01/10/2016 11:56 GMT+7

​Kỷ niệm 140 năm ngày sinh quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Sáng 1-10, lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 - 1-10-2016) diễn ra long trọng tại Quảng Nam.

Chủ tịch nước tặng quà ban quản lý di tích nhà lưu niệm cụ Huỳnh
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ hai từ phải) tặng quà ban quản lý di tích nhà lưu niệm cụ Huỳnh

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm do Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Nam tổ chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng suốt đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc. 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, cụ trước sau luôn thể hiện nhân cách của một chí sĩ suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập".

"Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ là chí sĩ yêu nước tiêu biểu, góp phần quan trọng tạo nên gắn kết các phong trào và khuynh hướng yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ 20 với sự nghiệp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân của tỉnh Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sớm hấp thụ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc.

Học hành đỗ đạt, lẫy lừng danh tiếng là một nhà đại khoa bảng (từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội), nhưng cụ từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân, nuôi chí canh tân đất nước.

Dâng hương tại mộ thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại mộ thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng với tất cả nhiệt huyết của một chí sĩ yêu nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cụ còn là người sáng lập và là hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

Cũng theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, với phong cách lãnh đạo quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ và rất gần gũi với nhân dân, cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi công tác nước ngoài dài ngày, tin cậy giao trọng trách quyền Chủ tịch nước, điều hành quốc sự với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ làm đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”.

Trên đường công tác, cụ lâm bệnh nặng. Cụ ra đi thanh thản, để lại lời “chào vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng cụ phần thưởng cao quý - Huân chương Sao vàng.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đoàn đến dâng hương tưởng niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang viếng hương tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: LÊ TRUNG
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp hương tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: LÊ TRUNG
LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp