12/05/2021 07:54 GMT+7

Kỷ luật nghiêm để chống dịch

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Các kế hoạch mua, sản xuất và sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 cho thấy Việt Nam khó có thể tiêm phòng cho đa số người dân trong năm 2021.

Cuộc chiến đấu vì vậy, còn dài và rất căng thẳng với nhiều nguy cơ rình rập, buộc chúng ta phải đảm bảo kỷ cương để giữ vững trận địa, đẩy lùi dịch bệnh.

"Nước sôi lửa bỏng" là cụm từ được Thủ tướng Phạm Minh Chính sử dụng để mô tả trạng thái chống dịch mà cả nước phải đối mặt trong những ngày vừa qua. 

Đích thân người đứng đầu Chính phủ đã đến tận những điểm nóng, chủ trì nhiều cuộc họp, giữ mối liên lạc thường xuyên với các lãnh đạo địa phương, kịp thời phê bình, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, khen ngợi những nơi làm tốt.

"Chống dịch như chống giặc", kỷ luật là sức mạnh của đội quân chiến đấu. Việc tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đình chỉ công tác của nhiều cán bộ như phó giám đốc Sở Y tế, chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, một số chủ tịch UBND phường, thị trấn, hai cán bộ công an... vì lơ là, chủ quan trong chống dịch; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu công an điều tra nguyên nhân gây dịch bệnh ở tỉnh này; hàng ngàn người dân bị phạt vì không tuân thủ quy định đeo khẩu trang, vi phạm phòng dịch... cho thấy tinh thần chỉ đạo nghiêm khắc của Thủ tướng đã có sức mạnh lan tỏa.

Sự chủ quan, lơ là mất cảnh giác, "khinh địch" của một số cán bộ các cấp, đặc biệt là của không ít người dân đã buông "vũ khí 5K" trong khoảng thời gian trước, sau dịp lễ 30-4 đã để mất một số "trận địa chống dịch", tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, gây ra nhiều khó khăn cho đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Trong tất cả các cuộc họp chống dịch và nhiều cuộc họp khác, Thủ tướng đều đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải tuyệt đối tránh hai trạng thái: một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; hai là trông chờ, ỷ lại, thiếu tự giác. 

"Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình" - Thủ tướng nêu rõ thông điệp.

Đến nay, theo nhận định của các chuyên gia, các nguồn lây đều đã được kiểm soát. Nhưng "kỷ luật sắt" thì cần được giữ vững trong suốt cuộc chiến đấu, ngay cả khi chúng ta khống chế và đẩy lùi được làn sóng dịch lần này.

Việc xử lý nghiêm những hành vi thiếu trách nhiệm không chỉ áp dụng trong phòng chống dịch COVID-19 mà cần áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác. 

Có như vậy mới bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Những hành vi thiếu trách nhiệm, lơ là chủ quan, đùn đẩy việc, né việc, lợi dụng tình hình dịch bệnh để buông lỏng quản lý, đặc biệt là trục lợi phải bị giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra để xử lý rốt ráo.

Đồng thời với kỷ luật nghiêm minh thì trong điều kiện mới với rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, Chính phủ cần có các hình thức khen thưởng kịp thời người làm tốt, địa phương làm tốt, khích lệ những sáng tạo, đột phá trong công việc mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao. 

Những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần dấn thân, không chỉ cần được bảo vệ, mà còn cần được vinh danh xứng đáng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Để xảy ra dịch COVID-19, xử lý kỷ luật tùy mức độ Thủ tướng Phạm Minh Chính: Để xảy ra dịch COVID-19, xử lý kỷ luật tùy mức độ

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vừa diễn ra sáng 26-4, với sự tham dự của các bộ ngành liên quan.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp