09/05/2015 09:39 GMT+7

Kỳ cuối: Lòng đất lên tiếng

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng, những phát hiện trong quá trình khai quật, khảo cổ khu di tích Gò Tháp gần đây đã giúp các nhà khoa học giải thích được rõ hơn về tên gọi cũng như những bí mật 2000 năm dưới lòng đất.

Một góc khu di tích Gò Minh Sư đã được khai quật - Ảnh: V.Tr.
Một góc khu di tích Gò Minh Sư đã được khai quật - Ảnh: V.Tr.

Tại sao Mười? Tại sao Tháp?

Theo ông Thắng, theo kinh nghiệm dân gian ở Nam bộ thì hễ họ thấy nơi nào có gò cao mà tìm thấy gạch cổ, kích thước lớn sẽ gọi là “lò gạch” hoặc “gò tháp”. Nghiên cứu lịch sử hình thành khu vực Gò Tháp hiện nay thấy rằng xưa kia nơi này là vùng trũng, chỉ có một gò nổi lên rất cao, vào mùa nước lụt không bị ngập nên dân cư tập trung lại sinh sống. Đó là khu vực gò Tháp Mười trong khu di tích Gò Tháp hiện nay. Nghĩa chữ “Gò Tháp” có thể hiểu theo hướng này. 

Nhưng chữ “Mười” ở đâu ra, vì sao được gắn vào Gò Tháp? Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng, quá trình khai quật khảo cổ tại Gò Tháp đã xuất lộ ba đền thờ thần (còn gọi là tháp thờ) trên mặt đất ở gò Tháp Mười, gò Minh Sư và gò Bà Chúa Xứ. Còn ở bên dưới mặt đất cũng đã phát lộ hơn mười đền thờ thần mà thường có dấu vết là có gạch bên trên là do quá trình canh tác đã làm xuất lộ.

Chính vì vậy ông Thắng cho rằng tên gọi “Tháp Mười” ra đời có liên quan đến thông tin xưa kia ở đây có nhiều tháp cổ, có cả chục tháp thờ thần tập trung ở Gò Tháp. Ý kiến này rõ ràng dễ chấp nhận hơn so với các giả thuyết trước đây bởi vì cơ sở dữ liệu khảo cổ đến nay cũng khẳng định như vậy. 

Còn chữ “Đồng Tháp Mười” xuất phát từ đâu? PGS.TS Đặng Văn Thắng nói: “Ngày xưa đây là vùng trũng thường xuyên bị ngập nặng vào mùa nước lũ hằng năm. Trong bối cảnh một cánh đồng ngập nước mênh mông như thế chỉ có gò Tháp Mười nổi lên, không bao giờ bị ngập (cao trên 5m so với mực nước biển) nên người ta lấy tên Tháp Mười và gọi cánh đồng này là Đồng Tháp Mười để chỉ cánh đồng rộng lớn mênh mông này. Giải thích như vậy hợp lý hơn”. 

TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) cũng là một trong những người có rất nhiều năm tham gia khai quật, khảo cổ tại di tích Gò Tháp. Bà nói: “Tôi không dám bàn sâu về nguồn gốc hay thời điểm ra đời của tên gọi Tháp Mười, tuy nhiên có thể nhận định rằng ở Gò Tháp đã phát hiện được nhiều đền và tháp. Chúng ta cũng thường gọi các ngôi đền của người Champa là “tháp”. Chẳng hạn: tháp Mỹ Khánh ở Huế hay các tháp Khương Mỹ, Mỹ Sơn… ở Quảng Nam. Với cách gọi này rõ ràng số lượng tháp (của cả Phật giáo và Hindu giáo) ở Gò Tháp đã nhiều hơn mười cái và còn có thể nhiều hơn. Có lẽ người Việt đã căn cứ vào điều này để gọi nơi này là Tháp Mười và rộng hơn là vùng Đồng Tháp Mười. Còn tên gọi “Đồng Tháp”, theo tôi, cũng có nội hàm là một vùng đất có rất nhiều tháp, tập trung ở Gò Tháp”.

Bảng xếp hạng khu di tích Gò Tháp - Ảnh: V.Tr.
Bảng xếp hạng khu di tích Gò Tháp - Ảnh: V.Tr.

Câu chuyện từ lòng đất

Các nhà khảo cổ học khẳng định cư dân Óc Eo sinh sống ở Gò Tháp từ khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ XII sau Công nguyên, tức khoảng 1.400 năm. Thế nhưng vì sao người Óc Eo lại xây tháp thờ thần và Phật theo văn hóa Ấn Độ?

Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng, khoảng đầu Công nguyên, người Ấn Độ chạm khắc hình vua và hình Phật trên đồng tiền vàng thời Kanishka. Khoảng thế kỷ I-II sau Công nguyên, Phật giáo Ấn Độ được Hindu giáo tiếp thu và làm hình tượng các vị thần Vishnu, Shiva... Đây gọi là “thời kỳ Thánh tượng”. Từ đó người Ấn Độ chạm khắc hình tượng thần Hindu trên đá. Mỗi thần thường cầm một vật gì đó gọi là biểu tượng của thần, hoặc hình tượng hóa thân của thần, vật cưỡi của thần, vợ của thần. Hễ nhìn thấy biểu tượng nào đó người ta sẽ biết nơi đó là đền của vị thần nào.

Khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên, người Óc Eo tiếp xúc với người Ấn Độ. Những tăng lữ Bà La Môn (Hindu giáo và Phật giáo) đã đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long truyền giáo cùng với thương nhân làm ăn buôn bán. Những tín đồ Phật giáo tạc tượng Phật bằng gỗ để thờ cúng, nhưng tượng Phật chỉ đặt đứng ở vị trí nào đó ngoài trời chứ không đặt trong ngôi chùa. Quá trình khai quật tại Gò Tháp đã tìm thấy rất nhiều tượng Phật bằng gỗ (khoảng 15 tượng) cho thấy tín đồ Phật giáo của người Óc Eo khá nhiều. Cũng cần nói thêm là ban đầu biểu tượng của Phật chính là tháp. Sau này người ta mới đưa tượng Phật vào bên trong tháp và sau đó đưa vào chùa để thờ cúng.

Còn tín đồ Hindu giáo không tạc tượng thần trên gỗ mà chạm khắc hình thần, biểu tượng của thần trên những mảnh vàng. Sau đó họ cho các mảnh vàng này xuống đất (các seima) để giữ vàng và cũng là biểu tượng thể hiện có thần ngự trị nơi đó. Ông Thắng nói thêm: “Tín đồ Hindu giáo quan niệm chỗ nào có chôn mảnh vàng chạm khắc hình thần là nơi đó có thần. Ban đầu họ xây một vòng gạch có trụ giới hình chữ vạn (giống hình ống khói vuông). Những mảnh vàng tượng trưng cho thần được đặt vào trong trụ giới đó. Dần dần họ xây tháp để thần ngự trị, ban đầu xây thấp dạng đền, sau đó xây cao thành tháp. Đến khoảng thế kỷ thứ V trở đi thì kỹ thuật chế tác của người dân rất tiến bộ nên họ không chạm khắc trên vàng nữa mà chuyển sang tạc tượng. Hai tượng thần Vishnu tìm thấy tại gò Tháp Mười có niên đại thế kỷ VI-VII đã chứng minh điều đó”.

Một khi tín đồ Hindu giáo chôn vàng tượng trưng cho thần nơi nào thì nơi đó mãi mãi được xem là có thần. Chính vì vậy sau này khi tạc tượng thần để thờ họ cũng đặt ngay vị trí đã chôn vàng trước kia. Điều này giải thích tại sao các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại kiến trúc gò Tháp Mười (mới khai quật khoảng 50% diện tích) kiến trúc đền thờ thần Vishnu trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là một đền thần Vishnu, giai đoạn sau ngôi đền thờ này được tu sửa, mở rộng hơn.

Theo TS Lê Thị Liên, trước thế kỷ thứ X hầu như tháp gạch (hoặc đá) ở các nước Đông Nam Á và Ấn Độ chỉ có một tầng. Các tháp Phật giáo Ấn Độ trước thế kỷ thứ VII có thể có một nền hình vuông hoặc hình tròn rất cao (vùng Gandhara thuộc Pakistan ngày nay, vùng Amaravati thuộc Nam Ấn Độ ngày nay). Khi phát triển đến Đông Nam Á người ta thường xây nhiều bậc nền cao như Broburdur ở Indonesia. Kiểu tháp Phật nhiều tầng sớm nhất thuộc kiến trúc gỗ ở Gandhara (tây bắc Ấn Độ), sau đó được Trung Quốc mô phỏng và tạo nên nhiều loại hình bằng gạch, hoặc tháp dâng cúng bằng đất nung, hoặc bằng các hình in nổi bằng kim loại, rất phổ biến từ thế kỷ XI-XII trở đi. Kiểu tháp 3-5-7-9 tầng cũng ảnh hưởng tới VN.

TS Liên nói thêm: “Nghiên cứu các ngôi tháp đã ở Gò Tháp như: gò Tháp Mười, gò Bà Chúa Xứ, gò Minh Sư, chúng tôi thấy việc xây dựng đền tháp dựa theo quy chuẩn của kiến trúc kinh điển Ấn Độ. Đó là thực hiện các nghi lễ xây dựng, gia cố phần trung tâm, có các kiểu thức gạch quy chuẩn. Tuy nhiên người dân ở đây cũng đã thay đổi một số yếu tố căn cứ vào điều kiện thực tế, đó là sử dụng gỗ gia cố móng ở nơi thấp trũng để chống lún, đắp thêm đất mở rộng gò để xây dựng các kiến trúc lớn. Kỹ thuật làm gạch điêu luyện, sử dụng phụ gia trấu và cát”. 

Cũng theo TS Liên, những phát hiện mới trong lòng đất tại khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp đến nay cho thấy đây là một trong những trung tâm quan trọng thuộc nền văn hóa Óc Eo, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. 

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp