Dù Bộ luật tố tụng hình sự cho phép tòa án xét xử vắng mặt bị cáo trong một số trường hợp, nhưng nhiều chuyên gia pháp lý tỏ ra e ngại và cho rằng nên hạn chế tình trạng này.
Tất cả bị cáo, luật sư, người liên quan... vắng mặt
Huỳnh Minh Tuấn và Nguyễn Danh Quang là bị cáo trong vụ trộm cắp tài sản được TAND TP Thủ Đức đưa ra xét xử vào ngày 30-11-2021. Vào thời điểm phạm tội, Tuấn 17 tuổi 9 ngày, còn Quang 16 tuổi 1 tháng 28 ngày.
Theo nội dung vụ án, do cần tiền tiêu xài nên Tuấn rủ Quang đi trộm cắp tài sản. Tuấn và Quang cùng trộm cắp 1 vụ, riêng Tuấn thực hiện 2 vụ. Tổng giá trị tài sản mà Quang trộm là 4,6 triệu đồng, còn tổng giá trị tài sản mà Tuấn trộm là 8,1 triệu đồng. TAND TP Thủ Đức tuyên phạt Tuấn 1 năm tù, Quang 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, đáng chú ý là vào ngày mở phiên tòa, ngoài hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và kiểm sát viên thì không ai có mặt tại tòa. Cụ thể, phiên tòa vắng mặt 2 bị cáo là Tuấn và Quang, người đại diện hợp pháp của 2 bị cáo, 2 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 4 bị hại, 3 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng cũng vắng mặt.
Sau đó, bị cáo Quang đã kháng cáo. Ngày 28-3-2022, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm phần liên quan đến bị cáo Quang do vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Còn bị cáo Tuấn tại thời điểm xét xử đã thành niên và đã chấp hành xong hình phạt tù, không có kháng cáo, kháng nghị nên giữ nguyên.
Mới đây, TAND TP Thủ Đức đã xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên bị cáo Quang 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bình luận về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định. Trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy, việc xét xử vụ án nhưng lại vắng mặt bị cáo, luật sư, bị hại, người làm chứng... như nêu trên sẽ không đảm bảo cho việc tranh tụng trong xét xử và ảnh hưởng đến việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Việc tòa án vẫn xét xử vắng mặt bị cáo (dưới 18 tuổi), luật sư được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Tá hỏa khi biết mình bị ly hôn từ 2 năm trước
Tương tự, ông Phùng Mỹ Trung (55 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi đến TAND cấp cao tại TP.HCM. Ông Trung cho rằng TAND TP Biên Hòa đã có vi phạm pháp luật nghiêm trọng bởi ông là bị đơn trong vụ án ly hôn nhưng suốt quá trình giải quyết vụ án ông không nhận được bất kỳ văn bản nào như thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập lấy lời khai, triệu tập tham gia các phiên hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án... từ tòa án. Đến giữa năm 2021, ông tá hỏa biết mình đã "bị" ly hôn từ năm 2019.
Theo bản án, TAND TP Biên Hòa có xác minh tại Công an P.Tân Hiệp (TP Biên Hòa) và được công an cho biết ông Trung có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống tại địa chỉ này. Tòa cho rằng đã nhiều lần tống đạt hợp lệ nhưng ông Trung vẫn cố tình vắng mặt không có lý do nên đã xử vắng mặt, tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà N.T.L.T., giao con chung cho bà T. nuôi dưỡng.
Ông Trung cho biết ông có địa chỉ cư trú rõ ràng, sống ổn định và địa chỉ cơ quan làm việc cố định từ đó đến nay tại địa bàn TP Biên Hòa, số điện thoại không thay đổi nhưng bản thân ông hoàn toàn không được thông tin vụ án trên. Ông cũng cho rằng tòa chỉ dựa trên các lời khai và tài liệu, chứng cứ một chiều do phía nguyên đơn cung cấp là hoàn toàn không khách quan, không đúng bản chất sự việc.
Chúng tôi xác minh tại nơi ông Trung cư trú thì lãnh đạo UBND P.Tân Hiệp cho biết ông Trung từng phản ảnh về việc ông không hề biết việc ly hôn vào năm 2019, trong khi thời gian này ông cùng bà T. vẫn sống cùng nhà. UBND phường đã kiểm tra hồ sơ lưu trữ và xác định TAND TP Biên Hòa không niêm yết giấy triệu tập, thông báo... liên quan đến vụ việc của ông Trung tại trụ sở UBND phường.
Theo luật sư Nhật, thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại điều 175 Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, thư ký tòa án (người thực hiện) thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp giao cho ông Trung (người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có liên quan). Ông Trung phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày ông Trung được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
Trường hợp việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận. Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho tòa án. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến. Đồng thời, ông Trung là cá nhân nên văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho ông Trung theo quy định tại khoản 2 điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trường hợp ông Trung từ chối nhận văn bản tố tụng thì thư ký tòa án phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc công an xã, phường, thị trấn; biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.
Trường hợp ông Trung vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới thì thư ký tòa lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại điều 179 của Bộ luật tố tụng dân sự; biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.
Nên hạn chế xử vắng mặt bị cáo
Luật sư Hoàng Hữu Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự quy định tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp nhận...
Trường hợp luật sư vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt luật sư. Tuy nhiên, nên hạn chế xét xử khi vắng mặt bị cáo, trừ trường hợp bất khả kháng. Bởi đối với các vụ án hình sự, việc mở phiên tòa không đơn thuần là xem xét phán quyết trừng phạt bằng một hình phạt mà thông qua phiên tòa xét xử công khai còn có nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, giáo dục pháp luật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận