Phóng to |
Con lạch sâu hơn 1m được người dân đào lấy nước ở hồ chứa Cà Tiên |
Hơn năm tháng trời không có một giọt mưa, ba hồ thủy lợi phục vụ tưới cho “vựa lúa” Đoàn Kết, thị xã Kontum với công suất thiết kế lên cả nghìn hecta thì hai hồ Cà Tiên và Tân Điền đã cạn khô nứt đáy, hồ Đak Tía chỉ còn khoảng 10% lượng nước theo thiết kế.
Tại đáy hồ Cà Tiên, người ta nghĩ ra “sáng kiến” đào dưới lòng hồ một con lạch sâu hơn 1m để tích nước phục vụ cho... bò uống, còn hồ Tân Điền thì dù có đào thêm hàng chục mét cũng chưa chắc đã gặp nước.Ở Đắc Hà, huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Kontum, nước đang là thứ trọng đại hơn bất cứ thứ gì. “Nước tưới cà phê”, đó là cụm từ được cư dân ở đây nhắc đi nhắc lại nhiều nhất. Tất cả khe suối, hồ thủy lợi loại nhỏ, đập bổi, đập tạm... đều cạn khô đáy, chỉ duy nhất công trình đại thủy nông Đắc Uy là còn khả năng cung cấp nước tưới nhưngcũng đang được tính từng ngày. Một vị lãnh đạo huyện thở dài: “Tình trạng này chắc phải cắt nguồn nước tưới của mấy trăm hecta lúa ở cuối nguồn để tập trung cứu cà phê thôi”. Toàn bộ các địa phương trong tỉnh đang phải gồng mình chịu hạn. Ngay cả Kon Plông, huyện duy nhất thuộc vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kontum, từ trước đến nay chưa biết chuyện hạn hán thì nay cũng có hàng trăm hecta cây trồng bị mất trắng do hạn hán.
Những loại cây giỏi chịu hạn như cao su, bời lời, điều... nay cũng đang chết đứng hàng loạt. Năm 2004 huyện Đắc Tô trồng mới hơn 500ha cao su tiểu điền, đến nay hơn 300ha đã bị chết đại trà. Hàng nghìn hecta bời lời trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng ngắc ngoải. "Bằng mọi giá phải chống hạn để an dân”, đó là thông điệp được lãnh đạo tỉnh Kontum đưa ra. Để có kinh phí chống hạn khẩn cấp, tỉnh Kontum đã chỉ đạo dùng nguồn vốn trợ cấp giống ngô lai cho người dân (60 triệu đồng/ huyện, thị xã) chuyển sang chống hạn. Đây có thể coi là giải pháp tình thế, kiểu giật gấu vá vai trong thời gian tìm nguồn kinh phí.
Chính phủ đã chi chống hạn khẩn cấp cho tỉnh Kontum 5 tỉ đồng. Trong lúc chờ kinh phí từ trung ương về, UBND tỉnh Kontum quyết định ứng trước ngân sách 2,2 tỉ đồng để chống hạn. Số tiền này sẽ được hỗ trợ mua máy bơm, xăng dầu, vật tư, đào giếng và hỗ trợ giống để người dân chống hạn.
Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là làm thế nào để tìm được nguồn nước để bơm, còn đào giếng thì tại nhiều địa phương vẫn chưa tìm được. Dù đã họp bàn nhiều nhưng đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp hiệu quả cho việc chống hạn. Trở lại cánh đồng xã Đoàn Kết, thị xã Kontum, người ta từng thực hiện ồ ạt việc đào giếng (có hỗ trợ của Nhà nước) theo sáng kiến của ông Nguyễn Đình Giáp, phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Kontum, nhưng sáng kiến đó lập tức bị phá sản vì nếu không gặp đá dàn thì cũng bị sụt đất, hoặc nước không đủ tưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận