27/05/2007 05:35 GMT+7

Kỳ cuối: Câu chuyện mùa đông

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TT - Thành phố Kalmar cổ kính, nhỏ bé, với 234.000 dân, nằm lặng lẽ bên bờ Baltic, phía đông nam Thụy Điển. Nơi đây có viện đào tạo báo chí nâng cao nổi tiếng thế giới mang tên Fojo mà nhiều nhà báo VN đã đến đây tập huấn, hội thảo thông qua các dự án của Tổ chức SIDA Thụy Điển.

lLChR6eb.jpgPhóng to

Nhiều người cao tuổi ở Thụy Điển làm bạn với những chú chó chung thủy để chung gánh cô đơn của đời người - Ảnh: D.Trường

TT - Thành phố Kalmar cổ kính, nhỏ bé, với 234.000 dân, nằm lặng lẽ bên bờ Baltic, phía đông nam Thụy Điển. Nơi đây có viện đào tạo báo chí nâng cao nổi tiếng thế giới mang tên Fojo mà nhiều nhà báo VN đã đến đây tập huấn, hội thảo thông qua các dự án của Tổ chức SIDA Thụy Điển.

Buổi sáng ở Kalmar

Khi chúng tôi đến Kalmar, thành phố đã vào xuân, nhưng bóng dáng mùa đông vẫn còn đọng lại chưa dứt. Trời vẫn xám gần như suốt ngày, cây vẫn khẳng khiu chưa có lấy một chiếc lá đầu mùa, nhiệt độ chỉ ở mức vài ba độ C. Cái lạnh như nghìn mũi kim châm xuyên qua hết mọi lớp áo quần, găng tay, khăn nón; và khi đã chạm đến da thịt thì lập tức lan ra bám chặt lên bề mặt, không chỗ nào có thể “thoát” được. Gió mạnh có thế đẩy lùi bước chân bạn, có thể ném bạn sang một bên đường và biến cái lạnh thành buốt giá. Sự tĩnh lặng trong lạnh giá chính là lời chào đón của Kalmar.

Ngày ở Kalmar bắt đầu bằng tiếng chim. Có tiếng hót như một điểm sáng nhấp nháy trên ngọn cây cao, có tiếng hót như vệt sáng chạy dài ra phía trời xa, lại có tiếng chim kêu như một vầng sáng hiện ra chói mắt rồi vụt tắt thật nhanh. Tiếng chim đánh thức con người, và làm vui, làm ấm hơn buổi sớm lạnh giá. Mỗi sáng, tôi thường chạy bộ men theo những con đường xuyên rừng và ven hồ quanh Fojo.

Những con đường này rất lạ, không đoán trước được, khó biết dẫn ta về đâu, giống hệt những con đường của các đôi tình nhân đang nắm tay nhau không rõ đi đâu, không cần đích đến, vì cái đích của họ đã nắm được trong tay: tình yêu! Trước tiên, chúng dắt ta qua một bên có bãi cỏ xanh với đàn chim bồ câu đang sà xuống chuyện trò, còn bên kia là một hồ nước mênh mông đón vài chú vịt trời đi tắm sớm. Rồi lại dắt ta qua những cánh rừng thưa trụi lá được trải bằng những thảm lá mục cuộn với cỏ úa và những quả thông đã lìa cành. Có khi đó là con đường mòn quanh co, có những đống củi chặt gọn xếp dọc hai bên.

Có khi là con đường nhựa cũ mèm nổi lên những rễ cây cổ thụ, nom như da mặt nhăn nheo của một mụ phù thủy già nua đã bị tước hết phép thuật. Có lúc lại dắt ta đi qua sân vận động của một trường trung học, có một sân cỏ lớn chứa nhiều khung thành, có thể tạo thành nhiều sân bóng đá khác nhau và có một khán đài làm bằng những tấm ván gỗ sẵn sàng nhảy nhót reo hò cùng bọn trẻ. Có lúc nó lại dẫn ta vào một góc phố với những ngôi nhà có hàng rào thẳng tắp, bao quanh một vườn cây và chiếc xe hơi đậu trong sân trống. Buổi sáng đầu xuân ở Kalmar trông như một bức tranh đẹp nhưng buồn, hầu như không có bóng dáng người. Mùa xuân đã buồn, vậy còn mùa đông?

Tắm mình trong lạnh giá thịt da ở Kalmar, tôi không thôi ám ảnh về một ghi nhận mà vị giáo sư David S. Landes về lịch sử và kinh tế của ĐH Harvard đã nêu trong cuốn sách Sự giàu và nghèo của các dân tộc - Vì sao một số nước giàu đến thế mà một số lại nghèo đến thế? (The wealth and poverty of nations - why some are so rich and some so poor?) từ năm 1998: “Trên tấm bản đồ thế giới minh họa số sản phẩm hay thu nhập tính theo đầu người, các nước giàu có luôn nằm trong các vùng ôn đới, đặc biệt là Bắc bán cầu”. Dĩ nhiên khí hậu và địa lý không phải là định mệnh của các quốc gia, nhưng thực tế của Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... khiến ta không khỏi có lúc tự hỏi rằng: cái lạnh của vùng đất vạn năm trước còn chìm sâu dưới năm cây số băng tuyết này đã góp công gì cho sự phồn vinh của Thụy Điển hôm nay?

Cái giá của mùa đông

AHGTEtcj.jpgPhóng to

Kristin đã có 23 năm làm việc ở Fojo. Ngoài 50 tuổi, Kristin sống một mình...Ảnh: D.Trường

Người tôi thường gặp đầu tiên mỗi sáng ở Kalmar là Kristin. Khoảng 7g là Kristin đã có mặt để lo bữa sáng cho nhóm học viên ký túc xá chúng tôi. Bữa sáng miễn phí có bánh mì, thịt nguội, phô mai, bơ, mứt, trứng, sữa, nước ép trái cây... Tóc màu hạt dẻ, mắt xanh, tuổi hơn 50, Kristin đã làm công việc này suốt 23 năm liền ở đây và hài lòng về nó.

Kristin có hai con trai, một đang học đại học và cùng sống ở Kalmar, một đã đi làm, đã có vợ và đang sống ở Malmo. Kristin hào hứng kể về hai đứa cháu nội dễ thương mà cứ vài ba tuần bà lại đánh xe về Malmo thăm chúng. Nhưng khi tôi dại dột hỏi thăm về người chồng thì Kristin không giấu được nỗi lòng: chồng bà đã mất vì bệnh ung thư vào năm 1999, lúc vừa 46 tuổi. Kristin kêu lên: “Tôi rất cô đơn!”. Tôi chắc là sẽ khó quên đôi mắt Kristin lúc ấy, trông buồn lắm, buồn như mùa đông ở đây.

Mùa đông Thụy Điển lạnh giá, tối tăm và ảm đạm. Gió lạnh, tuyết trắng xóa. Vùng núi phía bắc tuyết phủ đến tám tháng mỗi năm. Ở Stockholm, vào mùa đông chỉ có sáu giờ có ánh sáng, còn lại từ 3-4g chiều đến 8-9g sáng lúc nào trời cũng như ban đêm. Nỗi ám ảnh và sợ hãi về mùa đông in đậm từ trong thần thoại cho đến cuộc sống và tâm tính con người. Lại thêm cảnh đất rộng người thưa. Theo cách tính của nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, nếu chia 449.964km2 diện tích cả nước cho 9 triệu dân thì mỗi người Thụy Điển phải “gánh” đến hơn 5ha đất, mà là “đất lạnh”! Nên sự cô đơn càng thêm vây chặt con người. Đến nỗi nữ văn sĩ Sara Lidman (sinh ra và sống ở Missentrask, cách Stockholm 1.002km về phía bắc, trên miền Norrland lạnh lẽo và hẻo lánh) đã từng tâm sự: “Tôi thường sống ở quê nhà để sáng tác về quê hương mình. Tôi sống một mình, nhiều khi yên lặng quá. Mỗi phòng tôi phải để một cái đồng hồ. Tiếng tích tắc giữ tôi lại với thế giới thực. Nếu không, dễ bị mất trí lắm!”.

Theo thống kê ở Thụy Điển, mùa đông lạnh giá là mùa có nhiều người tìm đến với “người thầy thuốc sau cùng” nhất (tục ngữ Thụy Điển: “Cái chết là người thầy thuốc sau cùng”), nhất là những người già ở nhà dưỡng lão hoặc ở nhà mình mà có khác gì ở nhà dưỡng lão. Những lần lang thang, bắt gặp một cặp tình nhân tóc bạc da mồi đang âu yếm dìu nhau đi trên phố, lại đau đáu nghĩ đến một ngày có một người sẽ rời xa vĩnh viễn thì người bạn đời còn lại biết sống thế nào giữa những ngày đông lạnh giá? Lại càng thấy yêu biết bao nhiêu những chú chó đã chung thủy làm người bạn nhỏ mỗi ngày và một đời cùng có mặt trên đường đi để chung gánh cô đơn cho những đời người.

Tôi rời Kalmar sau một tuần học nghề, và lúc chia tay, tôi bỗng rùng mình khi nghĩ đến một ngày, lúc cậu con trai thứ hai của Kristin ra trường, lấy vợ, và chắc chắn sẽ ra ở riêng như mọi thanh niên khác, thì Kristin đáng yêu sẽ sống như thế nào qua những ngày mùa đông của cuộc đời phía bên kia đồi?

_____________________

Tại Iran - một “điểm nóng” trên chính trường thế giới hiện nay, người dân đang sinh sống ra sao? Khi lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Tehran, bạn sẽ bất ngờ bởi hàng loạt điều trái ngược với những gì đã từng được nghe trước khi đến đây. Đó là một thành phố sạch sẽ, phóng khoáng; một thành phố lao động bình dị; một thành phố rộng lớn với 14 triệu người, chủ yếu là giới trẻ...

Và còn điều gì nữa? Mời bạn đón đọc loạt bài khởi đăng số tới:

Iran - nhìn từ bên trong

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp