
Nhiều biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc được đánh giá cao, giữa lúc các nhà xuất khẩu của nước này phải đối mặt với mức thuế quan cao từ Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo tạp chí Nikkei Asia, trong ba tháng đầu năm 2025, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4%, tăng mạnh hơn dự báo dù đang đối diện mức thuế quan 145% của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Mức tăng trưởng GDP quý 1 mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16-4 đã vượt qua dự báo 5,1% trong khảo sát của Hãng tin Reuters. Tốc độ này tương đương với mức 5,4% được ghi nhận trong quý trước.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ trong tháng 3-2025 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức dự báo 4,2% của giới phân tích. Sản lượng công nghiệp tăng 7,7%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 5,8%. Đầu tư tài sản cố định trong quý 1 cũng tăng 4,2%, nhỉnh hơn dự báo 4,1% trong khảo sát của Reuters.
Đà phục hồi kinh tế tiếp nối quý cuối năm 2024 được cho là nhờ loạt biện pháp kích thích chính sách quy mô lớn của Chính phủ Trung Quốc.
Một số nhà kinh tế dự kiến các ngân hàng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất, trong khi nhiều dự đoán khác cho rằng sẽ có thêm hàng ngàn tỉ nhân dân tệ trong hoạt động vay và chi tiêu tài chính để lấp đầy khoảng trống do xuất khẩu giảm.
Phía lãnh đạo Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 vào khoảng 5%. Mục tiêu được đánh giá là ngày càng khó đạt được trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ và tiêu dùng trong nước ảm đạm.
Trước đó, Mỹ quyết định đẩy tổng mức thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc lên 145%. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách nâng thuế lên mức 125%. Mức thuế quan 145% của Mỹ được dự báo sẽ khiến xuất khẩu Trung Quốc suy giảm.
Các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley nhận định: “Mức tăng trưởng nhiều khả năng sẽ suy giảm nhanh từ quý 2, do khả năng hai bên nối lại đàm phán để gỡ bỏ mức thuế 125% trong ngắn hạn là rất thấp”.
Nhiều ngân hàng quốc tế như UBS Group AG, Goldman Sachs Group Inc. và Citigroup Inc. đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Trong đó, phần lớn các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ khả năng Bắc Kinh đạt được mục tiêu đề ra.
Bắc Kinh đang được kỳ vọng tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn, bao gồm cả việc kích thích tiêu dùng và đầu tư.
Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics Duncan Wrigley nhận định: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta có thêm các biện pháp sau một hoặc hai tháng nữa, tùy thuộc vào điều này diễn ra nhanh như thế nào. Tôi hy vọng sẽ có tiền được chuyển vào việc hỗ trợ các nhà xuất khẩu cũng như các lĩnh vực tiêu dùng khác, chẳng hạn như dịch vụ tiêu dùng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận