Ký giả Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), nhà văn Sơn Nam, dân biểu Lý Chánh Trung... trong ngày xuống đường vì tự do báo chí - Ảnh: báo Điện Tín |
Đây là phần đầu bức tâm thư của Ủy ban tranh đấu bảo vệ tự do báo chí, đăng trên báo Đuốc Nhà Nam số 357 ngày 9-3-1970.
Sau đó, với sự ủng hộ của các giới, những người làm báo đã xuống đường “chống tăng giá giấy”, nhiều tờ báo tự đình bản, 25 ký giả và chủ báo “xuống tóc”...
Hàng loạt báo tự đình bản
Cuộc đấu tranh còn đang dằng dai thì ngày 4-8-1972, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký “sắc luật số 007/TT” thường gọi là “luật báo chí 007”, bổ sung luật số 019/69 về báo chí khiến làng báo càng điêu đứng. Mấu chốt của luật 007 làm khó làng báo là phải “đóng tiền ký quỹ tại Tổng Nha ngân khố” một số tiền là 20 triệu đồng (nhật báo) và 10 triệu đồng (tạp chí định kỳ).
Đây là tiền “do chủ nhiệm hoặc chủ bút, hoặc quản lý đứng tên và dành để bảo đảm việc thanh toán các ngân hình, án phí và tiền bồi thường thiệt hại dân sự” (điều 4).
Thời điểm này, vàng chỉ có giá 16.000 đồng/lượng nên số tiền ký quỹ là rất lớn.
Điều mà các nhà báo quan tâm chính là điều 27: “không được dùng báo chí để: 1- xúi giục người khác phạm tội xâm phạm nền an ninh quốc nội hay quốc ngoại hoặc bất cứ khinh tội, trọng tội nào khác. 2- xúi giục quân nhân bất tuân kỷ luật. 3- đề cao các tội phạm kể trên. Riêng các tội phạm nói ở khoản 1 và 2 trên đây, mặc dù không đưa đến kết quả xảy ra tội phạm cũng bị coi như là tội phạm đã thành tựu và sẽ bị trừng phạt chiếu những điều khoản của luật này”.
Và phần phạt vạ, ngoài các hình phạt khác thì tiền phạt thấp nhứt là 500.000 đồng và cao nhứt là 5 triệu đồng.
Nhà báo Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm báo Đuốc Nhà Nam, viết trong số báo ra ngày 8-9-1972: Đuốc Nhà Nam bị tịch thu hai lần, về tin “Hòa đàm Ba Lê” đăng rất hạn chế, bị cáo buộc “dùng luận điệu có lợi cho cộng sản, vi phạm điều 29 luật số 19/69 ngày 30-12-1969 sửa đổi bởi sắc luật số 007 ngày 4-8-1972. Về tin “Yêu sách của công nhân hỏa xa”, bị cáo buộc hai tội “phổ biến tin tức có luận điệu có thể gây tác dụng phương hại đến trật tự công cộng, và xúi giục người khác xâm phạm nền an ninh quốc nội...”.
Tình hình ấy đã đẩy hàng loạt báo phải đóng cửa. Hà Thành Thọ, chủ nhiệm tờ Dân Chủ Mới, trong bài “Tạm biệt tri kỷ” trong số cuối cùng ra ngày 16-9-1972 đã đau đớn viết: “Chúng tôi phải quyết định cho tạm đình bản nhật báo Dân Chủ Mới không phải vì chạy không nổi 20 triệu bạc (vì nếu cần có nhiều vị thân hữu thông cảm sẽ tiếp tay giúp đủ số bạc đó) mà vì nhận thấy số tiền 20 triệu cũng khó đủ và dù có tới 50 triệu cũng chưa chắc đã dư để có thể tiếp tục xuất bản tờ báo, vì nếu làm được thì các đồng nghiệp kỳ cựu khác là những tờ báo dư tiền hơn tờ Dân Chủ Mới đã làm”.
Trừ những tờ báo thân chánh quyền và có tài trợ, phần lớn nhật báo ở Sài Gòn đều đóng cửa. Ngay cả tờ Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, một tờ báo được coi là giàu có và sống dai từ thập niên 1930, cũng tự đình bản vì luật 007. Hơn 70% nhà báo ở Sài Gòn thất nghiệp, một số bị tù.
Trước tình hình như vậy, sau một thời gian đấu tranh không có kết quả, báo giới Sài Gòn họp nhau bàn cách giải cứu và bảo vệ quyền hành nghề của mình.
“Ký giả đi ăn mày” đối diện hàng rào dày đặc của cảnh sát - Ảnh: báo Điện Tín |
Xuống đường “đi ăn mày”
Ngày 8-9-1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007. Hình thức đấu tranh “ký giả xuống đường đi ăn mày” được thống nhất.
Và ngày 10-10-1974 với bị gậy, nón lá và khẩu hiệu mang trên ngực “10-10-1974 ngày ký giả đi ăn mày”, những người làm báo, dân biểu và một số thành phần khác đã tập họp tại số 15 đường Lê Lợi. Sau khi ký giả Nguyễn Kiên Giang, chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, đọc lời tuyên bố “ký giả phải đi ăn mày vì luật 007”, các ký giả Trần Tấn Quốc, Nam Đình, Tô Nguyệt Đình, Văn Mại, Ái Lan, nhà thơ Kiên Giang... cùng một số dân biểu kéo nhau xuống đường.
Lộ trình diễu hành là từ số 15 đường Lê Lợi kéo đến chợ Bến Thành rồi vòng lại đến Hạ nghị viện (Nhà hát thành phố) theo đường Lê Lợi. Chánh quyền cho hay sẽ “không cho ký giả xuống đường”. Vì vậy, từ sáng sớm, cảnh sát đã bao vây Câu lạc bộ báo chí số 15 đường Lê Lợi. Song các ký giả đã phá vòng vây xuống đường theo lộ trình đã định.
Báo Điện Tín số 985 ra ngày 12-10-1974 tường thuật: “Những người xuống đường xuất phát từ Hạ viện kéo xuống chợ Sài Gòn cách đó một cây số sau khi vượt qua nhiều hàng rào cảnh sát. Cả ngàn khán giả cũng phá luôn hàng rào cảnh sát xuống đường nhập phe với đoàn biểu tình...”.
“... Ngay lúc đó, một lực lượng an ninh chìm nổi được huy động toàn lực để dẹp nhóm người này. Nhiều tấm biểu ngữ bị giật chạy, màn đánh các ni sư cũng được các công an chìm thực hiện... Thấy cảnh đàn áp đánh đập bừa bãi, các nhiếp ảnh gia ngoại quốc đã xông xáo quay phim chụp hình lia lịa. Trong lúc nhiều nhân viên vây đánh các học sinh, hai ký giả ngoại quốc đến chụp hình đã bị ăn đòn hội đồng... Nhìn xung quanh cả một rừng người từ bồn phun nước dọc qua thương xá Tax và rạp Rex gần Hạ viện thì cảnh sát đã cô lập khu vực này. Đồng bào chỉ có thể đứng từ Brodard và La Pagode nhìn tới...”.
Ký giả Can Tương của báo Điện Tín viết: “Ngày này, tất cả từ những ký giả lão thành sống lâu năm trong nghề báo cho tới những ký giả tập sự cũng đều tham gia... Từ một chị bán hàng cũng phải bỏ hết thúng gióng hàng hóa, cầm gánh lăn xả vào, từ một anh hàng thịt cũng biết cầm con dao phay lên mắt ngời sáng quắc đang trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị, từ một anh thợ hớt tóc cũng đều biết dừng lại cầm cây kéo lên chờ giờ hành động, từ một anh xích lô cũng thôi đạp để tiễn mừng đón đưa...”.
Cả một biển người như thác lũ tràn về công trường Quách Thị Trang. Đồng bào các giới đứng dài theo hai bên đại lộ Lê Lợi chờ “đoàn ký giả ăn mày” kéo đến để nhập cuộc luôn. Đoàn người ngày càng dài thêm, đông thêm. Tốp đầu đã đến công trường Quách Thị Trang mà đuôi vẫn còn ở đường Nguyễn Huệ. Thật khó ước lượng được chính xác số người tham gia xuống đường.
Không thể thống kê hết được thành phần các đoàn thể, cá nhân cùng tham gia xuống đường với giới báo chí, tính đến cả vạn người. Chỉ có thể kể một số đoàn thể như: Ủy ban bảo vệ văn hóa dân tộc, phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, các đoàn thể trong công nhân, lao động, trong sinh viên, học sinh, chị em tiểu thương các chợ, đồng bào theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, các đoàn thể hướng đạo, Hội truyền bá quốc ngữ, giới nhân sĩ trí thức tiến bộ, các nhà giáo...
Trọn buổi sáng 10-10-1974, đoàn biểu tình thật sự làm chủ con đường Lê Lợi và cuộc xuống đường đúng theo lộ trình đã dự kiến, tập kết trước trụ sở Hạ viện, họp mittinh hô khẩu hiệu, đốt tượng trưng luật 007 về báo chí trước sự hò reo của những người cầm bút và đồng bào tham gia.
Cuộc đấu tranh của làng báo Sài Gòn chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đạt được mục tiêu, giáng một đòn chí tử vào chủ trương đàn áp báo chí. Tổng thống Thiệu choáng váng trước đòn đau này. Và lịch sử báo chí đã ghi nhận ngày này là một ngày đấu tranh vì tự do báo chí và bảo vệ công lý của những người làm báo Sài Gòn.
______________
Kỳ tới: Dương Tử Giang: sống chết với nghề
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận