Đồng thời, dự báo, giai đoạn 2018 - 2020, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động khi tăng trưởng kinh tế giúp mở ra cơ hội đầu tư đối với nhiều phân khúc khác nhau của thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Một số báo cáo nghiên cứu và khảo sát chỉ ra rằng, hiện nay, bất động sản đang là lĩnh vực xếp thứ 5 trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Thị trường bất động sản đang "nóng" lên, với nhiều dự án mới mở được bán khá tốt trong thời gian gần đây. Đặc biệt, các đối tượng khách hàng của thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự thay đổi thói quen và từng bước tiếp cận với xu hướng có thể chờ từ 1 - 3 năm để nhận nhà.
Tại TP.HCM, nguồn cung của các phân khúc nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt, giá nhà ở không quá cao so với các quốc gia châu Á khác, nên phân khúc này đang thu hút người mua. Tuy nhiên, trong 3 năm tới, giá nhà ở có thể sẽ đạt mức tăng từ 10% - 15% so với hiện nay.
Phân tích về thị hiếu tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng, cách đây 5 năm, người dân mua nhà cần diện tích lớn và gắn liền với hoạt động kinh doanh, nhưng hiện nay họ chú trọng đến không gian sống hơn.
Đặc biệt, nhiều người trẻ mua nhà có nhu cầu mua nhà ở, đồng thời yêu cầu sử dụng chỉ cần đáp ứng cho 1 đến 2 thế hệ, chứ không phải là đại gia đình từ 2 đến 3 thế hệ như so với trước đây. Do đó, phân khúc nhà ở dành cho người trẻ sẽ "bùng nổ", góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển sôi động trong những năm tới.
Mặt khác, người dân còn đòi hỏi tiện nghi và tiêu chuẩn sống cao hơn, tương đồng với mức thu nhập; cũng như nhận thức ngày càng được cải thiện.
Người dân có nhiều yêu cầu về các tiêu chuẩn của không gian sống văn minh, hiện đại như đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường...; trong đó, nhiều khách hàng sẵn sàng chi thêm tiền để mua thêm các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn và có giá trị lâu dài, chứ không dừng lại ở việc mua bất động sản.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thu nhập của các hộ gia đình tại Việt Nam đang tăng lên. Đồng thời, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vay mua nhà. Hai yếu tố này, được xem là nguyên nhân thúc đẩy số lượng và giá cả giao dịch trên thị trường bất động sản ở TP.HCM tăng như thời gian qua.
Kết quả một khảo sát cho biết có 42% người Việt Nam cho rằng trong tương lai tài chính của họ sẽ cao hơn; 50% người mua nhà có vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, người dân có thể mua bất động sản một phần là do dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính tốt hơn so với trước đây như lãi suất cho vay giảm, số tiền hàng tháng phải trả phù hợp thu nhập...
Mặt khác, hiện nay trên thị trường TP.HCM, người dân có xu hướng mua căn hộ khoảng 60m2, vay thời hạn trả từ 10 - 20 năm, mức vay hơn 50% giá trị căn hộ, lãi suất khoảng 10%.
Mặc dù, nhận định về lãi suất tại Việt Nam vẫn cao hơn các nước khác trong khu vực, nhưng nhiều người dân cho biết, điều kiện tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính là không khó.
Đối với lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn chủ đạo vẫn là nội địa và người mua vẫn là người dân trong nước.
Liên quan đến tiềm năng phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng diện tích bao nhiêu m2 không quan trọng mà vấn đề là phải quy hoạch phù hợp, thiết kế đúng với nhu cầu sử dụng và điều kiện tài chính của người dân, để không xuất hiện những khu nhà "ổ chuột" trong tương lai.
Tuy nhiên, muốn triển khai phải có khảo sát, nghiên cứu về nhu cầu thị trường, đáp ứng đúng sự kỳ vọng của xã hội và đảm bảo chủ trương của Nhà nước.
Giá đất cao nên làm nhà giá rẻ rất khó, nếu không có cơ chế chính sách mới và ưu đãi cho phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội.
Ngoài ra, đối với nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì cần có những tiêu chuẩn đặc thù, nếu vẫn giữ tiêu chuẩn cơ bản như phải có bãi đậu ô tô, hồ bơi... thì rất khó có giá rẻ như kỳ vọng và đáp ứng được yêu cầu chăm lo đời sống an sinh xã hội.
Về tình hình của phân khúc văn phòng cho thuê, dự kiến nguồn cung của phân khúc này trong năm 2018 và 2019 tại TP.HCM cũng sẽ tăng nhưng không quá nhiều, do hiện tại trên thị trường không có nhiều dự án sắp hay đã hoàn thành ở giai đoạn này.
Còn đối với mặt bằng bán lẻ, có sự cạnh tranh nhất định không chỉ ở khu vực trung tâm mà sẽ diễn ra ở nhiều khu vực khác trên địa bàn TP.HCM, khi nhiều thương hiệu quốc tế đang tìm đến Việt Nam. Điển hình, có thể kể đến trào lưu các nhà bán lẻ tích cực tiếp cận và thuê nhà mặt phố để mở điểm bán buôn, cửa hàng tiện lợi, trong khi nguồn cung và dư địa mặt bằng đáp ứng nhu cầu mở trung tâm thương mại bị hạn chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận