29/09/2013 09:45 GMT+7

Kỳ cuối: Chim sắt đụng chim trời

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Giám đốc điều hành Hãng hàng không VJA Lưu Đức Khánh cho biết một máy bay trị giá hàng chục triệu USD, chưa kể tiền thuê phi công, tiếp viên, vận hành bộ máy, nên không một hãng hàng không nào muốn để máy bay nằm ở mặt đất. “Để hoạt động hiệu quả, máy bay phải càng ở trên trời càng lâu càng tốt”. Nhưng đôi khi máy bay phải nằm ỳ trên mặt đất vì những lý do... trời ơi.

dUayo6XO.jpgPhóng to
Chim va vào thân máy bay, để lại một vết rách đầy... lông chim - Ảnh: VNA cung cấp

Vị khách không mong đợi: chim!

Đang chìm trong giấc ngủ thì chiếc điện thoại của bà Phùng Thị Ngọc Thúy, giám đốc khai thác mặt đất Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines, rung lên. Giờ này chắc tin của hệ thống, bà Thúy nghĩ bụng và mở điện thoại lên: “AOG (aircarft on ground) due to bird drive - tạm hiểu máy bay nằm lại mặt đất vì chim đụng máy bay”. Đồng hồ mới 3g sáng 2-9. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu bà: “Mất 8-10 giờ để kiểm tra, sửa chữa, phải xếp lại lịch bay hàng chục chuyến trong đúng dịp cao điểm nghỉ lễ rồi”.

Chiếc Airbus A320 mang số hiệu 557 này vừa trả khách chặng Hải Phòng - TP.HCM lúc 12 giờ đêm 1-9. Nó được kéo vào hangar để các kỹ sư kiểm tra toàn bộ chuẩn bị cho chặng bay kế tiếp vào sáng hôm sau. 1 giờ sáng ánh đèn của các kỹ sư Xí nghiệp sửa chữa máy bay A75 quét qua động cơ thì phát hiện một vết máu lớn. Lần theo dấu máu, lông chim các kỹ sư phát hiện nhiều lông chim, nhiều phần thân của một con chim lớn trong động cơ văng ra làm cánh tà động cơ bị hư nghiêm trọng.

Máy bay này bị loại ra khỏi lịch bay của JPA cho đến tận 18g ngày 3-9. Bà Ngọc Thúy cho biết cả ngày lễ 2-9 JPA chỉ khai thác bốn máy bay nên gần như toàn bộ lịch bay trong ngày hôm đó đã bị xáo trộn nghiêm trọng.

Các phi công cho biết máy bay thường bị chim va vào khi trời chập choạng tối, sáng sớm hoặc đêm khuya vì chúng không nhận ra phương hướng và bị thu hút bởi đèn máy bay. Theo các chuyên gia hàng không, chim xuất hiện nhiều nhất lại là sân bay Tân Sơn Nhất, nơi bãi rộng cỏ nhiều, gần nguồn thức ăn. Phía bên kia của sân bay Tân Sơn Nhất, còn rất nhiều cây cối trong khu vực doanh trại quân đội nên đây là điểm trú ẩn lý tưởng của chim. “Đến mùa mưa mỗi lần cất, hạ cánh vào sáng sớm có những con chim to gần bằng con gà xuất hiện bay quờ quạng là ngán lắm” - phi công lão luyện Nguyễn Thành Trung, từng là phó tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia VN (VNA), cho biết. Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết mỗi năm riêng tiền thuê cắt cỏ toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất đã tốn cả tỉ đồng.

Theo thống kê của Vietnam Airlines, trong năm 2010 máy bay của hãng đã gặp 15 sự cố liên quan đến chim va vào máy bay, năm 2011 là 26, năm 2012 là 9 vụ, từ đầu năm đến nay đã 7 vụ. Nguyên tổng giám đốc JPA Lương Hoài Nam cho biết có lúc hãng phải đối diện với tần suất chim va vào máy bay 1 lần/tháng. Thậm chí, có vụ chim lao vào động cơ phải tốn đến gần 1 triệu USD để sửa chữa động cơ và các chi phí phát sinh khác (bảo hiểm chi trả phần này).

Trong tuần cuối cùng tháng 7-2013, hai máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không VietJet Air đã va phải chim khi cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. 23g ngày 12-9 lại một máy bay khác của VJA bị chim va vào, làm móp hai điểm khá to trên vỏ động cơ. Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết số vụ máy bay va chạm với chim trời trong thời gian gần đây tăng cao, chủ yếu tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ.

Tại “Hội nghị nhóm công tác hợp tác hàng không Hoa Kỳ - Việt Nam” từng diễn ra tại TP.HCM, ông James White, đại diện Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết chim trời là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh hàng không. Mỗi năm, những chú chim trời gây tổn thất nặng cho các hãng hàng không trên thế giới. Nếu như năm 1990, tại Mỹ có khoảng 1.700 vụ chim trời va chạm với máy bay, thì trong năm 2011 con số này lên đến hơn 8.000 vụ. Theo thống kê của FAA, trong 19 năm qua, có hơn 108.000 trường hợp chim đâm vào máy bay tại Mỹ.

csS5QCOv.jpgPhóng to
Kính chắn gió bị hư hại vì một con chim - Ảnh: VNA cung cấp

Bay 10 tiếng, quay về chỗ cũ

Sau khi va vào chim trời, các phi công sợ nhất là máy bay không tìm được lỗ hổng trong khi trời mù mây để hạ cánh. Cơ phó Phạm Thành Trung của Hãng hàng không JPA kể anh không quên chuyến bay Vinh - Buôn Ma Thuột ngày 2-8-2013, khi phải tiếp cận đường băng mấy lần mà không thể hạ cánh được.

Chuyến bay mang số hiệu BL 570 dự kiến khởi hành từ TP.HCM lên Buôn Ma Thuột, sau đó đi Vinh rồi lại quay về Buôn Ma Thuột, nhưng hành khách từ Vinh đã không thể đến được Buôn Ma Thuột như dự định.

“Ngày hôm đó tôi bay cùng cơ trưởng Mark Zucal, thời tiết ở gần Buôn Ma Thuột rất tốt. Khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột thì radar máy bay cho biết thời tiết trở chứng, gió thổi rất mạnh ở đầu đường cất hạ cánh và có mây mù làm tầm nhìn dưới tiêu chuẩn. Cơ trưởng Mark Zucal quyết định cất đầu lên bay vòng chờ trong vòng 10 phút. Ở dưới sân bay chắc chắn hành khách không thể nào hiểu vì sao nắng thế kia mà máy bay không xuống được. Cơ phó Thành Trung kể lại: “Sau đó thời tiết ở đầu kia của đường băng thuận lợi, tổ bay vòng lại chuẩn bị hạ cánh thì thời tiết lại trở xấu dưới điều kiện tiêu chuẩn. Lại bay vòng. Bay mãi thấy thời tiết có vẻ không thay đổi mà nhiên liệu đã chạm tới giới hạn dầu tối thiểu, cơ trưởng quyết định về Tân Sơn Nhất”.

12g05 chuyến bay mang số hiệu BL 570 này hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất nằm chờ, khách vào nhà ga nghỉ ngơi. 14g10 tổ bay do cơ trưởng Frank Laville và Dilek Sensoy thay tổ bay của Mark Zucal và Thành Trung, lại đưa toàn bộ hành khách từ TP.HCM quay lại Buôn Ma Thuột. 15 giờ máy bay đã lên đến vùng trời Buôn Ma Thuột, lại phải bay lòng vòng... 30 phút để tìm cơ hội hạ cánh nhưng vẫn bất thành. Chuyến bay buộc phải quay lại TP.HCM và hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16g20.

Máy bay lại tiếp nhiên liệu và toàn bộ hành khách vào nhà ga chờ đến 19g05. Cuối cùng máy bay buộc phải quay về Vinh và hạ cánh xuống sân bay lúc 20g05, nơi mà đúng 10 giờ trước hành khách từ Vinh đã cất cánh với hi vọng đến Buôn Ma Thuột.

Theo các phi công kỳ cựu, sân bay Tân Sơn Nhất cũng có những lúc bị mây mù bao phủ mà khi đó chỉ bằng kinh nghiệm của mình phi công mới có thể tìm được lỗ hổng mà chui xuống, còn không cứ phải bay lòng vòng chờ thời tiết tốt hơn.

Còn nhiều nữa những lý do mà các hãng hàng không buộc phải hoãn, hủy chuyến mà không thể trực tiếp báo cho hành khách như: có chuyến bay chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia thì toàn bộ các máy bay phải ngưng hoạt động cho đến khi máy bay nguyên thủ cất/hạ cánh an toàn. Lúc này nếu máy bay đang tiếp cận sân bay thì phải bay chờ hoặc đáp ở sân bay dự phòng.

“Nhưng điều quan trọng nhất là khi chậm, hủy chuyến các hãng hàng không phải đối thoại với hành khách, lắng nghe, chia sẻ nỗi bực dọc, khó khăn của họ và tìm một tiếng nói chung vì cả hai bên đều muốn có máy bay để bay” - nguyên tổng giám đốc JPA Lương Hoài Nam đúc kết.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp