16/10/2019 20:38 GMT+7

Ký biên bản vi phạm xong, về nhà lấy dao đâm cảnh sát

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Việc kiểm soát nồng độ cồn và ma túy gặp nhiều khó khăn khi người vi phạm không hợp tác, chống đối. Có trường hợp ở Phú Thọ chấp hành ký biên bản vi phạm, sau đó về nhà lấy dao đâm cảnh sát.


Ký biên bản vi phạm xong, về nhà lấy dao đâm cảnh sát - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông kiểm tra ma túy với tài xế xe khách - Ảnh: TTO

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) quý 3 và triển khai nhiệm vụ quý 4-2019 của Ủy ban ATGT quốc gia vào chiều 16-10.

Theo ông Dũng, trong đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua, có tháng CSGT xử lý 12.030 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phát hiện 76 trường hợp dương tính với ma túy.

"Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và kiểm soát lái xe dùng ma túy góp phần kiềm chế tai nạn giao thông rất quan trọng. Tháng 9-2019 so với tháng 9-2018 số vụ tai nạn giảm 87 vụ (giảm 6%) giảm 83 người chết (giảm 12%) giảm 84 người bị thương (giảm 8%). Lần đầu tiên trong nhiều năm, giảm được số người chết vì tai nạn giao thông trên 5,6%.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết việc kiểm soát nồng độ cồn và ma túy gặp nhiều khó khăn khi người vi phạm không hợp tác, chống đối. Trong đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn với tài xế đã xảy ra 27 vụ chống người thi hành công vụ. "Có trường hợp chấp hành ký biên bản sau đó về nhà lấy dao đâm cảnh sát ở Phú Thọ. Sau khi khởi tố phát hiện những trường hợp này đều có tiền sử dùng ma túy" - ông Dũng thông tin.

Ông Dũng cho biết thêm có khó khăn trong xử lý tài xế dùng ma túy là nhiều trường hợp uống thuốc kháng sinh cũng xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Trường hợp này nếu CSGT ra lệnh tạm giữ xe thì sau này dễ dẫn đến tranh cãi, thắc mắc vì tài xế không dùng ma túy. Do vậy, Cục CSGT phối hợp các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và giải thích nếu tài xế có chất kích thích thì đương nhiên không được lái xe nữa.

"Chúng tôi tiếp tục tập trung cao độ vào xử lý nồng độ cồn và ma túy. Hai cái này nếu làm tốt thì giảm được tai nạn, mong được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các bộ ban ngành. Cán bộ đảng viên cần gương mẫu chấp hành, đặc biệt là với nồng độ cồn. Từ 1-1-2020 Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thì càng phải chấp hành hơn" - tướng Dũng đề nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết Bộ Công an sẽ có đợt cao điểm về trật tự ATGT nhắm tới một số vi phạm lặp đi lặp lại như: nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải, chở quá người, vi phạm về kiểm định, hoán đổi phương tiện giao thông, vi phạm giao thông về đường thủy…

Theo ông Ngọc, trong năm 2019 cơ quan chức năng đã xét xử trên 3.000 trường hợp gây tai nạn giao thông. Bộ Công an sẽ phối hợp ngành tư pháp chọn án điểm một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, những vụ tai nạn nhạy cảm do kỹ năng điều khiển phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu để xét xử. 

Bộ Công an đã giao Cục CSGT phối hợp với Cơ quan điều tra của Bộ Công an thụ lý, điều tra các vụ án tai nạn giao thông và sẽ đưa ra xét xử điểm các vụ mà dư luận quan tâm.

Về thực hiện các giải pháp ATGT mà Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị "cấp ủy, đảng viên cần gương mẫu trong thực hiện ATGT và có biện pháp xử lý cụ thể đối với trường hợp cấp ủy, đảng viên vi phạm ATGT".

Trong 9 tháng đầu năm 2019 lực lượng CSGT đã xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 1.939 tỉ đồng. Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về kiểm soát, xử lý tài xế sử dụng ma túy, rượu bia trong 9 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 78.117 lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 lái xe dương tính với ma túy.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp