Câu nói này của Elan được đưa vào trong tài liệu tập huấn “Phương pháp kỷ luật tích cực” của một sở GD-ĐT tỉnh nọ cách đây gần một năm. Để tổ chức dạy học, giáo dục học sinh có hiệu quả, giáo viên phải dựa trên bốn nguyên tắc sau: vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh; khích lệ và tôn trọng lẫn nhau; phù hợp với đặc điểm sự phát triển của lứa tuổi học sinh. Thế nhưng, sau một năm được tập huấn, hầu như các nguyên tắc ấy đã “trôi vào quên lãng”. Với tư cách là một giáo viên giảng dạy, người viết xin lạm bàn về thực trạng kỷ luật học sinh ở một số nơi mà người viết được biết.
Trước hết, xin bàn về giáo viên bộ môn. Tùy theo đặc thù từng trường mà học sinh có những biểu hiện làm giáo viên không hài lòng. Nếu là học sinh giỏi, các em hay có tính tự mãn khi đã nắm vững kiến thức “học trước” và ra vẻ coi thường giáo viên. Đôi khi các em có những câu hỏi cắc cớ làm cho giáo viên phải “đổ mồ hôi” khi trả lời. Dù không hài lòng, nhưng do các em đều là học sinh khá, giỏi nên giáo viên thường bỏ qua, không trách phạt nhiều.
Nhưng nếu là học sinh yếu, kém, các em thường có những biểu hiện kèm theo hậu quả như sau: Thứ nhất, chán học, lười học vì mất căn bản; hậu quả: thầy cô la mắng thường xuyên, bắt chép phạt nhiều lần, bị đứng sân cờ vào ngày sinh hoạt đầu tuần. Thứ hai, vi phạm nội quy nhà trường vì thiếu sự quan tâm của gia đình; hậu quả: giáo viên mời phụ huynh học sinh, các em lại tiếp tục bị cha mẹ la mắng vì cái tội “để thầy cô nặng nhẹ cha mẹ”, thậm chí có em đã bỏ nhà đi hoang để chống lại cách cư xử của người lớn. Thứ ba, không học bài thường xuyên vì điều kiện gia đình khó khăn phải đi làm thêm; hậu quả: bị ghi tên trong sổ đầu bài, lại bị phê bình, bị cảnh cáo trước sân cờ, bị họp hội đồng kỷ luật. Thứ tư, do tính tình nhút nhát, các em lại ngại phát biểu ý kiến; hậu quả: giáo viên cho là các em bị “khuyết tật: vừa câm vừa điếc”, thậm chí có giáo viên còn tuyên bố giữa lớp rằng đổi tên trường này thành trường khuyết tật...
Về cán bộ quản lý nhà trường, tùy theo “thương hiệu” nhà trường mà hiệu trưởng sẽ có những biện pháp kỷ luật học sinh khác nhau. Nếu trường thuộc hàng “top ten”, hiệu trưởng sẽ cố gắng duy trì thành tích bằng cách chế tài giáo viên chủ nhiệm nếu lớp bị trừ điểm thi đua quá nhiều (do vi phạm nhiều), họp hội đồng kỷ luật và đình chỉ việc học nếu học sinh vi phạm nhiều lần, thậm chí có em bị đình chỉ học chỉ vì “không mời được cha mẹ học sinh”. Như vậy, áp lực cuối cùng lại đổ lên vai của những học sinh được xem là “chưa ngoan” trong nhà trường.
Nếu trường thuộc “tốp dưới”, hình thức kỷ luật lại “thoáng” hơn nhiều. Hiệu trưởng cho phép giám thị yêu cầu học sinh đứng trước sân cờ khi vi phạm nhiều lần, hoặc có khi do yêu cầu của giáo viên bộ môn khó tính nào đó vì tội để móng tay dài, ngủ gật, làm ồn trong 15 phút đầu giờ... Mỗi thứ hai đầu tuần, các em lên đứng sân cờ như... ngày hội. Hiệu quả giáo dục ở đâu không thấy, chỉ thấy các em vui vẻ nói nói cười cười khi đứng trước mặt bạn bè mình hoặc ngược lại, có em đòi nghỉ học vì quá xấu hổ khi bị đứng sân cờ với những “tội danh” nhỏ nhặt.
Qua cách xử lý của cả giáo viên và quản lý nhà trường, người viết băn khoăn tự hỏi: các nguyên tắc kỷ luật học sinh tích cực đã được áp dụng như thế nào? Những suy nghĩ và cách làm của một số giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường nêu trên phải chăng vô hình trung đang đi ngược lại với phương pháp kỷ luật tích cực. Để phương pháp này đi vào thực tế và có hiệu quả, thiết nghĩ các nhà quản lý nên xem lại cách xử lý của nhà trường và của giáo viên sao cho học sinh vui vẻ nhận lỗi và có tiến bộ sau khi bị kỷ luật. Có như thế chúng ta mới khẳng định mình đã và đang thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực một cách hiệu quả nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận