Đội bóng chuyền nữ thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng - Ảnh tư liệu của Trần Ngọc Trác |
Ngày 29-3-1976, 125 thanh niên của Hà Nội đã tạm biệt thủ đô vào Tây nguyên để khai hoang mở đất lập khu kinh tế mới trên vùng rừng thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Trong hành trang của những người con Hà Nội ấy, không chỉ có cuốc xẻng, dao rựa mà còn có phong thái tự tin của người thủ đô với những tên phố ăn sâu trong tâm khảm.40 năm trước, ngay sau khi đất nước thống nhất, những đoàn người ở miền Bắc và duyên hải miền Trung kéo lên Tây nguyên lập nghiệp theo chương trình kinh tế mới. Những ruộng lúa nước theo kiểu miền xuôi được mở ra; những trang trại cà phê, cao su, hồ tiêu, dâu tằm... với kiểu canh tác hiện đại ra đời trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ và hoang sơ; cùng với những ngôi làng mới của người miền xuôi mọc lên trên khắp Tây nguyên.
Tây nguyên mà tưởng Từ Liêm, Ba Đình
Từ thành phố Đà Lạt theo tỉnh lộ 725, đi qua hết những trang trại hoa hồng và nho xanh ngoại ô Tà Nung sẽ gặp ngay cái tên mà thoạt nghe người ta liên tưởng ngay đến quê hương Hai Bà Trưng: xã Mê Linh. Ngôi đền thờ Hai Bà Trưng được xây dựng trên đồi thông gợi nhớ về đền thờ hai bà ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Thấy chúng tôi hứng thú khi bắt gặp hình ảnh Hà Nội giữa rừng thông của cao nguyên Lâm Viên, một cụ bà nói giọng Bắc ngọt ngào bảo: “Đây chỉ mới ngoại thành thôi, các chú đi hết xã này vào thị trấn, đó mới là thủ đô!”.
Ông Nguyễn Phương Hồ kể chuyện về hồ Hoàn Kiếm ở Nam Ban (sau lưng ông) như một hình ảnh của thủ đô trên cao - Ảnh: MINH TỰ |
Quả như lời bà cụ nói, chúng tôi tiếp tục đi thêm một đoạn thì bắt gặp các khu phố Đông Anh, Từ Liêm, chợ Thăng Long. Con đường mang tên Điện Biên Phủ dẫn chúng tôi đến khu phố Ba Đình - trung tâm thị trấn Nam Ban. Huyện lỵ của huyện Lâm Hà nằm ở thị trấn Đinh Văn, nhưng thủ phủ người Hà Nội ở Lâm Đồng chính là thị trấn Nam Ban này.
Chúng tôi chạy xe dạo quanh thị trấn và cảm giác như đang ở giữa thủ đô. Chỉ trừ cái tên Nam Ban có từ trước đó, các địa danh còn lại đều mang những cái tên của Hà Nội: Ba Đình, Đống Đa, Đông Anh, Từ Liêm, Thành Công... Và các tấm bảng hiệu rặt chất thủ đô: bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, miến ngan, quán ăn Ba Đình... “Đường vào phố núi quê em/ Tây nguyên mà tưởng Từ Liêm, Ba Đình”. Đó không chỉ là tâm trạng của nhà thơ Lam Hồng, mà là cảm nhận ngay từ phút đầu tiên của mọi du khách đến đây.
Cũng hồ Hoàn Kiếm như ngoài thủ đô
Trong một lần ra Hà Nội họp vào cuối năm 1975, ông Chế Đặng - chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Đức (sau đó nhập với tỉnh Lâm Đồng và Quảng Đức thành tỉnh Lâm Đồng) - nói với bác sĩ Trần Duy Hưng - chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Đất đai Tuyên Đức còn rất rộng, khí hậu mát mẻ, ôn hòa mà dân lại thưa. Có thể đưa dân Hà Nội vào làm ăn được chứ!”. Đầu năm 1976, một đoàn cán bộ khoa học của Hà Nội với hơn 30 người đã vào ngay Tuyên Đức để khảo sát. Và vùng đất bazan bằng phẳng hình như một chiếc mâm nằm phía hạ lưu suối Cam Ly có ngọn núi Voi che chắn đã lọt vào mắt những người Hà Nội. Chưa đầy ba tháng sau, ngày 29-3-1976, đoàn xe chở 125 thanh niên tiền trạm của huyện Gia Lâm, Hà Nội sau bảy ngày đêm hành quân đã đổ xuống nơi mà bây giờ là thị trấn Nam Ban. |
Chúng tôi đi tìm lão hưu trí Nguyễn Phương Hồ, một trong vài nhân chứng lịch sử của “Hà Nội trên cao nguyên”. “Theo đường Lê Trực đi vào khu phố Ba Đình 2, nhà ông Hồ nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm”. Lời hướng dẫn của nhà báo Trần Ngọc Trác - nguyên phụ trách đài truyền thanh của vùng kinh tế mới Hà Nội - nghe cứ như thể đang ở tại khu Ba Đình - thủ đô Hà Nội. Một hồ nước không lớn lắm, ở giữa có một hòn đảo y như hồ Hoàn Kiếm. Ông Hồ tươi cười đón chúng tôi và cho biết: “Thị trấn đang dự tính xây tháp rùa ở hòn đảo đó và kiến thiết cảnh quan, đường sá ven hồ giống như hồ Hoàn Kiếm ngoài thủ đô”. Hỏi ông ai đặt tên hồ mà hay vậy, ông trả lời cũng không rõ cụ thể ai đặt, nhưng cái tên này có ngay từ ngày mới vào đây, một người nào đó thốt lên giống hồ Hoàn Kiếm quá, vậy là ra đời cái tên ấy.
Ông Hồ cho hay Nam Ban nằm ở giữa là nơi ở của dân nội thành Hà Nội gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và người của huyện Từ Liêm. Phía bắc là xã Mê Linh của người huyện Mê Linh, phía nam là xã Gia Lâm của người huyện Gia Lâm, phía đông là Đông Thanh, tức huyện Đông Anh và Thanh Trì, phía tây là xã mới tách ra từ Nam Ban đặt tên là Nam Hà. Trên bản đồ huyện Lâm Hà còn có những cái tên mà chỉ nghe là biết ngay đất mới của người Hà Nội: xã Hoài Đức, xã Đan Phượng, xã Phúc Thọ và Tân Hà, tức Hà Nội mới. Ông Hồ cho biết những cái tên xã này do lãnh đạo thành phố bấy giờ đặt với tâm niệm: vùng kinh tế mới này là một phần máu thịt của thành phố Hà Nội.
Một lớp người “chiết xuất từ Hà Nội”
Ông Nguyễn Phương Hồ, năm nay 76 tuổi, trong đó có 40 năm gắn bó với vùng đất cao nguyên này. Ông Hồ sinh ra ngay tại phường Vạn Phúc, nay là phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Tháng 12-1976, anh bộ đội phục viên Nguyễn Phương Hồ đang công tác ở ban kinh tế quận Ba Đình được lệnh vào “chiến đấu” ở vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng, phụ trách đội sản xuất Ba Đình.
“Lúc đó, đi vào vùng kinh tế mới như là đi chiến đấu vì gian khổ và hiểm nguy không khác gì chiến trường - Ông Hồ nói - Rừng hoang vu bạt ngàn bốn phía. Ban ngày khai hoang mở đất dưới sự bảo vệ của công an vũ trang, bởi Fulro (lực lượng chống nhà nước mang tên Fulro) luôn rình rập tấn công. Mối đe dọa thứ hai là cọp dù chưa ai bị cọp vồ nhưng chết vì muỗi rừng gây sốt rét ác tính thì có cả dân lẫn cán bộ, công an, bộ đội”.
Ông Phan Hữu Giản là một trong số những người đầu tiên đặt chân đến đất này với nhiệm vụ bí thư Đoàn thanh niên vùng kinh tế mới Hà Nội. Ông Giản cho biết thanh niên tiền trạm vào trước mở đường, đốn cây và dựng tạm những chiếc lán bằng tranh nứa để đưa dân vào. Khởi đầu là bốn hộ dân huyện Từ Liêm, đến năm 1984 đã có 12.861 hộ dân Hà Nội có mặt ở vùng rừng núi này với hơn 21.500 nhân khẩu đủ cả nam phụ lão ấu. Tiếp đó, ban kinh tế mới quyết định mở tiếp vùng đất Lán Tranh bên kia sông Đạ Dâng vào năm 1977, tiếp tục đón thêm hàng ngàn hộ dân của các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức (Hà Tây mới sáp nhập Hà Nội) vào lập nghiệp.
Từ một vùng kinh tế mới của Hà Nội, đến tháng 10-1987 Chính phủ quyết định thành lập huyện mới với cái tên Lâm Hà, ghép từ hai địa danh Lâm Đồng - Hà Nội, đến nay là một trong những vùng trù phú, chuyên canh dâu tằm tơ lụa của Lâm Đồng. Ông Phan Hữu Giản làm bí thư huyện ủy đầu tiên của huyện mới này. “Sau 40 năm, những gì mà Lâm Hà có được hôm nay đã chứng minh cho sự đúng đắn của chủ trương đưa dân đi kinh tế mới ngày ấy” - ông Giản nói.
Nhà thơ Bằng Việt - nguyên chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Hà Nội - gọi những người đi mở đất lập nên phố phường Hà Nội trên Tây nguyên là: “Lớp người được chiết xuất ra từ thủ đô”. Nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì gọi đây là “huyện thứ 30 của thủ đô”.
"Làng Hà Nội" ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng - Ảnh: Minh Tự |
Đội máy cày khai hoang vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Nơi này bây giờ là thị trấn Nam Ban - Ảnh tư liệu của Trần Ngọc Trác |
Vùng kinh tế mới Hà Nội năm xưa giờ đã là thị trấn Nam Ban - Ảnh: MINH TỰ |
Kỳ tới: Làng Thái Bình dưới chân núi Chư Mom Ray
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận