Trực thăng đoàn làm phim Kong Skull Island quay tại Tràng An. -Ảnh cắt từ clip tư liệu. |
Titan, King Kong 2, đoàn phim Kong - các tên gọi của một đoàn phim lớn đến từ Hollywood với các diễn viên nổi tiếng như "Loki" Tom Hiddleston hay diễn viên Brie Larson vừa thắng giải Oscar... có thể coi là mối quan tâm lớn không chỉ riêng lĩnh vực điện ảnh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, thậm chí cả kinh tế.
Ừ thì lâu lắm rồi, từ thuở Người Mỹ trầm lặng, đến tận giờ mới được đón một đoàn phim Hollywood hoành tráng đến Việt Nam để quay phim, thế nên sự hứng khởi bất tận của truyền thông cũng là điều không khó hiểu.
Để đáp lễ, đoàn phim cũng lịch duyệt không kém khi tổ chức hẳn một cuộc họp báo dành riêng cho truyền thông Việt, hào hứng vẫy chào người hâm mộ khi bị phát giác ở sân bay, tận tình chia sẻ những bức hình về Việt Nam, ở Việt Nam của họ lên các trang xã hội Facebook, Instagram, Twitter...
Nhưng giá mà mọi chuyện dừng ở đó thì có lẽ cả hai bên (đoàn phim và truyền thông Việt) đã hoan hỉ “say hi” (chào gặp mặt) và “say goodbye” (tạm biệt).
Tiếc thay, khi đoàn phim danh tiếng này chưa kịp quay những cảnh cuối cùng ở Việt Nam thì tuần qua truyền thông Việt ngỡ ngàng nhận được một bức tâm thư gửi báo giới phát đi từ nhà phát hành CGV - đơn vị được đại diện phát ngôn của Kong: Skull island ở Việt Nam.
Ngoài những lời cảm ơn đầy xã giao, mục đích của bức tâm thư tập trung vào các vấn đề chính: “Chúng tôi không phải là đoàn phim King Kong 2, mà chúng tôi là Kong: Skull island - mong các bạn nhớ tên này, chỉnh sửa lại tên phim cho đúng để tránh những nhầm lẫn cho khán giả về sau.
Chúng tôi bị ảnh hưởng tâm lý vì một số báo liên tục ra tin bài công bố những thông tin di chuyển, địa điểm, lịch quay... của đoàn phim, điều này gây ảnh hưởng đến sự riêng tư và năng suất làm việc của đoàn.
Các hình ảnh không chính thức sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm xem phim, do đó kính mong quý vị cùng hợp tác không đăng tải các hình ảnh không chính thức của trường quay...”.
Đạo diễn Jordan Vogt Robert chụp ảnh người dân Quảng Bình xem đoàn làm phim quay. -Ảnh: Instagrams/voteroberts |
Bức tâm thư đương nhiên được gửi đến tất cả các báo. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi mà vì lịch sự, đoàn phim “khuyến cáo” nhẹ nhàng.
Phần chìm của những lý do “giọt nước tràn ly” để bức tâm thư được phát ra, theo một số thông tin nội bộ, là bởi đã có tờ báo điện tử bằng cách nào đó liên lạc được với khách sạn nơi đoàn phim chuẩn bị đến lưu trú để rồi chụp cả ảnh hộ chiếu của diễn viên với tên “hóa ra lại khác với nghệ danh mà khán giả đang gọi”.
Có báo được mời tham dự một buổi gặp đoàn phim cùng đoàn nhà báo châu Á trong khuôn khổ bí mật, yêu cầu ký bảo mật thông tin cho đến khi được phép công bố nhưng lại nôn nóng công bố luôn!...
Kong: Skull island là một phim phiêu lưu hành động, nghĩa là sau khi ghi hình ở trường quay, phần hậu kỳ sẽ vô cùng quan trọng để những kỹ xảo từ máy tính mới mang lại hiệu ứng cuối cùng đầy “fantasy” (kỳ ảo) cho khán giả xem phim.
Thế nên những hình ảnh chụp “trộm” bối cảnh dàn dựng, diễn viên hóa trang và thậm chí là một cảnh quay với đầy đủ diễn viên trong phim hay một bài báo tiết lộ cụ thể trường đoạn phim quay ở bối cảnh A hay B sẽ có nội dung gì... đương nhiên là điều quá đau đầu với êkip.
Có thời gian học và sinh sống tại nước ngoài, một nhà làm phim cho rằng cái chuyện báo chí tò mò tìm mọi cách để moi bằng được chuyện hậu trường của giới làm phim hay những bộ phim đã, đang và sắp quay thì ở đâu cũng có.
Nhưng việc ào ạt các báo cùng “tấn công” đoàn phim như cách vừa qua với Kong: Skull island ở Việt Nam thì đúng là hiếm gặp!
Đúng là công chúng, cả Tây và ta, luôn hiếu kỳ với những thông tin bên lề kiểu vậy. Chỉ có điều ở Việt Nam, vốn dĩ đã khó khăn chúng ta mới có cơ hội đón một đoàn phim Hollywood hoành tráng, vừa mới khấp khởi chờ đợi hiệu ứng đến với du lịch nước nhà khi họ dời đi thì đã làm cho họ hoảng sợ bởi sự tọc mạch, hào hứng quá đà khi đưa thông tin của truyền thông.
Sự có mặt của Brie Larson (vừa đoạt Oscar cho vai diễn chính của phim Room) trong những cảnh quay mà Kong: Skull Island thực hiện ở VN càng khiến cho truyền thông Việt như lên cơn sốt... Ảnh: Reuters. |
Quan hệ giữa giới làm phim và báo chí vốn là quan hệ hai chiều. Một bên có thông tin và một bên cần thông tin. Một đằng có khán giả và một đằng có độc giả. Khó nói bên nào “cần” bên nào hơn. Nhưng những sự cố mà truyền thông Việt gây ra với đoàn phim Kong: Skull island (mà theo tin bên lề thì hãng sản xuất phim này thậm chí đã yêu cầu nhà phát hành tại Việt Nam chấm dứt mọi cộng tác với một tờ báo lớn đã vi phạm cam kết về bảo mật thông tin với đoàn phim) nếu chúng ta không kiềm chế, rất có thể Việt Nam sẽ khó là điểm đến quay phim đầy cảm hứng của các đoàn phim nước ngoài như chúng ta đang kỳ vọng. Thay vào đó là sự cảnh giác và nghi ngại quả thật là đáng tiếc! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận