Cùng lắng nghe tâm sự của những người trong cuộc đã từng khổ sở, đắn đo trước khi đưa ra quyết định.
1. Nguyễn Hoàng Huy (SV năm 1, ĐH Y dược TP.HCM)
Năm ngoái, không tự tin lắm vào khả năng của mình, khi đăng ký thi đại học, tôi đã chọn ngành Điều dưỡng của ĐH Y dược, dù mơ ước lớn nhất của tôi là trở thành bác sĩ. Kết quả, tôi đậu và dư đến 5 điểm. Và tất nhiên, tôi vẫn cứ thế “an phận” học, cho đến một ngày tôi bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Nhìn thấy các bác sĩ khoác áo blouse qua lại thăm hỏi, khám bệnh, tự nhiên tôi thấy tiếc nuối về quyết định của mình vô cùng!
Suy nghĩ, trằn trọc mãi, tính toán đủ thứ, từ chi phí học, bảy năm học đằng đẵng..., tôi quyết tâm luyện thi lại vào ngành Bác sĩ đa khoa, dù lúc đó tôi cũng đã “được tiếng” là sinh viên Y dược rồi.
Nhiều người cũng nói tôi “có vấn đề” nhưng tôi nghĩ, thà bỏ đi một năm để theo đuổi điều mình mơ ước, còn hơn ngồi mãi ở đó chỉ với một cái danh hão huyền, vậy là làm thôi! Khi quyết định, tôi nghĩ điều cần thiết nhất là sự dũng cảm chấp nhận cả hai mặt tốt và xấu sau đó. Đây là thứ sẽ giúp ta băng qua nhiều thiệt thòi, vất vả có thể xảy ra và kiên trì theo đuổi được đến cùng lựa chọn của mình.
Phóng to |
2. Võ Ngọc Thảo Nguyên (SV năm 3 khoa Công nghệ sinh học, ĐH Cần Thơ)
Cấp III tôi học chuyên Anh và chuyện thi đại học khối D gần như là điều hiển nhiên với tất cả thành viên trong lớp. Tuy nhiên, tôi lại “trót” mê môn Hóa và rất thích ngành Công nghệ sinh học. Khổ nỗi, ngành này lại thi khối B, trùng ngày thi với khối D. Tức là tôi chỉ có thể chọn một trong hai khối để thi thôi, thật là đau đầu! Nên chọn cái mình có nhiều khả năng hay cái mình thích đây? Suy nghĩ, đắn đo mãi, tôi quyết định chọn khối B.
Thi đại học không phải là về đích mà là sự khởi đầu cho cả tương lai nghề nghiệp sau này. Chính vì thế, nếu chọn cái mình thích thì tôi mới có thể đi với nó suốt đời. Chọn cái mình giỏi có thể điểm đại học sẽ cao nhưng rồi... chấm hết, tôi sẽ không có nhiều động lực để học tiếp. Tôi nghĩ khi phải lựa chọn một thứ gì đó, ngoài lý trí thì ta cũng cần dành ra vài phút để lắng nghe trái tim mình lên tiếng, xem mình có đủ tình yêu để đi với nó mãi không.
Phóng to |
3. Dương Văn Nguyên (cựu sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Chuẩn bị tốt nghiệp đại học, tôi tìm kiếm các thông tin học bổng trên mạng và nhanh chóng bị hút vào mẫu thông báo học bổng 100% đến Qatar học tiếng... Ả Rập. Thành thật mà nói, tôi chỉ biết lõm bõm tiếng Ả Rập thôi nhưng thích quá nên vẫn hăng hái viết đơn, nộp và... trúng tuyển. Bỏ ra một năm đến Qatar để học một ngoại ngữ rất xa lạ ở Việt Nam, trong khi đó, bạn bè tôi ở đây sẽ lần lượt đi làm, có lương, thăng tiến..., rất đáng để suy nghĩ, tính toán, đúng không?
Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn Qatar vì khao khát được khám phá, được thách thức mình trong một môi trường mới lạ quá mãnh liệt. Sang đó, trong khi bạn đồng môn thong thả vui chơi, tôi phải mày mò tự học hơn 12 tiếng/ngày để theo kịp họ. Tuy nhiên, bù lại, tôi đã có cơ hội được đắm mình trong văn hóa Ả Rập, được tận mắt chứng kiến sự giàu có đến mức không tưởng của quốc gia này. Đây là điều mà không phải người trẻ Việt Nam nào cũng có thể trải nghiệm qua!
Ngạn ngữ có câu “Your choice, your life” (Lựa chọn của bạn, cuộc sống của bạn). Chúng ta có rất nhiều con đường để đi, quan trọng là khi đã lựa chọn, đừng quay lại tiếc nuối, hãy “cháy 100%” với điều mình đã cho là đúng. Vậy là hạnh phúc rồi!
Phóng to |
Bạn muốn cuộc đời mình như thế nào? Chọn nghề như chọn bạn đời, bởi chúng ta sẽ sống với “người ấy” cho đến vài chục năm sau. Do đó, chọn người yêu kỹ thế nào thì chọn nghề cũng phải kỹ như thế ấy. Tôi đồng ý với Thảo Nguyên rằng tình yêu phải đủ lớn để sánh vai cùng “người ấy” cho đến cuối con đường. Nghề nào cũng có những gian nan, nếu trái tim không đủ nóng, bạn sẽ mau nguội lạnh và vô cùng khổ sở vì phải sống ép mình với người không còn tình cảm. Khi đặt bút đăng ký kết hôn với một người thì người ấy phải hợp với mình. Muốn biết hợp hay không, bạn phải tìm hiểu. Tiếp đó, nếu bạn tính đến khả năng cưới: người ấy thách cưới cao quá thì với không tới, còn vì tự ti mình nghèo mà bỏ người ta trong khi mình đủ khả năng thì lại hối tiếc. Vấn đề này bạn có thể thử bằng cách làm những đề thi của những năm trước, những đề thi thử trong trường và các sách tham khảo để biết khả năng đáp ứng “thách cưới” của mình tới đâu. Cuối cùng, nếu phải đứng trước “đôi ngả đường” mà bạn không biết phải chọn lối nào thì hãy dừng lại và lấy chiếc la bàn cuộc đời của bạn ra. Chiếc la bàn đó chính là ước mơ trong đời của bạn. Hãy dành thời gian để trả lời câu hỏi: Bạn muốn cuộc đời mình như thế nào? |
Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận