Tín hiệu rõ rệt là sự hồi phục trong thời gian gần đây của các thị trường chứng khoán với chỉ số chứng khoán Djakarta của Indonesia tăng 70% và VN-Index của Việt Nam tăng 80% so với điểm đáy vào đầu năm 2009. Bài báo cho rằng đó là bằng chứng về sức mạnh đáng ngạc nhiên của 10 quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.
Những điểm sáng
Phóng to |
Ảnh minh họa |
Những số liệu về đầu tư nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2009 tại Việt Nam cho thấy nền kinh tế chúng ta vẫn còn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế, khi mà ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu đã làm họ phải thận trọng nhiều hơn trong các quyết định đầu tư với một nguồn vốn khả dụng thấp hơn trước khủng hoảng rất nhiều do sự sụp đổ của khá nhiều các tập đoàn tài chính lớn và các quỹ đầu tư rủi ro (hedge funds).
Tháng 5 vừa qua, General Electric đã động thổ dự án đầu tiên ở Việt Nam, tại Hải Phòng, một nhà máy trị giá 61 triệu USD sản xuất xuất khẩu máy phát điện chạy bằng turbin gió. Samsung Electronics cũng đã khởi động nhà máy sản xuất điện thoại di động trị giá 50 triệu USD tại Hà Nội vào tháng 4/2009, và Canon sẽ xây dựng tại ngoại ô Hà Nội một nhà máy sản xuất xuất khẩu máy in laser trị giá 100 triệu USD, lớn hơn bất kỳ nhà máy nào tương tự của Canon trên toàn cầu.
Trong khi đó Jabil Circuit cũng đã khởi công nhà máy trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Công nghệ cao của TP.HCM. Cũng tại đây, nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Intel sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2010, với mục tiêu sản xuất và xuất khẩu hàng trăm triệu con chip mỗi năm. Ông Rick Howarth, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, phát biểu: “Cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể làm nản lòng mong muốn đầu tư của các công ty, nhưng họ bắt buộc phải xem xét các thị trường mới để phát triển”. Việt Nam có vẻ là một thị trường mới đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Trong khi ngành ngoại thương toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng (WTO dự báo một sự sụt giảm từ 9% đến 10%), xuất nhập khẩu của Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nhưng không quá lớn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 đã tăng đến 10%, nông phẩm và thủy hải sản của Việt Nam vẫn được chào đón trên các thị trường và cho thấy có tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ, tuy có lúc có nơi phải vượt qua hàng rào thuế chống bán phá giá được dựng lên một cách bất công, như trường hợp Mỹ đối với cá basa của Việt Nam.
Dầu thô và các loại khoáng sản khác vẫn duy trì được mức kim ngạch tuy giá giảm (giá dầu thô đang tăng trong những ngày gần đây) và người ta hy vọng ngành dệt may, da giày của Việt Nam sẽ lấy lại nhịp độ tăng trưởng kỳ vọng của chúng khi sức mua tại các thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu hồi phục trong vòng vài tháng tới. Bộ Công Thương hy vọng xuất khẩu có khả năng tăng 3% trong năm 2009 để có thể đạt mục tiêu kềm giữ mức khiếm hụt ngoại thương trong khoảng 10-12 tỉ USD, giảm 30% so với năm 2008.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 4,5% trong năm 2009, tuy giảm gần một nửa so với năm 2007 (8,5%) nhưng là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN. Chính phủ cũng đang triển khai các chương trình kích cầu mà tổng cộng lên đến gần 8 tỉ USD, chiếm tỷ lệ 12% GDP.
Các chương trình này, bao gồm việc hỗ trợ chi phí lãi suất cho các doanh nghiệp, miễn giảm, giãn một số loại thuế và kéo dài thời gian nộp thuế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, trợ cấp thất nghiệp, hạ lãi suất cơ bản nhằm mở rộng tín dụng… cho thấy các hiệu ứng nhất định của chúng trong việc duy trì hoạt động sản xuất và trao đổi thương mại của các khu vực kinh tế, làm giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp bằng cách tạo thêm công ăn việc làm, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng và giữ vững sức mua trong nền kinh tế.
Với những dấu hiệu tích cực như thế, liệu nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được một cách an toàn những hậu quả khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để bước vào một giai đoạn tăng trưởng hậu khủng hoảng, khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục vào năm tới?
Không chỉ màu hồng
Tuy nhiên bức tranh kinh tế của Việt Nam không phải chỉ toàn màu hồng. Vào đầu tháng 6-2009, cả hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều đưa ra những khuyến cáo đáng lưu ý về các biện pháp kinh tế vĩ mô của Việt Nam. IMF lo ngại rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tái lạm phát.
Trong khi đó, World Bank cảnh báo về tình trạng khiếm hụt ngân sách lớn (10% GDP) sẽ khiến cho việc sung dụng tài nguyên quốc gia giảm hiệu quả: đầu tư tư nhân sụt giảm dẫn đến sự suy giảm khả năng hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia sau khủng hoảng.
Cả hai biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy mạnh các chương trình kích thích kinh tế bằng thâm hụt ngân sách và vay mượn khu vực tư (phát hành trái phiếu) sẽ có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ và cuối cùng là việc quay trở lại với mức lãi suất cao. Điều này giống như một vòng lẩn quẩn: bắt đầu bởi lạm phát và chống lạm phát, sau đó là nới lỏng tiền tệ và chống suy thoái và cuối cùng lại quay trở lại lạm phát và chống lạm phát.
Mặt khác, tình trạng khiếm hụt ngoại thương tuy đã giảm so với năm 2008, nhưng vẫn còn ở mức cao có thể tác động đến sự ổn định tỷ giá. Mặc dù chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn nhằm mục tiêu ổn định một cách linh hoạt, tuy nhiên, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng có một nguyên tắc về bộ ba bất khả thi (impossible trinity) theo đó chúng ta không thể đạt cùng lúc ba mục tiêu là vừa ổn định tỷ giá, vừa có thể tự quyết định độc lập chính sách tiền tệ và vừa có thể cho phép một sự tự do chuyển dịch dòng vốn (FDI và FII).
Trong trường hợp của Việt Nam, sự thặng dư của tài khoản vốn (sự gia tăng của FDI và FII) đã dẫn đến sự khiếm hụt của tài khoản vãng lai (cán cân thương mại) và điều này nếu tiếp tục kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng nội tệ và khiến cho chính sách tiền tệ không đạt mục tiêu đề ra.
Chúng ta ai cũng mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ hồi phục và phát triển trở lại sau khủng hoảng. Hiện nay các nhà làm chính sách đã bắt đầu tham khảo ý kiến giới chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp về những gì cần phải làm để đạt được điều mong ước nói trên. Phần còn lại của thế giới cũng mong muốn như thế và cũng đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhất.
Chúng ta cần biết rằng, thị trường thế giới sau khủng hoảng chắc chắn sẽ trở nên cạnh tranh hơn, khó khăn hơn và quyết liệt hơn đối với doanh nghiệp chúng ta, không những vì chính phủ các nước và doanh nghiệp của họ đã rút ra những bài học đau đớn từ khủng hoảng và cam kết làm mọi thứ lành mạnh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn trước đây mà còn vì lộ trình hội nhập vào WTO của chúng ta đã tiếp cận mức đến, những rào cản thuế quan và phi thuế quan đã từng là vòng tay bảo hộ các doanh nghiệp - và là hòn đá ngăn chặn sự tiến bộ của họ - sẽ được dỡ bỏ.
Chúng ta cần những chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn hướng đến mục tiêu sung dụng tài nguyên quốc gia một cách hữu hiệu vì lợi ích chung của toàn nền kinh tế, tài nguyên được hiểu bao gồm nguồn nhân lực, đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Chúng ta phải xây dựng cho được một nền kinh tế có chi phí thấp để cho các doanh nghiệp của chúng ta có được năng lực cạnh tranh cao, một năng lực cạnh tranh cần thiết cho cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Để đạt được điều đó, bên cạnh các chính sách kinh tế đúng, còn cần một bộ máy hành chính hữu hiệu và tương đối trong sạch và một hệ thống luật pháp và thi hành luật pháp công minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận