27/05/2013 06:20 GMT+7

Kỳ 2: Những cuộc giải cứu minh bạch

TRẦN VĂN THỦY
TRẦN VĂN THỦY

TT - Bỗng một hôm, ông Nguyễn Việt Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng), gọi điện đến hãng phim, yêu cầu mang phim Hà Nội trong mắt ai lên chiếu. Lãnh đạo hãng trả lời:

Kỳ 1:

tJWRutUn.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy (thứ ba từ trái sang) và các văn nghệ sĩ vào ngày 7-10-1987 - Ảnh tư liệu

- Ðã có lệnh của cấp trên là không được chiếu!

Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: Chiếu ngay lập tức cho nhân dân xem

Ngày 15-10-1983, Văn phòng lại gọi xuống, vẫn bị từ chối với lý do: “Phim đang được cắt ra để sửa”. Nhưng từ đầu dây bên kia, ông Dũng nói:

- Chúng tôi biết phim ấy có thể chiếu được hay không. Ðây là chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng!

Kế hoạch chiếu phim Hà Nội trong mắt ai cho Thủ tướng Phạm Văn Ðồng xem được ấn định lúc 3g chiều 18-10-1983. Tôi đề nghị được đi cùng, giám đốc Bùi Ðình Hạc từ chối:

- Ði sao được. Vào đấy phải qua “cổng đỏ”, người ta điểm danh!

- Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính tai của tôi xem ông Ðồng nói gì.

Thế nhưng ông Hạc không đồng ý.

Gần đến giờ hẹn, tôi lẻn lên “con” Lada trắng của giám đốc, ngồi sẵn ở ghế sau bên cạnh năm hộp phim. Ðến nước ấy thì ông Hạc đành chấp thuận. Tới nơi, bảo vệ từ chốt gác hỏi vọng ra:

- Xe nào đấy?

- Xe xưởng phim vào chiếu phim cho ông Ðồng xem!

Cái barie được kéo lên, vẫn cái giọng ấy vọng ra:

- Vào đi!

Tôi bảo ông Hạc:

- Ðấy, có kiểm tra giấy tờ, điểm danh gì đâu!

Tôi bê năm hộp phim vào phòng khách. Gần 30 phút sau Thủ tướng bước vào. Ông bực mình nói ngay:

- Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu khó quá thì tôi không phiền các đồng chí nữa.

Có ai tưởng tượng nổi không: Thủ tướng đã phải chờ ngót nửa tháng kể từ lúc yêu cầu xem bộ phim...

......

Khi hết phim đèn bật sáng, ông Ðồng vẫn ngồi lặng lẽ, đầu hơi cúi, tay đặt lên trán. Những người có mặt trong phòng cũng im lặng, nghe rõ tiếng quạt trần quay nhè nhẹ trên đầu.

Ông trầm ngâm hồi lâu và nói:

- Tôi không nghĩ sự thể lại quan trọng đến mức này. Ý kiến thứ nhất của tôi là: Nếu đã là anh em văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ nhau. Các anh mà không bênh vực nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi, anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện cái gì sai thì sửa!

Trước khi chúng tôi ra về, ông còn ân cần dặn riêng tôi nếu có chuyện gì không hay thì tìm mọi cách chủ động liên hệ với ông.

Không biết có phải vì bức xúc trước số phận của bộ phim và tình cảnh của tôi hay không mà tại buổi khai mạc Ðại hội điện ảnh toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Cung Thiếu nhi chỉ hai ngày sau khi xem phim Hà Nội trong mắt ai, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đến rất sớm và đã có bài phát biểu hơn một giờ đồng hồ trước hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc.

Ông nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: “Ðừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn...”.

Lại biến khỏi màn hình!

Không ai ngờ, chỉ vài ba tháng sau kể từ khi Thủ tướng Phạm Văn Ðồng can thiệp, Hà Nội trong mắt ai lại biến khỏi màn ảnh. Chỉ biết là không được chiếu, bị cấm. Cứ thế mà thi hành. Chẳng ai trả lời cho có đầu có đuôi, cho ra ngọn ra ngành.

Ðối với một tác phẩm hay tác giả, lệnh cấm có thể là một biên bản hội nghị hẳn hoi được truyền đạt nội bộ, hoặc có khi chỉ là một câu nhắn nhe, một cú phôn và thường là không thời hạn...

Giờ đây khi thì trả lời phỏng vấn, khi thì trên diễn đàn, tôi đã nói lời gan ruột: tôi chẳng hào hứng gì phải nhắc lại cái thời làm phim Hà Nội trong mắt ai, tôi cũng không muốn xem lại bộ phim và kể lại những chuyện lằng nhằng vinh nhục xảy ra sau đó nữa.

Bởi nhiều lẽ:

- Chuyện này ai cũng biết rồi, nói đi nói lại thành lắm lời.

- Ba mươi năm qua rồi, xem lại thấy ngượng về nghề, về thủ pháp, chẳng có ấn tượng gì đáng kể, chỉ là những cảnh đơn sơ lắp ghép lại, được dẫn dắt bởi lời bình mang tính ẩn dụ.

- Cuốn phim quay bằng phim nhựa ORWO color 35mm màu sắc phai nhạt, xước xát, chẳng còn một bản nào nghiêm chỉnh đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Phần kết phim đã bị sửa một cách ngớ ngẩn. Thời ấy trong một tình thế lúc nào cũng có thể bị bắt, tôi đã phải thêm vào một đoạn cuối cảnh quảng trường Ba Ðình vào những ngày lễ lạt. Toàn bộ đoạn ấy xuất hiện trong phim nằm ngoài ý muốn của tôi.

Tôi muốn nói thêm rằng bộ phim này nổi tiếng không phải vì thông tuệ hoặc hay ho tài giỏi gì mà vì nó gây ra sự tranh cãi ồn ĩ một thời gian dài. Người ta đã chen nhau xếp hàng mua vé đi xem chỉ vì nó... bị cấm, bị đưa lên thớt, bị quy thành vấn đề chính trị: chống Đảng, dạy Đảng cầm quyền, kêu gọi mọi người xuống đường, sau lưng đạo diễn là một lực lượng chính trị...

Chung quy nó nổi tiếng vì sự đa nghi thái quá, mẫn cán thái quá của một số người có chức quyền thời đó.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: Chỉ thế này thôi, tại sao lại cấm?

Thế rồi phải mấy năm sau, ngày 15-12-1986 Ðại hội VI khai mạc. Ông Nguyễn Văn Linh được bầu là tổng bí thư.

Ðây là một đại hội vô cùng quan trọng, nó quyết định cho sự đổi mới và đã nêu ra những khẩu hiệu:

“Nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”.

“Hãy cởi trói cho văn nghệ sĩ”.

“Văn nghệ sĩ hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.

“Ðừng bẻ cong ngòi bút, phải viết cái điều mình nghĩ”.

Có một nghị quyết vô cùng quan trọng đối với giới văn nghệ sĩ trí thức lúc đó là nghị quyết 05 của Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ với nội dung sửa đổi, chấn chỉnh lề lối, cách thức lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Tháng 5-1987 ông Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem phim Hà Nội trong mắt ai. Ông rất ngỡ ngàng vì những đồn thổi bấy lâu nay về bộ phim.

Ông thành thật hỏi chúng tôi:

- Bộ phim này nó chỉ có thế thôi à các anh?

- Vâng, bộ phim nó chỉ có thế thôi ạ!

- Nếu chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm? Hay vì trình độ có hạn mà tôi không hiểu được?

Câu nói giản dị ấy làm tôi xúc động và bị ám ảnh mãi tận sau này. Tiếp đó ông đã cho tổ chức chiếu lại Hà Nội trong mắt ai ở hội trường Nguyễn Cảnh Chân, mời những người có trọng trách, những người lãnh đạo văn hóa văn nghệ, phụ trách các hội văn học nghệ thuật đến xem và bỏ phiếu thuận hay chống.

Tất cả đã bỏ phiếu thuận. Có nghĩa là bộ phim sẽ được ra công chúng.

Ngày 26-9-1987, Văn phòng Trung ương đã ra văn bản yêu cầu Ban Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên huấn, Bộ Văn hóa công chiếu phim Hà Nội trong mắt ai.

Ngày 7 và 8-10-1987, ông Nguyễn Văn Linh tổ chức một cuộc họp với hơn 200 văn nghệ sĩ, trí thức lớn ở hội trường Nguyễn Cảnh Chân.

Mở đầu hội nghị, ông nói: “Các đồng chí, hôm nay mời các đồng chí đến đây để các đồng chí bộc bạch, kể cho nghe tất cả những quan tâm, những sự trăn trở trước đường lối, trước những cách thức đối với văn hóa văn nghệ để chúng ta có thể làm việc một cách tốt hơn với nhau. Tôi đến đây để nghe chứ không phải đến đây để nói...”.

Sau đó ông ngồi xuống và bắt đầu nghe mọi người nói. Thời kỳ đó còn có những cây đại thụ như Nguyễn Khắc Viện, Cù Huy Cận, Nguyễn Ðình Thi,... tất cả những văn nghệ sĩ trí thức lớn nhất của phía Bắc, các nhà nghiên cứu đều có mặt.

Buổi họp đầu tiên (7-10-1987) chuông reo, nghỉ giải lao, mọi người tản ra sân. Tôi đang nói chuyện với nhà văn Nguyễn Khải. Trong bộ phim Chuyện tử tế, tôi có dẫn những câu chữ của Nguyễn Khải nhưng tôi không nói hẳn ra là của ông. “Một nhà văn từng viết: con người là một sinh vật không bao giờ chịu sống thúc thủ, nó luôn muốn vươn tới cái tuyệt vời, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi không bao giờ đạt tới”. Thời gian đó Chuyện tử tế chưa được công chiếu, tôi mới chỉ thì thầm cảm ơn ông Nguyễn Khải.

Lưu Quang Vũ đến bên và nói: “Ông Nguyễn Văn Linh bảo mình gọi cậu ra nói chuyện một tí”.

Tôi ra gặp và chụp ảnh chung với ông Nguyễn Văn Linh, Trần Ðộ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Văn Hạnh... Ông Nguyễn Văn Linh nói với tôi:

- Ðến bây giờ tôi đã hiểu tại sao người ta cấm bộ phim ấy.

Có thể thấy việc này đã ám ảnh ông đến như thế nào (ông xem bộ phim này từ tháng 5-1987!).

Ông nói:

- Tôi đề nghị anh nên làm tập 2.

Nghe ông nói vậy, tôi đã nghĩ đến phải làm cái gì rồi.

Khi đó, bộ phim Chuyện tử tế đã làm xong cũng để đấy bởi vì bộ phim Hà Nội trong mắt ai vẫn bị cấm. Không có cách gì để quảng bá Chuyện tử tế hoặc mang bộ phim này ra để duyệt, để phát hành và công chiếu được. Chuyện đó là không tưởng. Còn bây giờ là thời cơ!

Tan họp, tôi về hãng phim gặp họa sĩ Trịnh Quang Vũ, nhờ anh viết thêm cho tôi chữ “Tập 2” dưới cái tên Chuyện tử tế, ngụ ý đây là tập 2 của Hà Nội trong mắt ai được làm theo ý của Tổng bí thư. Tôi rất biết làm thế là không phải với ông Nguyễn Văn Linh, nhưng tình thế buộc tôi phải hành xử như vậy. Tôi nghĩ việc cầm cân nảy mực quốc gia đại sự là việc của bề trên, còn việc làm phim như thế nào là bổn phận của chúng tôi. Như vậy là nhờ cái vía của ông Linh mà Chuyện tử tế ra đời, tồn tại và lang thang khắp nơi khắp chốn...

Oz8sKdxA.jpgPhóng to
Đại tướng Võ Nguyên GIáp (trái) trong một lần trao đổi với đạo diễn Trần Văn Thủy về phim Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế - Ảnh tư liệu

“Hồi Hà Nội trong mắt ai bị cấm, một lần sau khi chiếu phim cho gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xưởng phim tài liệu. Xem xong, đang ngồi uống trà thì mất điện, trời đã chạng vạng tối, đại tướng đứng với tôi rất lâu, ông hỏi: “Mất ngủ lắm hả?” rồi choàng tay ôm, vỗ vỗ vào lưng tôi và nói: “Cuộc sống là mẹ của chân lý”...”.

Một câu nói dễ hiểu và dễ trơn tuột đi với những người vô tâm hoặc nông cạn, nhưng chỉ có những người đã qua nhiều trải nghiệm trên đường đời mới hiểu được sâu sắc và càng trải nghiệm thì càng hiểu sâu sắc hơn. Hẳn là trong câu nói đó có cả trải nghiệm của chính vị tướng già sau bao năm chinh chiến.

Kỳ tới: Chuyện tử tế tìm người tử tế

TRẦN VĂN THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp