17/08/2022 11:01 GMT+7

Kinh tế Trung Quốc 'đè' giá dầu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Dữ liệu mới nhất cho thấy việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc giảm tăng trưởng trong giai đoạn hồi phục kinh tế giữa lúc bóng ma suy thoái bao trùm toàn cầu đã khiến giá dầu giảm sâu những ngày qua.

Kinh tế Trung Quốc đè giá dầu - Ảnh 1.

Một nhà máy sản xuất động cơ ở Thượng Hải hoạt động trở lại sau đợt bùng phát dịch COVID-19 vào cuối tháng 7-2022 - Ảnh: Reuters

Khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022, các chuyên gia năng lượng lo ngại giá dầu có thể leo thang lên tới 200 USD/thùng và khiến kinh tế thế giới sụp đổ. Tuy nhiên ngày 16-8, giá dầu Brent chỉ còn 94 USD/thùng, mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Tương tự, giá dầu thô tại Mỹ có lúc chạm đáy chỉ còn 86,8 USD/thùng. Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế cũng không mấy sáng sủa hơn.

Kinh tế lao đao

Trung Quốc chứng kiến các chỉ số kinh tế trong tháng 7-2022 không mấy sáng sủa khi các số liệu bán lẻ, đầu tư và sản xuất công nghiệp đều không đạt được kỳ vọng. Cụ thể, bán lẻ của nước này tăng 2,7%, còn sản xuất công nghiệp tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số ước tính lần lượt là 5% và 4,6%.

Nền kinh tế Trung Quốc suýt tăng trưởng âm trong quý 2-2022 do các biện pháp phong tỏa trung tâm tài chính Thượng Hải và những khu sản xuất, du lịch khác, cũng như giảm tiêu dùng kéo dài. Thị trường bất động sản nước này cũng suy yếu do làn sóng "tẩy chay thế chấp" ở gần 90 thành phố, nhiều người mua nhà liên kết với nhau để từ chối thanh toán thế chấp cho các căn hộ đã bán nhưng chưa hoàn thiện.

"Mọi dữ liệu kinh tế đều gây thất vọng trong tháng 7-2022, ngoại trừ xuất khẩu. Nhu cầu vốn vay từ nền kinh tế thực tế vẫn còn yếu, cho thấy triển vọng dè dặt trong những tháng tới", báo Guardian dẫn lời nhà kinh tế học Nie Wen thuộc Tổ chức Hwabao Trust tại Thượng Hải nhận định. Điều này sẽ đặt ra thách thức lớn cho Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2022.

Tình hình kinh tế khó khăn buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 15-8 bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, nhà kinh tế Wang Jun của Ngân hàng Zhongyuan nhận định: "Chúng ta đang đối mặt một vấn đề về bẫy thanh khoản. Dù có nới lỏng nguồn cung tín dụng đến đâu, các công ty và người tiêu dùng vẫn nên thận trọng trong việc gánh thêm nợ. Một số người trong họ hiện đang trả nợ trước hạn. Điều này có thể báo trước một cuộc suy thoái".

Giá dầu luôn có khả năng gây bất ngờ.

Sử gia về năng lượng Daniel Yergin nhận định.

Không dễ dự đoán giá dầu

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã và sẽ tiếp tục tác động lớn đến giá dầu. "Rất ít khả năng Trung Quốc sẽ sớm thay đổi lập trường về COVID-19 và có khả năng cao là nhu cầu của Trung Quốc vẫn còn yếu trong bối cảnh các đợt phong tỏa kéo dài từ tháng này sang tháng khác, nhà phân tích Bjarne Schieldrop của Ngân hàng Thụy Điển SEB đánh giá.

Trong khi đó, nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya thuộc Tổ chức Swissquote cho rằng tình hình ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên lo ngại về suy thoái trên toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất cao. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ suy thoái và giảm nhu cầu năng lượng với những đợt tăng lãi suất sắp tới.

"Tôi nghĩ giá dầu có thể xuống thấp hơn nữa. Chúng ta có cùng lúc một số yếu tố: Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô trong quý 3, kết thúc đợt cao điểm tiêu thụ xăng dầu vào mùa hè, lo ngại về suy giảm kinh tế và có nhiều nguồn cung" - bà Sarah Emerson, chủ tịch Công ty phân tích ESAI Energy, nói với New York Times. Thị trường dầu mỏ thời gian qua chứng kiến các tín hiệu cho thấy sẽ có thêm nguồn cung từ Libya, Brazil, Mỹ... và có thể là Iran nếu nước này khôi phục thành công thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Tuy nhiên giá dầu vẫn có thể tăng lại, đột ngột như khi giảm. Các thành phố ở Trung Quốc không thể mãi phong tỏa và cuối cùng sẽ phải mở lại. Đợt xả kho dự trữ chiến lược của Mỹ sẽ kết thúc vào tháng 11-2022 và Washington sẽ cần bổ sung dầu. 

Ngoài ra, những yếu tố thiên tai như bão ở vịnh Mexico trong những tháng cuối năm cũng có thể khiến giá năng lượng tăng lại. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài với những biện pháp trừng phạt qua lại giữa Matxcơva và phương Tây có thể buộc châu Âu phải mua thêm dầu để bù đắp cho lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga.

Thực tế đến nay cho thấy việc dự đoán xu hướng giá dầu là điều không thể, bởi nó còn chịu tác động nhiều yếu tố như kỳ vọng của bên mua - bán, tình hình chính trị tại những nước sản xuất dầu, quyết định đầu tư của một quốc gia hay các công ty dầu mỏ... Hiện tại, những yếu tố này càng trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Mỹ kêu gọi áp trần giá dầu Nga để đối phó lạm phát Mỹ kêu gọi áp trần giá dầu Nga để đối phó lạm phát

TTO - Ngày 14-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi áp dụng mức giá trần cho dầu của Nga, lập luận rằng điều này sẽ giúp giảm lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp