Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp" diễn ra sáng 20-7 - Ảnh: N. QUỲNH
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả trong " sáng 20-7.
Phó thủ tướng đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW trong ngành nông nghiệp khá rõ và toàn diện từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp.
"Các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết của Bộ NN&PTNT và cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp ở địa phương trong 15 năm qua cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra và thực tiễn của hợp tác xã nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp", Phó thủ tướng nói.
Ông cho rằng hợp tác xã là giải pháp duy nhất có tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, cần phải giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho hợp tác xã vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên.
Anh Vũ Xuân Thành (30 tuổi, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La) thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản, hướng dẫn thanh niên, bà con sản xuất nông sản sạch, đặt sức khỏe lên hàng đầu - Ảnh: M.PHƯỢNG
Phó thủ tướng cũng chỉ ra rằng kinh tế tập thể, hợp tác xã thực tế vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy cần tập trung vào các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại hạn chế vượt qua thách thức này.
Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời kỳ mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò tất yếu của kinh tế tập thể, các mô hình hợp tác xã hiệu quả gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản, hợp tác xã nông nghiệp do thanh niên khởi nghiệp thành công, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên hợp tác xã, gắn với đề án đào tạo nghề cho nông thôn, theo hướng tạo nguồn cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho hợp tác xã.
Nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân.
Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phát triển các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, bộ đã tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng.
Đến hết 30-6-2019, cả nước đã có 14.452 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 55% hoạt động hiệu quả. Tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỉ đồng, lãi của hợp tác xã đạt 2.900 tỉ đồng, thu nhập của người lao động trong hợp tác xã khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn.
Dù đã có nhiều chính sách nhưng ở một số địa phương chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận