22/02/2014 08:06 GMT+7

Kỳ 1: Phát hiện "kỳ lân châu Á"

 TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG
 TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG

TT - Sao la tưởng đã tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện trở lại. Loài thú có biệt danh “kỳ lân châu Á” này hiện sống và được bảo tồn ra sao?

Ngày 28-10-2013, tại hội thảo về động vật hoang dã thế giới tổ chức tại Geneve (Thụy Sĩ), trước hơn 100 nhà khoa học của hơn 50 quốc gia tham dự, tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - giám đốc Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam - công bố một tin chấn động: Việt Nam chính thức tìm thấy sao la qua bẫy ảnh tại vùng rừng sâu của tỉnh Quảng Nam.

hF8LcGgB.jpgPhóng to
Tấm ảnh chụp được loài sao la tưởng đã tuyệt chủng vẫn còn tồn tại ở Quảng Nam gây sức hút lớn với các nhà khoa học trên thế giới - Ảnh: wwf/Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cung cấp

Nghệ Tĩnh - nghetinhensis?

Ngay sau khi WWF công bố sự xuất hiện của sao la, hàng loạt các hãng thông tấn lớn trên thế giới theo dõi thông tin này.

Hãng AP đăng tải: “Đây là một phát hiện đáng kinh ngạc đem lại hi vọng phục hồi loài thú quý hiếm này trên thế giới. Tiến sĩ Thịnh nói với Hãng AP: “Lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Sao la được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một báu vật nên chúng tôi vô cùng hạnh phúc”.

Ông Đỗ Tước, chuyên gia của Viện điều tra quy hoạch rừng, người đầu tiên tại Việt Nam phát hiện loài sao la này, nhớ lại: khoảng tháng 5-1992, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN & PTNT) đã tổ chức một đoàn khảo sát tới huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) để nghiên cứu xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang khi đó mới được đề xuất (nay là Vườn quốc gia Vũ Quang).

Đoàn công tác gồm năm nhà khoa học Việt Nam và một nhà khoa học nước ngoài là John MacKinnon, người Anh, đến khảo sát.

“Một chiều cuối đông, cũng là ngày làm việc cuối cùng của chuyến đi ở một bản làng xa xôi thuộc xã Kim Quang, huyện Hương Sơn, tôi thấy một cặp sừng dài đóng trên cây cột tre giữa nhà một thợ săn. Cặp sừng có hình thái lạ: dài, khá thẳng và nhọn. Tôi trả 15.000 đồng và họ đồng ý bán. Tôi mang về. Đêm đó tôi và John MacKinnon gần như mất ngủ vì thấy cặp sừng. John sững sờ thốt lên: “Một giống thú quý, to lớn như thế này mà còn sót trong danh mục các loài thú trên Trái đất là sao?”.

Theo ông Đỗ Tước, nhận định ban đầu của các nhà khoa học cho thấy đây là sừng của một loài thú mới thuộc họ bò (Bovidae) chưa được khoa học biết đến. Và ngay lập tức chúng có một tên tạm là “dê sừng dài”.

Đầu năm 1993, nhiều cặp sừng của loài “dê sừng dài” tiếp tục được phát hiện ở huyện Con Cuông và huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Người dân ở đây gọi chúng là “sao la” vì sừng nó giống hai cọc đứng của bàn quay sợi mà tiếng Thái gọi là “sao la”.

“Kể từ khi phát hiện loài này, tôi xoắn tít lên vì sức quyến rũ kỳ diệu của nó. 28 tết, tôi phải bỏ việc nhà từ Hà Nội vào tận Nghệ An để mang một bộ lông thú đầy đủ của sao la về nghiên cứu. Lúc đó mọi thứ đã bắt đầu hé lộ nên thông tin về sao la càng phải giữ bí mật” - ông Tước nhớ lại.

Đến giữa năm 1993, trên tạp chí Nature số 363 (ngày 2-6-1993), các tác giả Vu Van Dung, Pham Mong Giao, Nguyen Ngoc Chinh, Do Tuoc, P. Arctander và John MacKinnon (Anh) đã chính thức công bố loài thú mới này.

Ông Đỗ Tước lý giải sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis. Theo các nhà khoa học, việc đặt tên loài mới theo tiếng Latin này phải gắn luôn địa danh nơi phát hiện loài đó.

Ở đây từ Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) được đánh dấu hẳn trong tên khoa học của loài sao la quý hiếm này là nghetinhensis.

Riêng cụm từ Pseudoxyt là tên gốc, được đặt tên theo giống một loài thú là con oxyt có nhiều nét tương đồng như sao la nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều, được tìm thấy ở vùng Trung Đông từ rất lâu.

“Linh hồn của dãy Trường Sơn”

Trong báo cáo của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đặng cho rằng việc phát hiện sao la là một sự kiện quan trọng trong lịch sử thú học thế giới vì trong suốt 100 năm gần đây chỉ có năm loài thú lớn được phát hiện.

Loài phát hiện cuối cùng là bò xám (bos sauveli) phát hiện ở Campuchia năm 1936 và được chính thức mô tả vào năm 1937.

Như vậy, sau 45 năm kể từ khi phát hiện loài thú lớn cuối cùng (bò xám), một loài thú lớn mới lại được phát hiện. Hơn nữa, loài thú này (sao la) lại được phát hiện tại một vùng tập trung đông dân cư, gần quốc lộ có mật độ xe qua lại cao và thuộc dải đất hẹp miền Trung thuộc dãy Trường Sơn, nơi đã chịu tác động của cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt, nên việc phát hiện này có tiếng vang lớn.

Thạc sĩ Từ Văn Khánh, trưởng phòng quản lý và bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, nói rằng người châu Âu đặt tên cho loài sao la là “kỳ lân châu Á” có nguyên nhân rất sâu xa.

Đây không phải là chuyện kỳ bí trong tiểu thuyết Mật mã Tây Tạng của tác giả Hà Mã với loài kỳ lân ở vùng Tây Tạng mà nhân vật chính Trác Mộc Cường Ba một đời đi tìm.

Thạc sĩ Khánh cho rằng việc đầu tiên phải kể đến bức tranh “Trinh nữ dịu dàng và trầm ngâm có sức mạnh thuần dưỡng kỳ lân” của Fresco, Domenico Zambieri trưng bày tại Palazzo Pernes, Rome (Ý).

Kỳ lân châu Âu trong tranh là một sinh vật huyền thoại, với hình dáng được biết đến như là con ngựa trắng có một sừng trên trán, hoặc có thể có hai cánh.

Tuy vậy, kỳ lân truyền thống còn có thêm chòm râu dê, đuôi sư tử, và bộ móng xẻ guốc của trâu bò. Điều này khiến nó khác biệt với con ngựa thường.

Với loài sao la vừa phát hiện, với đặc điểm hai sừng dài, cong vuốt thẳng theo thân, với chòm râu dê bên dưới, họ móng guốc, thân mình tương đồng một ít như loài dê núi, một ít của bò, và ngựa...

Từ những đặc điểm đó, đối chiếu với loài sao la, người châu Âu gọi sao la là “kỳ lân châu Á” vì những nét tương đồng của linh vật theo những gì trong truyền thuyết mà họ tưởng tượng là có cơ sở.

Cũng theo ông Khánh, việc sao la có tên kỳ lân châu Á vì sự khó tìm thấy và khó nhìn hay chụp ảnh được nó. Thường loài sao la chỉ sống ở rừng sâu, nơi con người khó tìm đến.

Sao la được những người kiểm lâm xem là “linh hồn của dãy Trường Sơn”, bởi nhờ có sao la mà hàng loạt dự án đổ về từ ngày phát hiện nó.

Từ đó, nhờ có Sao La, hàng loạt loài thú hoang dã quý hiếm trong sách đỏ cũng được bảo vệ nghiêm ngặt ở vùng rừng sâu Việt Nam.

XEj1EgDe.jpgPhóng to
Apphich bảo vệ sao la của khu bảo tồn sao la Quảng Nam

Sao la là loài thú có kích thước lớn (dài thân - đầu: 130-150cm, khối lượng thân tới 100kg). Lông màu nâu xám với các đốm trắng đặc trưng ở mắt, cằm, bàn chân và mông, sừng dài, nhọn, không phân nhánh và tương đối thẳng có cả ở đực và cái, tuyến trước ổ mắt (tuyến hàm trên) rất phát triển.

Phân tích tổng hợp các số liệu đo trực tiếp, ước tính qua quan sát từ các nguồn khác nhau có thể thấy số đo các kích thước cơ thể của sao la trưởng thành dao động như sau: dài thân 130-150cm, chiều cao vai 80- 90cm, chiều dài đuôi 12-23cm, chiều dài tai 10-13cm, khối lượng cơ thể 50-100kg.

Cả sao la đực và cái đều có hai sừng mảnh dẻ, màu đen, không phân nhánh hơi cong về phía sau. Mút sừng nhọn, nhẵn bóng. Bên trong sừng có lõi xương dài kéo tới mút sừng.

Từ số liệu đo 27 cặp sừng sao la ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam cho thấy sừng dài nhất thu được ở huyện Tây Giang, Quảng Nam có chiều dài tới 52,5cm và chu vi gốc 11,5cm.

_________________

Khi WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phát đi thông cáo phát hiện loài sao la ở khu vực biên giới Việt - Lào, chúng tôi cứ thắc mắc mãi là tại sao không có một địa điểm cụ thể nào trong rừng rộng hơn 16.000ha này.

Kỳ tới: Vào “tọa độ mật”

 TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp