27/09/2019 09:30 GMT+7

Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi 'Tây' diễn Kim Vân Kiều

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Thật khó có thể tin được một vở kịch nào đó làm từ câu chuyện nàng Kiều - chuyện của xã hội phong kiến Việt Nam từ vài thế kỷ trước - lại có thể mang đến những điều này cho công chúng Việt Nam đương đại...

Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 1.

Cảnh Từ Hải chết đứng trong nhạc kịch Kim Vân Kiều - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Nhưng Kim Vân Kiều của các nghệ sĩ Pháp lại làm được điều này.

Kim Vân Kiều của đạo diễn Christophe Thiry vừa có ba buổi công diễn thành công trước khán giả TP.HCM và Hà Nội. Cả ba đêm diễn đều chật kín khán giả. Đêm diễn tại Hà Nội 25-9 phải kê thêm một số ghế phụ.

Bước ra khỏi khán phòng của Trung tâm Văn hóa Pháp với gương mặt xúc động và phấn khích, NSƯT, đạo diễn Sĩ Tiến - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - không tiếc lời ngợi khen đạo diễn và các diễn viên Nhà hát L'Attrape Théâtre (Paris): "Đạo diễn chắc hẳn phải nghiên cứu rất kỹ về Truyện Kiều.

Bản dựng rất cầu kỳ, cho thấy sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn. Nghệ thuật biểu diễn của diễn viên và các ca khúc trong vở kịch đều rất hay". Nhiều khán giả không buồn rời rạp để ở lại bàn tán về vở kịch "kỳ lạ", "độc đáo" mang đến cho họ bao điều thích thú.

Có nhiều mới lạ trong Kim Vân Kiều mà công chúng Việt ít hoặc chưa từng thấy ở các tác phẩm sân khấu họ từng xem.

Ở đó, dù chọn trung thành với nguyên tác nhưng lại có tới ba cô kiều ở ba không gian khác nhau (cô Kiều của Nguyễn Du, cô Kiều Mỹ và cô Kiều châu Phi) và không rõ ở thời gian nào. Cả ba cô Kiều tuy ở những đất nước khác nhau nhưng đều chung một số phận đầy bất hạnh, đớn đau.

Đây chính là ý đồ của đạo diễn khi ông muốn xóa bỏ không - thời gian của Truyện Kiều của Nguyễn Du, để nó không còn là câu chuyện của riêng xã hội Việt Nam thời phong kiến nữa, mà trở thành câu chuyện chung của nhân loại ở mọi thời.

Bởi với đạo diễn Christophe Thiry, Truyện Kiều thật sự là một kiệt tác chung của nhân loại, có giá trị phổ quát và mang tính biểu tượng, nó thật sự là "một tác phẩm sâu sắc và phi thường".

Nhạc kịch Kim Vân Kiều còn khiến công chúng Việt tròn mắt khi một diễn viên tham gia nhiều vai diễn, có khi tới... sáu vai như nghệ sĩ Pascal Durozier diễn từ Tú Bà cho tới cậu con trai tật nguyền của cô Kiều Mỹ, Vương ông, em trai Kiều, Boko, Nguyễn Du.

Trong Kim Vân Kiều có tám nghệ sĩ tham gia chính, ngoài hai nghệ sĩ của Việt Nam là Mai Thanh Sơn, Mai Thành Nam chỉ biểu diễn nhạc cụ mà không diễn xuất, nữ diễn viên Sarah Bloch chỉ đảm nhận vai Kiều thì năm nghệ sĩ Pháp còn lại đều đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau, và cả làm nhạc công cho vở diễn.

Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn cho biết xu hướng tinh gọn trong các đoàn nghệ thuật, một nghệ sĩ vào nhiều vai là xu hướng kịch nghệ trên thế giới hiện nay.

Sân khấu không một lần kéo rèm đổi cảnh, không một phút chết, chạy liên tục như một bộ phim và đảo cảnh liên tục.

Khán giả cảm động với những tình huống kịch, với âm nhạc Đông - Tây hòa quyện, được biểu diễn bằng nhạc cụ truyền thống Việt Nam và nhạc cụ phương Tây; cảm động với khúc hát mang âm hưởng thiền của nghệ sĩ Katharina Wittkowska hay bản Dạ cổ hoài lang của tiếng Việt thân yêu, cảm động với thông điệp hạnh phúc là tự ở lòng mình - nói như Nguyễn Du là "tẻ vui bởi tại lòng này"...

Và họ còn khúc khích cười trong một số phân cảnh của vở kịch. Một vở kịch về số phận bi thảm "không thể chấp nhận được" như chính đạo diễn chia sẻ, lại có thể khiến khán giả cười thì đó chỉ có thể là kỳ tài của đạo diễn.

Viện Goethe cũng đang hợp tác với bốn đạo diễn (một đạo diễn Đức, đạo diễn Trần Lực, Như Lai, Hồng Vân) để đưa Kiều lên sân khấu. Khán giả Việt đang hi vọng sẽ lại được khám phá Kiều theo một cách thú vị, mới mẻ khác; như họ vừa tìm thấy với vở Kim Vân Kiều của các nghệ sĩ Pháp.

"Anh Tây" hát "Dạ cổ" trong Kim Vân Kiều

Thêm một "phần thưởng" khác cho công chúng Việt khi nghệ sĩ Licolas Simeha cống hiến màn hát Dạ cổ hoài lang trong đoạn kể nỗi mòn mỏi chờ trông Từ Hải của nàng Kiều.

Dù chưa tròn vành rõ chữ, công chúng quá nể và thích thú khi nghe một "anh Tây" hát khá mùi mẫn. Licolas Simeha giống như tất cả nghệ sĩ Pháp trong đoàn chưa hề tới Việt Nam trước đây, anh đã tập hát Dạ cổ hoài lang qua đĩa hát trong 1 tháng và nửa tháng được Mai Thanh Sơn "phụ đạo".

Một số hình ảnh của vở diễn:

Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 3.
Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 4.
Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 5.
Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 6.
Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 7.
Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 8.
Kỳ lạ, độc đáo, hài hước khi Tây diễn Kim Vân Kiều - Ảnh 9.
Đạo diễn Christophe Thiry: Dựng Kim Vân Kiều thật phấn khích Đạo diễn Christophe Thiry: Dựng Kim Vân Kiều thật phấn khích

TTO - Sau năm buổi diễn tại Paris hồi tháng 6-2017, vở nhạc kịch Kim Vân Kiều của đạo diễn Christophe Thiry sẽ lần đầu được ra mắt tại Việt Nam.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp