Những cuộc thảo luận về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với mỗi quốc gia, vai trò dẫn dắt của thế hệ trẻ trong quá trình thúc đẩy nỗ lực này diễn ra sôi nổi.
Thay đổi để thích nghi
Dẫn lại các công bố từ Công ty KPMG trong báo cáo "Digital Transformation - A Necessity, not an option" (tạm dịch: Chuyển đổi số - Sự cần thiết, không phải một lựa chọn), TS Ngô Công Khánh (Viện đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhấn mạnh 99% công ty tham gia khảo sát cho biết hưởng lợi từ việc đầu tư vào chuyển đổi số.
Nhưng thách thức lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng số để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Khảo sát về các kỹ năng số đang được yêu cầu nhiều nhất theo từng quốc gia do mạng xã hội LinkedIn thực hiện đã xuất hiện nhiều kỹ năng mới không chỉ là Microsoft Office như trước đây.
Ở Đông Nam Á, Singapore và Philippines đòi hỏi kỹ năng lập trình JavaScript, Malaysia và Indonesia yêu cầu khả năng dùng Adobe Photoshop.
Theo ông Khanh, các bạn trẻ dễ dàng thích nghi thay đổi và tiếp nhận những đổi mới, thậm chí có thể tiên phong trong nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số.
"Có những kỹ năng hiện nay trở thành điều bình thường, không còn là thế mạnh hoặc điểm cộng cho ứng viên nữa. Các công ty yêu cầu phải có kỹ năng số", TS Khánh nói.
Bàn giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và nâng cao năng lực số cho người trẻ, PGS.TS Chandra Setiawan - giảng viên cao cấp, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tổng thống (President University) tại Indonesia - nói các trường cần xây dựng, khuyến khích văn hóa học tập kỹ năng số. Cùng với đó, thiết kế chương trình, tạo động lực cho sinh viên, lắng nghe phản hồi và giúp sinh viên thấy là một phần trong quá trình chuyển đổi số.
Trường này ứng dụng chuyển đổi số giúp sinh viên trải nghiệm học tập tích cực hơn, quen dần việc sử dụng kỹ năng số qua nền tảng học trực tuyến, lớp học ảo, nguồn tài nguyên kỹ thuật số.
"Cần nói rõ những lợi ích của việc chuyển đổi số và học tập kỹ năng số. Năng lực lãnh đạo, tầm nhìn, cơ sở vật chất cũng rất quan trọng và nhà trường cần cung cấp các đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực của mình", TS Setiawan khuyên.
Dùng công nghệ giải quyết vấn đề
Vừa trở về Indonesia sau khi hoàn thành chương trình học bổng tại Mỹ, Nurrul Fitriani rủ Fatimah Muthmainnah đăng ký đến diễn đàn với đề tài ứng dụng AI giúp nâng cao cơ hội "săn" học bổng của các bạn trẻ.
"Người trẻ khu vực tôi sống khó tiếp cận với các cơ hội giáo dục. Tôi không muốn nhìn thấy những bạn khác gặp khó như mình, rất vất vả ứng tuyển học bổng quốc tế và tôi muốn dùng công nghệ để mang lại giải pháp", Nurrul nói.
Trong khi đó, khoảng 20 tham luận về chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, môi trường đã lần lượt được giới thiệu tại Trường ĐH Hoa Sen.
Có thể kể đến như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giáo dục chuyển đổi số, vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy nhận diện văn hóa Việt Nam trên nền tảng truyền thông số, vấn đề quyền riêng tư liên quan đến công nghệ cao...
Tham luận "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy "quyền lực mềm" của nhận diện văn hóa Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội trong kỷ nguyên số" của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gây ấn tượng với hội đồng khoa học và các đại biểu.
Sinh viên Võ Lập Phúc đưa ra các ví dụ trực quan, gần gũi về việc lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Tiêu biểu như MV Ghen Cô Vy từng được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đăng lại lan tỏa thông điệp chống dịch COVID-19, MV Về với em của ca sĩ Võ Hạ Trâm có phần nhạc tiếng Việt và tiếng Hindi giúp thắt chặt quan hệ ngoại giao nhân dân Việt - Ấn.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đại biểu trình bày poster chủ đề nâng cao năng lực số cho thanh niên. Các tham luận về phát triển bảng điều khiển tương tác để theo dõi và phân tích các sinh viên liên quan đến STEM, giải quyết khoảng cách về kỹ năng an ninh mạng của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay...
Jame Chandra (Học viện Công nghệ, Indonesia) chia sẻ đề tài "Tiếp cận lấy nguồn lực từ cộng đồng và lấy giới trẻ làm trung tâm để học ngôn ngữ ký hiệu thông qua việc sử dụng thị giác máy tính để thúc đẩy giao tiếp toàn diện". James nói việc học ngôn ngữ ký hiệu đang gặp nhiều hạn chế.
"Nguồn tài nguyên để học ngôn ngữ ký hiệu ít phong phú như học ngôn ngữ thông thường. Cần có những phản hồi tức thì và tôi hy vọng việc phát triển ứng dụng này có thể cải thiện phần nào sự khó khăn này", James nói.
Giới trẻ cần thể hiện rõ vai trò
Trần Ngọc Anh và Nguyễn Tấn Thành (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) đã nghiên cứu và trình bày ba đề tài tại phiên thảo luận.
Các đề tài gồm: Chuyển đổi số trong giáo dục toàn cầu và vai trò của sinh viên, Vai trò của thanh niên trong việc phát triển ứng dụng và giải pháp số trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, Vai trò của kinh tế số trong nâng cao năng lực kinh tế của thanh niên Việt Nam.
Ngọc Anh cho biết việc lựa chọn các đề tài này dựa trên các vấn đề được quan tâm, nhu cầu và xu hướng hiện nay khi chú trọng đến ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực.
Trong đó thế hệ trẻ, nguồn lực quý báu trong việc xây dựng một tương lai tốt hơn cho toàn cầu càng cần thể hiện rõ vai trò khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận