Tiêu dùng là động lực thúc đẩy kinh tế Mỹ, chiếm khoảng 70% GDP - Ảnh: AFP
Chi tiêu cho tiêu dùng vẫn còn ì à ì ạch. Nhà kinh tế trưởng Nancy Vanden Houten tại Công ty dự báo Oxford Economics ghi nhận: "Mức tăng 1,9% chi tiêu tiêu dùng trong tháng 7-2020 cho thấy nếu nhu cầu tiếp tục hồi phục, mức độ hồi phục vẫn còn chậm".
Có tăng nhưng chưa bằng trước đại dịch
Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, chi tiêu tiêu dùng đã tăng lần lượt 8,6% và 6,2%, đem đến hi vọng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng.
Các hộ gia đình đã dần dần ra khỏi tình trạng bắt buộc phong tỏa. Các tiểu thương và nhà hàng rục rịch mở cửa trở lại.
Rồi COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 6 và nhất là đầu tháng 7 sau kỳ nghỉ dài của lễ Quốc khánh (4-7) gây lo ngại đặc biệt ở miền tây và miền nam nước Mỹ.
Số ca mắc bệnh tăng vọt với đỉnh điểm lên đến hơn 70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tháng 7 rồi dần dần dừng lại vào cuối tháng 8.
Hãng tin AFP ghi nhận trong bối cảnh đó, người tiêu dùng ở Mỹ cảm thấy chưa thực sự an tâm.
Theo kết quả khảo sát hai tháng một lần của Đại học Michigan công bố hôm 28-8, niềm tin của người tiêu dùng chỉ mới được cải thiện trong tháng 8 với chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng 1,6%, lên 74,1 điểm.
Dù chỉ số này cao hơn kỳ vọng (dự báo 72,8 điểm) nhưng thật ra thấp gần 23 điểm so với chỉ số trước COVID-19.
Chi tiêu tiêu dùng trong tháng 7 ở Mỹ giảm so với tháng 5 và tháng 6 - Ảnh: AFP
Chính vì thế giới phân tích chỉ lạc quan một cách vừa phải bởi tốc độ tăng trưởng diễn ra chậm chứ không nhanh như mong đợi.
Nhà kinh tế trưởng Richard Curtin phụ trách cuộc khảo sát nêu trên đánh giá mức tăng trong tháng 8 là "không đáng kể". Tuy dự báo mang đến ít lo ngại hơn về triển vọng kinh tế trong năm tới nhưng triển vọng này "vẫn ít thuận lợi hơn hai lần so với sáu tháng trước".
Chuyên gia Nancy Vanden Houten ghi nhận tinh thần của người tiêu dùng Mỹ bị đè nặng bởi kinh tế hồi phục chậm, nỗi lo ngại về COVID-19 và khoản hỗ trợ đối với các hộ gia đình của chính phủ giảm, từ đó chi tiêu tăng chậm, thấp hơn 5% so với mức trước đại dịch.
Bà dự báo nếu không có nguồn trợ cấp mới từ chính phủ, tiêu dùng có thể sẽ không thể hồi phục thực sự.
Trông chờ khoản trợ cấp của chính phủ
Chỉ tiêu tiêu dùng tăng chậm trong khi thu nhập các hộ gia đình chỉ tăng 0,4% trong tháng 7 và tình trạng sa thải tiếp tục diễn ra.
Hôm 28-8, Công ty sòng bạc khổng lồ MGM Resorts International đã thông báo chuẩn bị sa thải 18.000 lao động đang hưởng lương thất nghiệp ở Mỹ. Do dịch bệnh, các sòng bạc thất thu do đóng cửa hoặc giảm số lượng người chơi.
Tuần cuối tháng 8, một số hãng hàng không cho biết sẽ sa thải thêm nhân viên. Nhiều trường học cũng đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự.
Nhà kinh tế trưởng Sam Bullard ở Công ty tài chính Wells Fargo (Mỹ) nhận định: "Tình hình sa thải làm tăng thêm lo ngại của thị trường về tính bền vững của tốc độ hồi phục kinh tế".
Làn sóng sa thải mới tiếp tục ở Mỹ, gây lo ngại cho quá trình phục hồi kinh tế - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, khoản trợ cấp thất nghiệp đặc biệt 600 USD/tuần của chính phủ đã kết thúc vào cuối tháng 7.
Hôm 4-8, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh về tăng cường thêm 300 USD/tuần trợ cấp thất nghiệp do chính phủ liên bang tài trợ và kêu gọi các bang tùy ý chi thêm 100 USD/tuần. Dù vậy, thời gian giải quyết trợ cấp phải mất trung bình ba tuần.
AFP đánh giá kéo dài trợ cấp cho người thất nghiệp là một biện pháp rất quan trọng ở Mỹ vì đa phần những người mất việc trong các lĩnh vực du lịch, khách sạn và nhà hàng không có hoặc có rất ít tiền tiết kiệm.
Với khoản trợ cấp này, hàng triệu hộ gia đình sẽ tránh rơi vào cảnh nghèo đói vào mùa xuân.
Chính quyền Mỹ khẳng định kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ trong hai quý cuối năm 2020 sau khi GDP đã giảm đến mức lịch sử 31,7% trong quý hai.
Trong bối cảnh chưa có sẵn vắc xin ngừa COVID-19, ngày 27-8 ông Trump đã tuyên bố sẽ mua 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 của Hãng dược phẩm Abbott.
Mỹ đánh giá đây là "bước phát triển lớn" để đưa người dân Mỹ "trở lại làm việc và đưa trẻ em trở lại trường học" nhằm thúc đẩy kinh tế.
Tổng thống Trump cam kết sớm dập dịch và đảm bảo cơ hội việc làm cho người Mỹ
Trong bài phát biểu tiếp nhận đề cử tại khu vườn phía Nam Nhà Trắng vào sáng 28-8 (giờ Việt Nam), ông Trump đã đưa ra một số cam kết liên quan tới những vấn đề nóng tại Mỹ như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay vấn đề việc làm.
Về sức khỏe cộng đồng thì ông Trump cam kết nước Mỹ "sẽ có một loại vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay" và bằng sự đoàn kết, quốc gia này sẽ đẩy lùi dịch bệnh.
Về việc làm của người dân, nếu tái đắc cử, chính quyền do ông lãnh đạo sẽ áp thuế với bất kỳ công ty nào rời khỏi Mỹ để đến các quốc gia khác, cuốn theo cả cơ hội việc làm của người lao động Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận