04/09/2016 09:03 GMT+7

Kỳ Anh vào mùa khai giảng sau sự cố môi trường biển

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Đi qua những thôn xóm vùng biển Hà Tĩnh những ngày này, chúng tôi mới hiểu được mức ảnh hưởng sâu rộng của sự cố môi trường biển: lan đến cả những ngôi trường, phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo và cả ngày khai giảng.

Mùa khai giảng đến trong nỗi lo toan về cuộc sống khó khăn của ngư dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Nhưng nụ cười vẫn tươi rói trên gương mặt các em học sinh Trường tiểu học Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) khi được tặng quần áo mới, cặp và đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học 2016-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG
Mùa khai giảng đến trong nỗi lo toan của ngư dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Nhưng nụ cười vẫn tươi rói trên gương mặt các em học sinh Trường tiểu học Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) khi được tặng quần áo mới, cặp và đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học 2016-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng...”, tiếng nhạc, tiếng hát réo rắt vọng ra từ sân Trường tiểu học Kỳ Lợi (cơ sở Hải Phong), thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh như làm dịu đi cái nắng gay gắt khi chúng tôi vừa đi hết bức tường dài ngút ngát quanh Khu công nghiệp Formosa.

Trở lại trường sau hai năm gián đoạn

Trong sân trường, một nhóm em gái đang cùng cô giáo tập múa để biểu diễn, những nhóm khác chạy chơi trong sân trường, nhiều em đã xúng xính mặc bộ đồng phục mới mà nhóm chúng tôi vừa trao tặng hôm trước.

Đôi mắt nào cũng long lanh, lấp lánh khi gặp khách, nụ cười nào cũng bẽn lẽn, e ấp khi được hỏi, cô cậu bé nào cũng vui sướng gật đầu: “Đi học rồi, em vui lắm”.

Kể cả Chu Văn Bảo Long, cậu bé loắt choắt đã bị kíp nổ cướp mất bàn tay phải năm trước, năm nay cũng đã viết đẹp được bằng tay trái, đi xe đạp thành thạo để sẵn sàng đến trường.

Long líu ríu kể: “Em được nhà trường tặng sách giáo khoa từ đầu hè rồi, hôm qua được các cô tặng đồng phục, giày, cặp, vở, bút, thước... đầy đủ hết rồi”. Nhìn nụ cười của các em, tưởng như , về biển ô nhiễm, về nhà máy xả thải đã qua đi.

Thầy Hồ Quốc Chính - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Lợi, phụ trách hai điểm trường Hải Phong, Hải Thanh - thấm mồ hôi trên trán, kể chuyện: “Trường tiểu học Kỳ Lợi có năm cơ sở, cả dưới biển, cả trên núi, đi hết một vòng tròn là 80-90km. Năm nay, điều làm chúng tôi mừng hơn hết là 82 em ở xóm Đông Yên đã đi học trở lại sau hai năm gián đoạn. Trường đã liên hệ mượn cơ sở của Trường THCS Kỳ Lợi để mở năm lớp tiểu học cho các em còn ở lại xóm cũ Đông Yên”.

Hai năm qua, xóm Đông Yên có gần 200 hộ dân không đồng ý di dời đến khu vực tái định cư mới. Và thế là hơn 100 em học sinh cũng theo cha mẹ cất sách vở vì điểm trường đã được chuyển đi.

Chuyện các em bị thiệt thòi về học tập làm đau đầu người lớn và đau lòng nhất là các thầy cô giáo Trường Kỳ Lợi.

“Một ngày một em không đến trường thì chúng tôi không yên lòng được. Chúng tôi đã động viên nhau cố gắng sắp xếp, cân đối số lượng giáo viên để có thể mở thêm lớp. Chuyện các hộ dân và chính sách nhà nước thế nào, chờ đợi phương án giải quyết ra sao cũng không thể tiếp tục để các em bị ảnh hưởng việc học...”.

Thế là năm nay Trường Kỳ Lợi đã có thể hân hoan chờ đón ngày khai giảng, bất chấp những người lớn vẫn đang phải căng sức với chuyện biển, chuyện cá, chuyện việc làm, thu nhập...

Học sinh Trường tiểu học Kỳ Lợi, cơ sở Hải Phong (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tập văn nghệ cho ngày khai giảng năm học 2016-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG
Học sinh Trường tiểu học Kỳ Lợi, cơ sở Hải Phong (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tập văn nghệ cho ngày khai giảng năm học 2016-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Họp phụ huynh, bàn chuyện cá

Buổi họp phụ huynh trước khai giảng ở Trường tiểu học Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) có thể khiến người ta lầm tưởng như một buổi họp khu phố.

Dưới tán hai cây bàng, hơn 100 phụ nữ ngồi tụm trên những chiếc ghế gỗ học sinh, mặt quay về phía thầy hiệu trưởng Trần Minh Đức.

Không phổ biến nội quy trường học, không thông báo các khoản đóng góp, thầy Đức chỉ nhỏ giọng tâm tình: “Là thầy giáo, nhưng chúng tôi rất hiểu chuyện môi trường biển ô nhiễm đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của các gia đình chúng ta thời gian vừa qua. Tôi mong rằng những người làm cha, làm mẹ như chúng ta hãy đừng để những việc ấy của người lớn làm ảnh hưởng đến việc đi học của các em. Một em không được đến trường là một gia đình phải chịu thiệt hại kép. Nhà trường cũng như ủy ban xã đã kiến nghị lên tỉnh để xem xét miễn giảm học phí cho các em...”.

Như quên mất mình đang đối thoại với thầy hiệu trưởng, lần lượt từng phụ huynh đứng lên cầm micro kể về nỗi mất biển của gia đình mình, cũng là nỗi niềm của hàng ngàn gia đình xã Kỳ Hà: cá tôm đi lộng về không ai mua, muối trên đồng không bán được, cả hàng tạp hóa, hàng gạo cũng không ai lai vãng nữa.

Ông Hoàng Công Khanh, phó hội phụ huynh của trường, thở dài: “Nhà tôi có năm đứa con đi học: lớp 12, lớp 8, lớp 5, lớp 2, mẫu giáo, lại thêm một đứa sắp sinh. Mọi năm đâu cần ai nhắc, cứ hết hè là vợ chồng mua sắm cho con đầy đủ để đến trường. Ấy vậy mà năm nay khai giảng tới nơi vẫn chưa mua được đủ bộ sách...”. “Nhà tôi cũng bốn đứa”, “nhà tôi năm đứa” - nhiều bà mẹ khác lao xao...

Trong phòng hiệu trưởng, thầy Trần Minh Đức rầu rầu lật sổ: “Trường có cả thảy 703 học sinh. Ngày 28-8: 160 em đến lớp. Ngày 30-8: 128 em. Tôi đi dạy 13 năm, làm quản lý 12 năm, chưa khi nào gặp khó khăn như lúc này, mà khó khăn này lại ngoài tầm giải quyết của mình. Tôi hạ quyết tâm với giáo viên: dù chỉ có một em đi học, lớp vẫn duy trì bình thường. Tuy nhiên đó là sau ngày 5-9, còn những ngày này, việc chính của giáo viên là đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đến lớp”.

Các thầy cô giáo Trường Kỳ Hà rất bối rối, nhưng việc lát gạch mới cho sân trường vẫn đang được tiến hành gấp rút và chỉn chu, những buổi họp giáo viên vẫn đông đủ và đúng giờ. Dẫu thế nào, 5-9 vẫn là ngày khai giảng và các lớp học vẫn sẵn sàng đợi các em.

Bằng mọi cách đưa các em đến trường

Năm học mới này xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 1.500 học sinh, nhưng những ngày mở trường tập trung học sinh để chuẩn bị cho ngày khai giảng thì tỉ lệ học sinh đến trường thấp, như mầm non 50/300 cháu, tiểu học 173/694 học sinh...

Ông Lê Văn Luyện, chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, cho biết nguyên nhân của việc các em học sinh trên địa bàn chưa đến trường là do sự ngăn cấm của các bậc phụ huynh vì lý do bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển nên không có tiền, khi nào nhận được đền bù hỗ trợ mới để con em đến trường.

Ông Phan Duy Vĩnh - phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - cho hay trước sự việc người dân xã Kỳ Hà ngăn không cho con em đến trường, UBND thị xã đã phối hợp với địa phương, ngành giáo dục đến tận từng hộ gia đình vận động phụ huynh cho con em đến trường. “Dù khó khăn đến đâu thì bổn phận làm cha, làm mẹ phải tạo điều kiện cho con em đến trường. Có chính sách nào không đúng thì người dân cứ kiến nghị” - ông Vĩnh nói.

Theo ông Vĩnh, hiện thị xã Kỳ Anh đang bằng mọi cách vận động để năm học mới phải có 100% học sinh xã Kỳ Hà đến trường. Trong quá trình vận động, người dân hứa ngày khai giảng sẽ cho con em đến trường đầy đủ. (VĂN ĐỊNH)

 

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp