28/10/2021 10:29 GMT+7

Koeman và những bài học nhớ đời

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Ronald Koeman không hẳn là một HLV kém cỏi, nhưng ông để lại rất nhiều bài học về những quyết định sai lầm trong sự nghiệp cầm quân.

Koeman và những bài học nhớ đời - Ảnh 1.

Koeman bị CĐV Barca căm ghét từ những ngày đầu tiên - Ảnh: AFP

Trước khi đến Camp Nou, Koeman đã xây dựng được rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong làng bóng đá ở khả năng dẫn dắt của mình. Đó là hình mẫu một chiến lược gia thận trọng, trầm ổn, biết cân bằng giữa tấn công và phòng ngự trong lối chơi.

Lần lượt, Koeman đã gặt hái nhiều thành tích khi dẫn dắt các CLB Ajax, Southampton, Everton rồi đến tuyển Hà Lan. Nhưng tất cả những ấn tượng tốt đẹp đó đã mất sạch chỉ sau vài tháng đầu tiên làm việc ở Barca.

1. Đừng bỏ dở công việc đang làm tốt

Không có gì sai khi bạn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn. Hầu hết các HLV trên thế giới đều không thể cưỡng lại trước một lời mời hấp dẫn đến từ CLB vĩ đại như Barca. Nhưng Koeman ở trong một hoàn cảnh khác.

Tháng 2-2018, cựu danh thủ của Barca ngồi vào ghế HLV trưởng tuyển Hà Lan với trọng trách vực dậy "cơn lốc màu da cam" sau khoảng thời gian dài sa sút (vắng mặt ở Euro 2016 lẫn World Cup 2018). Và Koeman đã làm rất tốt công việc của mình.

Dưới thời Koeman, Hà Lan có tỉ lệ thắng 55%, dễ dàng giành vé dự VCK Euro 2020 và lọt vào đến chung kết UEFA Nations League. Koeman thậm chí còn may mắn khi hưởng quả ngọt từ một lứa cầu thủ tài năng trẻ của Hà Lan do Ajax ươm mầm.

Nhưng đến tháng 8-2020, Koeman đột ngột rời tuyển Hà Lan để chạy theo tiếng gọi của Barca. Ít ai trách được Koeman. Dù vậy, trong những lần trả lời phỏng vấn sau này, Van Dijk và Wijnaldum đều tỏ giọng điệu oán thán về việc họ mất vị HLV trưởng thân thuộc khi Euro 2020 chưa bắt đầu (được dời sang 2021).

Mọi chuyện sẽ mỹ mãn hơn với Koeman nếu ông kiên nhẫn chờ thêm một năm nữa để dẫn dắt Hà Lan dự VCK Euro - giải đấu mà "cơn lốc da cam" đã kiên nhẫn chờ đợi, chuẩn bị rất nhiều hơn 6 năm trời.

Việc Koeman "đem con bỏ chợ" trở thành lý do chính khiến Hà Lan bị loại sớm tại Euro 2020 trong tay một HLV kém cỏi hơn nhiều là Frank De Boer.

Nếu thành công cùng Hà Lan ở Euro 2020, Koeman chắc chắn sẽ càng được nhiều CLB lớn trải thảm đỏ mời về sau đó. Nhưng rồi quyết định bỏ dở công việc đang tiến triển của Koeman đã khiến tuyển Hà Lan lẫn chính ông lâm vào tình cảnh bi đát.

2. Đừng cư xử cạn tàu ráo máng

Khi Koeman đến Camp Nou, hầu hết các "culé" đều háo hức. Khi đó, Koeman mang vầng hào quang của một chiến lược gia tài ba, một cựu danh thủ của đội bóng, một môn đệ của "thánh Johan"…

Nhưng chỉ sau vài ngày, mọi ấn tượng tốt sụp đổ sau cú điện thoại lịch sử với Luis Suarez. Chiến lược gia 58 tuổi gọi cho tiền đạo Uruguay để thông báo không cần đến anh nữa.

Sự ra đi trong tức tưởi của Suarez là điểm khởi đầu cho mọi dông bão ở sân Camp Nou suốt một năm qua. Koeman có thể không liên quan đến những bất ổn ở thượng tầng của đội bóng, nhưng ông đã góp một tay phá nát bầu không khí trong phòng thay đồ của các cầu thủ.

Koeman và những bài học nhớ đời - Ảnh 2.

Suarez và hành động ăn mừng mỉa mai Koeman khi ghi bàn vào lưới Barca ở mùa này - Ảnh: METRO

Việc người bạn thân rời khỏi Camp Nou chỉ càng khiến Messi thêm bất mãn với Barca. Và không chỉ có anh, Suarez từ lâu đã là một phần xương thịt của đội bóng xứ Catalunya.

Cả những CĐV cũng đứng về phía anh để chỉ trích Koeman. Sau sự việc của Suarez, Koeman không còn là người được yêu mến tại Camp Nou nữa.

Đó là chưa kể, việc bán Suarez cho Atletico chẳng khác gì "nối giáo cho giặc". Anh ghi 21 bàn ngay trong mùa đầu tiên tại Wanda Metropolitano để giúp đội bóng thành Madrid vô địch La Liga. Một cái tát thẳng vào mặt Koeman. Một bài học nhớ đời về cách dùng người cho Koeman.

3. Đừng quá tin lời… lãnh đạo

Dù Koeman sai lầm rất nhiều trong hơn 1 năm làm việc, nhưng nói cho cùng, ông cũng chỉ là một nạn nhân giữa những vòng xoáy đấu đá tại Camp Nou.

Thuở mới về, Koeman được xem là cánh tay phải của cựu chủ tịch Josep Bartomeu, trở thành phương tiện trong việc "thanh trừng" phe nhóm của Messi. Cú điện thoại cho Suarez là một ví dụ.

Koeman và những bài học nhớ đời - Ảnh 3.

Chủ tịch Laporta (giữa) ban đầu tỏ ra thân thiết, trước khi trở mặt với Koeman - Ảnh: REUTERS

Nhưng sau đó không lâu, chính Koeman bất mãn với Bartomeu vì cho rằng không nhận được sự hậu thuẫn của ban lãnh đạo. Điều này khiến ông phải đứng mũi chịu sào trong nhiều vấn đề của đội bóng, và không được bổ sung nhân sự như ý muốn.

Khi Laporta lên nắm quyền, Koeman tiếp tục nhận được những lời hứa hẹn. Nhưng rồi đổi lại vẫn chỉ là thái độ thờ ơ. Chiến lược gia người Hà Lan hầu như không có tiếng nói gì trên thị trường chuyển nhượng.

Ban lãnh đạo Barca hầu như không mang được những cầu thủ mà Koeman thích về Camp Nou, chẳng hạn như Wijnaldum - người đã "lật kèo" phút chót để sang PSG. Thay vào đó, họ đánh mất Messi, đẩy đi cả Emerson Royal và Griezmann để cân bằng tài chính. Hầu như chẳng ai hỏi ý kiến Koeman trong những thương vụ đó.

Một tháng trước, người đại diện của Koeman lên truyền thông tố Joan Laporta là kẻ đạo đức giả. Đó được xem là dấu chấm hết cho hơn một năm trời làm việc đầy tủi nhục của Koeman tại Camp Nou.

Hiếm có một HLV nào bị xem là kẻ thất bại từ những ngày đầu làm việc cho đến khi bị sa thải như Koeman.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp