Mục đích chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đã được vụ trưởng cấp cao Vụ châu Á Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink trình bày trong cuộc họp báo trưa 18-5 tại Washington cùng với trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel.
Vụ trưởng Daniel Kritenbrink cho biết: “Tổng thống Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam những cách thức để mối quan hệ toàn diện Mỹ - Việt sẽ thúc đẩy hợp tác trên một loạt lĩnh vực, bao gồm (trao đổi) kinh tế, người với người, an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Thông qua các cuộc họp chính thức của mình và cam kết công khai, tổng thống sẽ làm nổi bật chiều sâu và bề rộng quan hệ đối tác của hai nước và sự tiến bộ đáng kể mà hai nước đã thực hiện trong những năm gần đây”.
Không phải tình cờ mà vụ trưởng Daniel Kritenbrink nêu quan hệ kinh tế đầu tiên trong khi giới thiệu nghị trình hai bên: “Về hợp tác kinh tế, quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhấn mạnh sự tiến bộ cũng như tiềm năng của các mối quan hệ kinh tế với Việt Nam. Các tác động kinh tế và chiến lược của TPP, cũng như khả năng điều khiển cải cách trong nội bộ Việt Nam về một loạt vấn đề, là một phần của chương trình thảo luận đầy tham vọng của chúng tôi”.
Trong thực tế, quan hệ kinh tế chính là mảng đã “tiến như tốc độ tên lửa” trong quan hệ giữa hai nước.
Còn nhớ năm 1994, tức một năm trước khi thiết lập quan hệ bình thường, trao đổi thương mại hai bên mới chỉ là 223,4 triệu USD, trong đó Mỹ xuất siêu 122,4 triệu USD, thì năm ngoái 2015 con số này đã lên đến 45,064 tỉ USD và bây giờ Việt Nam xuất siêu 30,9 tỉ USD (nguồn: census.gov, Trade in Goods with Vietnam).
Tất nhiên để làm nên tiến bộ “như tên lửa” đó, không thể không có những tiến triển trong quan hệ cấp nhà nước, mà cơ bản là Hiệp định thương mại song phương (BTA) năm 2000 dưới trào cựu tổng thống Bill Clinton cùng sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ sau đó.
Tương lai, thậm chí tương lai gần, sẽ là TPP. Để cho hiệp định đó biến thành những trao đổi hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, vai trò chủ yếu chính là con người, cụ thể là người lao động Việt Nam. Chính người lao động Việt Nam đã là cỗ máy của sự tiến triển bang giao kinh tế đó và cũng sẽ là chủ thể của việc biến TPP thành hiện thực.
Phải nhìn thấy vai trò “cỗ máy” đó để ngày càng có những chính sách đối với người lao động tốt đẹp hơn, không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu của TPP mà vì chính sự phát triển đất nước. Không thể không suy nghĩ đến xây dựng một nguồn nhân lực “tinh xảo” hơn nguồn nhân lực “thủ công” hiện nay, mà hiện đã bị không ít nước cạnh tranh giá nhân công, và thật sự dốc tâm trí vào đó để nâng trình độ lên chứ không chỉ mãi lắp, ráp.
Có sẵn cho nguồn nhân lực không thể thiếu đó, một số đông thanh niên Việt Nam đang du học tại Mỹ (và các nước khác, tất nhiên). Vụ trưởng Daniel Kritenbrink cho biết: “Việt Nam có đông sinh viên theo học các đại học Mỹ hơn bất cứ nước Đông Nam Á nào khác và gần 12.000 sinh viên người Việt tham gia chương trình Sáng kiến lãnh đạo trẻ ASEAN (YSEALI)”.
Làm thế nào để sử dụng lực lượng này? Một câu hỏi mà câu trả lời nhất định không chỉ là câu “trải thảm đỏ” đã trở thành sáo ngữ, trái lại đòi hỏi một sự thay đổi triệt để.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận