Người dân được sử dụng xe buýt ngay trong khuôn viên Gelora Bung Karno - Ảnh: H.Đ.
Nhưng cho đến lúc này đã không còn chỉ trích nào nhắm vào nữa khi nhắc đến sự lãng phí. Truyền thông Indonesia đồng loạt tỏ ra hài lòng với tinh thần tiết kiệm, tận dụng tối đa mọi nguồn tài lực của ban tổ chức.
Trong cuộc họp báo với giới truyền thông các nước mới đây, phó chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á - ông Wei Jizhong cho biết ngay từ đầu, Ủy ban Olympic châu Á (OCA) và Chính phủ Indonesia đã tính đến việc tiết kiệm tối đa cho Asiad 2018.
"Indonesia gặp nhiều khó khăn khi đứng ra nhận đăng cai Asiad thay cho Việt Nam. Và họ phải tính đến việc tổ chức như thế nào để có lợi nhất cho người dân.
Điển hình như làng VĐV ở Kemayoran, những khu căn hộ của làng sẽ được bán cho người dân có thu nhập thấp. Nếu bạn bước chân vào đó, bạn sẽ thấy rằng các phòng ốc khá nhỏ, nó phù hợp với những người dân thu nhập thấp ở Jakarta" - ông Wei nói.
So với khu làng VĐV hoành tráng của Asiad 2014 tại Hàn Quốc, những gì tương tự ở Asiad 2018 tinh giản hơn nhiều. Việc xây dựng làng VĐV ở khu Kemayoran nằm ở phía bắc Jakarta từ đầu đã nằm trong tính toán của ban tổ chức. Chính quyền Jakarta muốn người dân của mình hưởng lợi từ Asiad và điều đó cho đến nay vẫn đang suôn sẻ.
Hệ thống xe buýt của Asiad cũng phục vụ tối đa người dân. Việc ban tổ chức trưng dụng cả xe buýt dành cho khán giả giúp họ tránh bớt tình trạng lãng phí khi các VĐV không sử dụng. Ở Asiad 2014, nhiều chuyến xe buýt vẫn phải khởi hành đúng giờ dù chỉ có 1-2 VĐV hoặc phóng viên sử dụng.
Còn tại Jakarta, người dân luôn lấp đầy những chuyến xe. Và ngay trong khu phức hợp thể thao Gelora Bung Karno rộng lớn, xe buýt vẫn di chuyển liên tục để đưa người hâm mộ đi từ nhà thi đấu này đến nhà thi đấu khác.
Quan trọng nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng. Khi Singapore tổ chức SEA Games 2015, họ mở ra một chuẩn mực cho các nước Đông Nam Á về cách thức tiết kiệm tối đa chuyện cơ sở hạ tầng khi sử dụng các trung tâm hội nghị, khu vực triển lãm quốc tế... để làm nhà thi đấu.
Người Indonesia gần như học theo Singapore hoàn toàn trong việc tận dụng này. Phần nhiều các khu vực khán đài là những hàng ghế xếp và có thể di dời sau khi kết thúc đại hội.
Khu thể thao chuyên nghiệp thực thụ của toàn bộ kỳ Asiad 2018 là Gelora Bung Karno thực ra cũng không xa rời người dân.
"Bạn có thể thấy đường đi trong Bung Karno rất rộng lớn và có nhiều cây xanh. Chúng tôi sẽ mở cửa cho người dân đến đây tập luyện mỗi ngày và có nhiều kế hoạch cho các học sinh đến đây vui chơi, tập luyện. Gelora Bung Karno không phải là một công trình chỉ phục vụ Asiad 2018" - ông Danny Buldansyah, trưởng ban truyền thông của Asiad 2018, cho biết.
Asiad của môi trường
"Khi kết thúc Asiad, chúng tôi sẽ thay thế xe buýt bằng xe điện trong Gelora Bung Karno để hạn chế tối đa ô nhiễm. Khẩu hiệu của Asiad 2018 là "năng lượng của châu Á", và chúng tôi muốn đó là một nguồn năng lượng sạch" - ông Buldansyah, trưởng ban truyền thông Asiad 2018, nói.
Đi kèm với tình trạng giao thông tắc nghẽn là bầu không khí bị đánh giá khá ô nhiễm của thủ đô Jakarta, tạo ra những vấn đề lớn cho ban tổ chức Asiad. Trước thềm Asiad 2018 một tháng, Jakarta nhận điểm số ô nhiễm là 170 (theo Air quality index) - tức ở mức tương đối ô nhiễm.
Suốt 3 tuần qua, các tình nguyện viên đã làm rất tốt công việc giữ gìn vệ sinh cho Asiad. Nếu một ai đó xả rác, chỉ 1 phút sau sẽ có người thu dọn ngay. Tuy Jakarta không thể trở nên trong lành chỉ sau vài ngày dọn dẹp nhưng chính quyền thành phố đã hỗ trợ 1.600 công nhân cho sự kiện thể thao của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận