11/07/2013 09:01 GMT+7

Kỳ 1: Xóm "liều" dọc biên giới

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Biên giới Tây Nam ngày chính hạ nắng như đổ lửa, nhưng giữa trưa nắng cặp mé những tuyến kênh sát biên giới từ Tân Hưng qua Vĩnh Hưng (Long An) không khó để nhìn ra những bóng người khòm lưng, lầm lũi trở bề lục bình phơi nắng. Phía sau họ là dãy chòi rách nát, cao chưa quá đầu người được che bằng lá dừa, bạt nilông, tạm bợ và lam lũ... Đó chính là những xóm “liều” của Việt kiều từ Biển Hồ vừa trở về.

Biển Hồ - vùng sông nước nhiều tôm cá nhất Campuchia - từng là miền đất hứa với những Việt kiều tha hương. Nhưng nay sự hào sảng ấy không còn. Nhiều Việt kiều đang rời bỏ Biển Hồ chỉ với tay trắng và một thân phận không quốc tịch.

tllfcVRk.jpgPhóng to
Trẻ em Việt kiều Campuchia cũng là lao động chính với nghề bán vé số và phụ cha mẹ phơi lục bình - Ảnh: Sơn Lâm

Phận người không quốc tịch

Phải khom lưng hết cỡ chúng tôi mới bước vào được căn chòi rách nát của gia đình anh Nguyễn Văn Nghi ở xóm Việt kiều tại xã Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An). Cùng với 23 hộ Việt kiều xung quanh, gia đình anh Nghi từ Rạch Vừng, một cồn đất chơ vơ trên Biển Hồ ở huyện Kan Dieng, tỉnh Pursat (Campuchia), chống xuồng xuôi nước Mekong và neo lại ở con kênh biên giới này từ đầu năm 2012. Đón khách vào chòi, anh Nghi thiệt thà: “Cả đời tui sống trong mui ghe trên biển, khom lưng quen rồi nên cất chòi thấp vậy đó chú”.

Thấy khách lạ, cả xóm cùng kéo tới rôm rả hỏi thăm bằng thứ phương ngữ Nam bộ cũ kỹ mà có lẽ nhờ khu trú giữa lòng Biển Hồ biệt lập nên còn giữ được vẹn nguyên tới bây giờ. Nhưng câu chuyện làm quà hỏi thăm về quê quán đã bị khựng lại khi người già nhất trong xóm, bà Võ Thị Đẹp (77 tuổi), trả lời: “Quê trên biển (Biển Hồ) chớ đâu chú!”. Tưởng bà Đẹp chưa hiểu hết chúng tôi hỏi lại, nhưng rồi “quê trên biển!” vẫn là câu trả lời vì không mấy người còn biết quê hương là nơi nào ở VN. Có người may mắn chỉ nhớ được ông bà cố tổ xưa kia ở đâu đó Đồng Tháp, An Giang nhưng cũng chưa một lần biết quê quán xứ nào...

Nhưng câu chuyện quê quán ấy với những người Việt vừa trở về từ Biển Hồ dường như không phải là mối bận tâm lớn nhất. Chỉ ra bãi dây lục bình phơi đầy mé kênh, anh Nghi nói đó là kế sinh nhai của cả xóm suốt gần một tháng nay khi lúa đã qua mùa, không còn ai thuê cánh đàn ông vác mướn. Ôm bé Bình, đứa con gái út mới 5 tuổi vào lòng, anh Nghi thủ thỉ: “Nó giờ cũng là lao động chính trong nhà. Đám trẻ con 5-6 tuổi như nó trong xóm cỡ 5g sáng là cầm xấp vé số, đón xe buýt lên Mộc Hóa bán. Ngày cũng kiếm được hai, ba lít gạo”. Cả xóm có hơn 20 đứa trẻ tóc cháy khét lẹt như Bình là nguồn gạo cho những bữa cơm của mỗi nhà.

Ông Tô Văn Chảnh - chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, người dẫn chúng tôi vào xóm Việt kiều - nói 24 hộ dân với 131 người từ Biển Hồ trở về không ai có nổi mảnh giấy tờ lận lưng của VN hay Campuchia. Chỉ có sáu hộ đủ điều kiện tạm trú vì còn nhớ được gốc tích của mình để chính quyền xác minh. Còn lại đều không nhớ được quê quán vì đã là thế hệ thứ tư, thứ năm sinh ra trên Biển Hồ. Ông Chảnh cho biết trước đây bà con chỉ về lác đác, có gia đình về neo lại vài ba tháng rồi đi đâu không rõ. Nhưng từ mùa nước nổi năm ngoái thì Việt kiều từ Biển Hồ kéo về ngày mỗi đông, không chỉ ở Tuyên Bình mà ở cả các xã lân cận dọc các tuyến kênh biên giới.

5wLZy0KU.jpgPhóng to
Xóm Việt kiều với cư dân vừa từ Campuchia trở về nằm cặp theo bờ kênh biên giới tại xã Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An) - Ảnh: Sơn Lân

Tương lai bất định

Việt kiều trở về từ Biển Hồ đi theo nhiều ngả, nhưng lối rẽ xô họ đến bước đường phải trở về thì chỉ có một. Ông Đỗ Văn Thà (75 tuổi) đã gần trọn cuộc đời sống kiếp ngư dân ở Biển Hồ, vừa về ấp Hà Thanh, xã Hưng Hà (Tân Hưng, Long An) kể cá tôm Biển Hồ xưa mười phần nay còn chưa tới ba phần. Mỗi chiếc ghe giờ chỉ được dùng 100m lưới, có đêm chạy miết mà không đủ tiền dầu. Vân vê điếu thuốc rê, ông Thà trầm ngâm: “Nước Biển Hồ cạn kiệt tôm mà đất Biển Hồ cũng không còn rộng lượng, hào sảng như xưa...”. Nỗi trầm ngâm ấy của ông Thà cũng như hàng ngàn Việt kiều từ Biển Hồ trở về cứ như một dấu lặng không dễ nói hết. Một dấu lặng thôi thúc chúng tôi trở lại Biển Hồ để kể tiếp câu chuyện tha hương và rời bỏ Biển Hồ của người Việt với bạn đọc trong các kỳ sắp tới của hồ sơ.

Thân phận Việt kiều đói nghèo, trở về từ Biển Hồ ở Tuyên Bình không còn là cá biệt. Đại tá Phạm Đình Huấn, chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Long An, nói không chỉ đồn biên phòng Tuyên Bình mà đồn Bến Phố, đồn Sông Trăng dọc theo biên giới Vĩnh Hưng, Tân Hưng đều có lớp học tình thương dành cho các em nhỏ con em Việt kiều từ Biển Hồ trở về. Nhưng nỗ lực của các chiến sĩ biên phòng vẫn không đủ bao bọc hết thân phận những đứa trẻ. Đại úy Đỗ Văn Long - chính trị viên Đồn biên phòng Tuyên Bình - cho biết lớp tình thương đã nhận vào 21 học sinh (từ 7-14 tuổi) nhưng vẫn còn gần chừng ấy trẻ Việt kiều nữa ở xã Vĩnh Bình bên cạnh chưa có lớp mà đồn chưa dám nhận vì không đủ khả năng.

Càng gặp những người Việt trở về từ Biển Hồ, càng khó trả lời câu hỏi về tương lai của họ. Bởi ngay cả những Việt kiều đã về lâu năm như ở ấp Hà Thanh, xã Hưng Hà (Tân Hưng) cũng vẫn chỉ có tay trắng và những túp lều dột nát. Trung tá Cao Hữu Hiệp - trưởng Công an xã Hưng Hà - cho biết cả ấp Hà Thanh có 365 Việt kiều trở về đã trên dưới 10 năm nhưng vì không có giấy tờ, không tìm ra được quê quán nên đến giờ chỉ mới có bốn người đủ điều kiện nhập tịch. “Ở Tuyên Bình còn mở được lớp học tình thương, chứ ở đây hơn trăm trẻ, không làm sao mở lớp để dạy đủ cho tụi nhỏ” - trung tá Hiệp buồn bã so sánh.

Nỗi bi đát nhất của phận người cứ vây bọc từ trên mỗi nóc nhà, từ đầu xóm đến cuối xóm, của Việt kiều trở về từ Biển Hồ. Và có lẽ vì thế, dù đã trở về họ vẫn sống trong tâm thế phiêu dạt những ngày trên biển, như lời anh Nguyễn Văn Nghi ở Tuyên Bình: “Nghèo quá nên mình cất căn chòi rách, rồi mai mốt đất này hết kiếm nổi miếng cơm, có chống xuồng đi tiếp cũng đỡ nặng lòng!”.

Ông Dương Quốc Xuân - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết hiện trên địa bàn khu vực Tây Nam bộ có 2.644 hộ với 8.076 nhân khẩu người Việt trở về từ Campuchia, tập trung chủ yếu ở các tỉnh biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các hộ này tạm thời sinh sống ổn định.

Riêng tại Long An, ông Võ Minh Thành, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho biết thống kê mới nhất vào đầu năm 2013, có 413 trường hợp người Việt ở Campuchia mới trở về từ năm 2009. Và hiện vẫn chưa thống kê được số trẻ em sinh ra trong các xóm “liều” của Việt kiều về từ Biển Hồ.

_____________________

Chỉ với những chiếc xuồng mỏng manh, những gia đình Việt kiều đã liều mình vượt qua sóng gió Biển Hồ và hơn 300 cây số trên dòng Mekong về nước.

Kỳ tới: Bất trắc đường trở về

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp