắt quan chức chính phủ.

Các mẫu xe Lincoln được sửa đổi nhiều lần để chở các tổng thống Mỹ trong nhiều năm, nhưng Nhà Trắng lại chủ yếu trung thành với Cadillac kể từ khi chiếc Fleetwood chống đạn được biên chế vào năm 1984.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Việc đưa đón nguyên thủ quốc gia và đoàn tùy tùng không đủ để hai thương hiệu này luôn “khỏe mạnh”. Hình ảnh của họ bắt đầu xuống dốc kể từ thập niên 1980 - 1990. Ford thừa nhận từng muốn khai tử Lincoln sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Năm 2020, cả hai thương hiệu đang lấy lại phong độ bằng cách tạo ra những sản phẩm gần xe sang hơn, bớt đi tính rẻ tiền trước kia. Họ cũng cố gắng tạo nét riêng, chứ không sao chép các đối thủ Đức như trước.

Ferrari đối đầu Ford

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 5.

Một thương vụ bất thành đã dẫn đến mối thù truyền kiếp trong làng xe - Ảnh: Motor1

Diễn biến “chiến tranh”: Hai thương hiệu này nghe qua không có vẻ gì là chung mâm. Nhưng đó chỉ là trước khi Ford từng cố gắng mua lại Ferrari vào đầu những năm 1960. Nhà sản xuất ôtô Mỹ đã trắng tay sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Sau đó, các giám đốc Ford đã phát động chiến dịch nhằm hạ bệ thương hiệu Ý trên đường đua. Những nỗ lực đầu tiên đã thất bại, nhưng họ đã giành được chiến thắng đầu tiên vào năm 1966 với sự giúp đỡ của Carroll Shelby, và giữ được điều này trong 3 năm sau đó.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Dần dần, sự thù địch cũng lắng xuống, dù chưa bao giờ họ ngừng nhìn nhau “không vừa mắt”. Song Ford đã bất ngờ khơi lại sự cạnh tranh khi tung ra GT, một chiếc coupe động cơ đặt giữa lấy cảm hứng từ GT40 từng đoạt giải Le Mans, vào năm 2015 và công bố kế hoạch tham gia Le Mans vào năm sau đó để kỷ niệm chiến thắng đầu tiên của hãng.

GTE-Pro-spec GT suýt đánh bại 488 GTE của Ferrari để giành hạng nhất, mặc dù cuối cùng Porsche 919 Hybrid mới là người chiến thắng. Nhưng điều đó đủ khiến Ford hài lòng khi hãng công bố kế hoạch ngừng chương trình đua xe độ bền sau mùa giải 2019.

Ferrari đối đầu Lamborghini

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 6.

Bài học từ mối quan hệ giữa Ferrari và Lamborghini là: Khi lỡ làm xe không khiến khách hàng hài lòng, bạn có thể tạo kẻ thù cho chính mình - Ảnh: Review Supercars

Diễn biến “chiến tranh”: Ferrari không chỉ có “thù oán” với Ford mà còn cả Lamborghini. 

Ferruccio Lamborghini, nhà sản xuất máy kéo giàu có đến từ miền bắc nước Ý, đã cho ra đời hãng xe mang tên mình vào năm 1963 vì quá mệt mỏi với việc chi tiền sửa chiếc Ferrari của mình.

Enzo Ferrari không quan tâm lắm đến chiếc xe đầu tiên của đối thủ, 350GT, vì những chiếc coupe cao cấp do các công ty nhỏ sản xuất lúc đó có giá khá cao. 

Nhưng ông không thể bỏ qua chiếc Miura động cơ đặt giữa trình làng năm 1966. Chiếc xe đã thay đổi phân khúc siêu xe mãi mãi. Trong khi đó, phải đến năm 1973, Ferrari mới cho ra đời chiếc xe 12 xy-lanh động cơ đặt giữa đầu tiên.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Ngày nay, Ferrari đã trở lại làm công ty độc lập sau nhiều năm dưới trướng Fiat, trong khi Lamborghini phát triển mạnh mẽ dưới sự bảo trợ của Volkswagen kể từ năm 1998.

Nhìn chung, đúng là Lamborghini đã khiến Ferrari tức giận (đến nay vẫn chưa nguôi), nhưng chí ít thì “Ngựa chồm” vẫn có bề dày di sản mà “Bò điên” không có.

Peugeot và Renault

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 7.

“Cuộc chiến derby” ganh nhau từng chút một - Ảnh: The Telegraph

Diễn biến “chiến tranh”: Có lẽ đồng hương luôn là những đối thủ khó chịu nhất. Nếu Đức có BMW và Mercedes-Benz, Mỹ có Cadillac và Lincoln thì Pháp có Peugeot và Renault.

Nhìn chung, Renault thường dẫn đầu nhưng Peugeot chưa bao giờ bị tụt lại phía sau và hãng đã tăng quy mô trong suốt những năm 2010 bằng cách mở rộng danh mục thương hiệu.

Năm 2019, Tập đoàn PSA (sở hữu Peugeot) là nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Pháp, nhưng Renault là thương hiệu bán chạy nhất. Cũng năm đó, Peugeot 208 là chiếc xe bán chạy nhất nước Pháp, còn Renault Clio đứng thứ ba với 80.079 xe. PSA mở rộng thị trường cao cấp hơn Renault với thương hiệu DS, nhưng Dacia cho phép Renault tiếp cận thị trường bình dân rộng lớn.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Peugeot nằm trong Stellantis, sự hợp nhất giữa PSA và FCA trong khi Liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi có dấu hiệu lung lay kể từ khi CEO Carlos Ghosn bị buộc tội và truy nã.

Tesla đối đầu với phần còn lại của ngành công nghiệp ôtô

‘Kỳ phùng địch thủ’ trong làng ôtô: Vừa cạnh tranh, vừa coi trọng nhau - Ảnh 8.

Một bài học khác: Cười người hôm trước hôm sau người có thể cười lại - Ảnh: Inside EVs

Diễn biến “chiến tranh”: Rất ít người coi trọng Tesla khi hãng giới thiệu chiếc Roadster dựa trên Lotus Elise vào năm 2006. Lịch sử ôtô tràn ngập những công ty khởi nghiệp tham vọng và thất bại. Các ông lớn trong ngành có lý do để nghi ngờ. 

Nhưng sau đó, hãng phát hành Model S và khiến các nhà sản xuất phải bất ngờ. 

Nghiễm nhiên, Tesla trở thành cái tên độc quyền trong phân khúc xe điện cao cấp trong những năm 2010. Mãi đến năm 2019, Porsche mới đáp trả bằng Taycan. Cuộc cạnh tranh giữa Tesla và phần còn lại của ngành công nghiệp ôtô dậy sóng.

Tình hình “chiến sự” hiện tại: Hãng nào cũng có ít nhất một mẫu xe hướng tới đánh bại Tesla. Chẳng hạn, Model Y phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Audi Q4, Fisker Ocean, Ford Mustang Mach-E, Mercedes-Benz EQA và Nissan Ariya, cùng nhiều tên tuổi khác.

(Còn tiếp phần 2)

Những mẫu SUV mạnh nhất thế giới: Có xe điện góp mặt Những mẫu SUV mạnh nhất thế giới: Có xe điện góp mặt

Đã có thời điểm, SUV chỉ cần gầm xe cao và động cơ đủ mạnh để vượt địa hình, nhưng sự xuất hiện của ‘SUV hiệu suất cao’ đã thay đổi tất cả.

THANH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp