Kỳ 1:
Phóng to |
Thầy Nguyễn Đức Hòe (giữa) trong buổi trao đổi với các mạnh thường quân giúp đỡ du học sinh Trường Đông Du tại thành phố Takasaki, tỉnh Gunma - Ảnh: BÌNH THANH |
Suốt 20 ngày ông đến Nhật từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, đến đâu các học trò là du học sinh (DHS) VN cũng đón chào ông như người thầy, người cha. 20 năm nay, ông đã đưa hàng ngàn DHS sang Nhật du học tự túc, tự kiếm tiền học thêm và hàng trăm bạn trẻ đã thành đạt, trở thành nguồn lực quý cho đất nước như mong ước của ông.
Là thầy, là cha
Tuổi đã ngoài 70, mang đủ thứ bệnh trong người nhưng mỗi năm ông vẫn đích thân lặn lội đi khắp tỉnh thành nước Nhật để thăm học trò, gặp gỡ đối tác, mở thêm nhiều cơ hội tiếp nhận DHS.
"Chương trình du học của Trường Đông Du không chỉ mở ra cơ hội đi du học cho học sinh VN - bất kể giàu, nghèo - mà còn hướng tới con đường tự lập cho thế hệ trẻ giàu đam mê và dám dấn thân. Các em phải vất vả vừa làm thêm vừa lo học nhưng đa số học rất giỏi, nhiều người thi đỗ vào những trường ĐH danh tiếng" Giáo sư Trần Văn Thọ(ĐH Waseda, Tokyo) |
Đồng hành cùng ông trong chuyến hành trình qua nhiều tỉnh thành dọc từ bắc chí nam của nước Nhật, tôi hiểu và thấm thía được phần nào nỗi lòng đau đáu của ông.
Ông chia sẻ: “Trong cả ngàn học trò ăn học thành tài, chỉ cần có 100 em quay về nước lập thân lập nghiệp và dốc hết tài đức phục vụ quê hương thì tôi cũng mãn nguyện và an lòng khi nằm xuống”. Đó là điều ông luôn dạy và dặn dò, mong mỏi học trò thực hiện, là ước nguyện cả đời ông đeo đuổi.
Đối với học trò, ông là một người thầy đã cao tuổi nhưng vẫn làm việc miệt mài, luôn nghiêm khắc và tận tụy. Phần lớn học trò Trường Đông Du đi du học chỉ mới tốt nghiệp THPT, còn trẻ và chưa cọ xát nhiều với thực tế cuộc sống.
Trước khi lên đường du học, từ sáu tháng tới một năm ngoài học tiếng, ôn thi, các bạn trẻ phải chạy bộ, chơi thể thao mỗi ngày, đều đặn tham gia các buổi học đào tạo về kỹ năng thích nghi cuộc sống mới, tìm tòi các kiến thức cơ bản về văn hóa, tác phong sống và làm việc... của người dân bản xứ. “Đến khi sang Nhật, phải vừa học vừa kiếm sống, tôi mới hiểu sự nghiêm khắc, những đòi hỏi khắt khe của thầy khi thúc ép chúng tôi phải vừa học vừa rèn luyện đã giúp mỗi người cứng cỏi hơn và tự tin khi hòa nhập môi trường mới” - Nguyễn Uyên Vy (khoa kinh tế ĐH Quốc gia Hiroshima) nói.
Tự lập nơi xa xứ nhưng những DHS VN không hề đơn độc. Ông chính là người đã kết nối các thế hệ DHS gắn bó với nhau. Các DHS mới phải lựa chọn ở trọ ngoài hay ở cư xá, làm thêm công việc gì, ôn luyện thi ra sao cho hiệu quả..., tất cả đều được các anh chị đi trước hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình.
Tâm nguyện về nguồn nhân lực
Tròn 20 năm kể từ năm 1992, nhà giáo Nguyễn Đức Hòe đã đưa hơn 1.200 DHS VN sang Nhật. Ông Yoshio Toshio, phó phòng chuyên trách DHS Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản - JASSO, nói: “Tôi đánh giá cao chương trình du học của Trường Đông Du vì đã hỗ trợ nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ. Cầu nối du học cũng đã góp phần thắt chặt mối quan hệ giao lưu, học hỏi và trao đổi văn hóa, kỹ thuật giữa hai đất nước”.
Quay trở lại 45 năm trước, khi đang theo học thạc sĩ tại ĐH Tokyo, chàng sinh viên 27 tuổi Nguyễn Đức Hòe đã nung nấu ý định đưa những người trẻ hiếu học VN sang Nhật du học. Bước đầu ông tích cóp học bổng và tiết kiệm tối đa chi tiêu để thuê lại một căn nhà nhỏ cũ kỹ, lập nên mấy phòng ở như ký túc xá mang tên “Đông Du học xá” cho DHS VN sang ở vào năm 1967.
Có chỗ ở rồi, giờ làm sao để kiếm tiền ăn học? Thế là ông cặm cụi đi làm thêm đủ thứ nghề, nào giao báo, xếp chữ nhà in, rửa bát... đủ để trang trải chi tiêu. Niềm tin vào con đường đưa học trò VN ham học và giàu nghị lực đi du học Nhật bằng cách vừa học vừa làm thêm vững chắc từ những ngày tháng lăn lộn đó.
Năm 1991, ông lập ra Trường Nhật ngữ Đông Du (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - nơi đào tạo tiếng và sàng lọc học trò kỹ càng về trình độ, về cách sống trước khi đưa đi du học. Học trò ông đưa đi học không phải đóng chi phí. Thông qua những mối quan hệ bạn bè ở Nhật, ông còn giúp DHS VN mới qua được nợ học phí hoặc vận động bạn bè bảo lãnh, gây quỹ học bổng cho DHS VN. Những công việc làm thêm như phát báo, phục vụ nhà hàng... cho học trò đều một tay ông tìm kiếm, liên hệ.
“Nếu không nhận được sự bảo trợ giúp đỡ tận tâm này, những sinh viên nghèo như tôi chẳng bao giờ dám mơ được đi du học. Thầy đặt niềm tin và đã mở ra một hướng đi mới cho tương lai của tôi” - Ngô Thị Như Quỳnh (ngành điện kỹ thuật số Trường CĐ Kỹ thuật CNTT Nhật Bản, tỉnh Osaka) chia sẻ.
Gửi trọn niềm tin vào học trò Sống quá nửa đời người, đến tuổi có thể an nhàn nghỉ ngơi nhưng nhà giáo Nguyễn Đức Hòe vẫn miệt mài làm việc, hết dạy học, nghiên cứu lại viết sách, tham gia các quỹ học bổng và chương trình khuyến học, từ thiện... Lịch làm việc của ông chật kín, thời gian ngủ nghỉ chẳng là bao. Ông nhẹ nhàng: “Tôi đang nỗ lực chạy đua với thời gian, từng ngày, từng giờ. Tôi gửi trọn niềm tin vào thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước - sẽ tiếp nối tâm nguyện của cả cuộc đời tôi - tâm nguyện gắn với lời thề của học trò Đông Du: Cố gắng học tập, trau dồi tài đức để mai sau phục vụ quê hương, Tổ quốc”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận