08/06/2020 09:18 GMT+7

Kinh tế Mỹ hồi phục chữ V?

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Cuộc phong tỏa gây đình trệ kinh tế đã đẩy hàng chục triệu lao động ở Mỹ vào cảnh thất nghiệp trong thời gian rất nhanh. Nhưng khi các phần kinh tế được mở lại, sự hồi phục cũng tạo ra niềm tin nhanh chóng trở lại.

Kinh tế Mỹ hồi phục chữ V? - Ảnh 1.

Biển báo "Nhận người làm" ở một nhà hàng tại TP Miami, bang Florida (Mỹ) ngày 18-5 - Ảnh: Reuters

Cách đây khoảng 5 tuần, chúng ta từng thấy đáy vực và rồi giờ đây chúng ta nhìn thấy sự tăng trưởng suốt tuần và kéo sang tuần kế tiếp. Sự bùng nổ các hoạt động thế này rất khích lệ.

Bà Amy Glaser (phó chủ tịch Adecco USA chuyên về giải pháp nhân sự)

Theo báo Boston Globe, các nhà kinh tế của Phố Wall từng dự đoán số thất nghiệp trong lĩnh vực phi nông nghiệp vào khoảng 8 triệu, nhưng chỉ trong tháng 5 vừa qua đã hồi phục được 2,5 triệu. Vào thời điểm căng thẳng, tỉ lệ thất nghiệp từng được dự tính lên đến 19,5%, tức là mức tệ hại nhất ở Mỹ sau thời Đại khủng hoảng. 

Tuy nhiên đến nay con số ước tính vào khoảng 13,3%, dẫu còn tệ hại so với những gì nước Mỹ đã chứng kiến trong thời kỳ hậu Thế chiến 2 nhưng cũng còn tốt hơn những dự báo mang tính thảm họa cách đây không lâu.

Nhìn từ thị trường chứng khoán

Theo báo cáo hôm 5-6 của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm tăng chủ yếu trong lĩnh vực giải trí và dịch vụ, xây dựng, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc y tế. Chỉ số niềm tin tiêu dùng, lĩnh vực chế tạo và dịch vụ cũng ổn định trở lại, dù vẫn ở mức thấp. Đây là các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Các số liệu này nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều khả năng tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng so với tháng 4, ở mức 20% hoặc cao hơn - gấp đôi so với mức đỉnh trong giai đoạn Đại suy thoái những năm 1930. Ông Jan Hatzius - kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Goldman Sachs - nhận định: "Theo ý chúng tôi, báo cáo của bộ cho thấy khởi đầu giai đoạn hồi phục của thị trường lao động và chúng tôi trông mong tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm trong tháng 6". Theo ông Hatzius, trước tình hình mới, Ngân hàng Goldman Sachs cũng phải xem xét lại dự báo về tỉ lệ thất nghiệp đưa ra trước đây là 15% trong năm nay.

Theo báo Boston Globe, thị trường chứng khoán luôn là hàng thử biểu rất tốt cho sức mạnh kinh tế. Ông Mitchell Goldberg - giám đốc của Công ty tư vấn ClientFirst Strategy - bình luận tự tin: "Thị trường chứng khoán luôn có lý vào mọi thời kỳ. Thị trường chứng khoán từng rơi xuống tận đáy và giờ trồi lên thẳng thớm theo dạng hình chữ V".

Thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng điểm và mở đầu phiên giao dịch ngày 5-6 sau khi có thông tin tốt từ báo cáo của Bộ Lao động. Cụ thể, chỉ 15 phút sau khi bắt đầu phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,8% lên 27.023,46 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,2% lên 3.180,25 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,6% lên 9.769,94 điểm. Tính chung cả tuần, Dow Jones đã tăng 6,8%, S&P 500 có thêm 4,9%, còn Nasdaq Composite cũng vượt 3,4% so với cuối tuần trước.

Cuộc suy thoái ngắn nhất

Ông Tom Porcelli - kinh tế gia trưởng của RBC Capital Markets tại Mỹ - hào hứng nhận định "con đường hồi phục đang bắt đầu". Ông đánh giá có thể 10 triệu việc làm sẽ trở lại thị trường trong tháng 6 này. Nhiều chuyên gia kinh tế thậm chí đã nói đến kiểu hồi phục hình chữ V với sự bật lên như lò xo và đây sẽ là "cuộc suy thoái kinh tế ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông Ryan Detrick, nhà chiến lược thị trường chính của LPL Financial, đã viết câu tweet đầy hứng khởi "suy thoái chỉ kéo dài trong hai tháng".

Thậm chí cả khi nước Mỹ đang sôi sục với biểu tình kéo dài hơn tuần lễ, nhiều thành phố bị ảnh hưởng nhưng chứng khoán vẫn tăng. Các nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng biểu tình có thể chỉ là biến cố trong ngắn hạn (và quả thật đã có dấu hiệu giảm nhiệt), tác động không quá lớn đến xu hướng mở cửa trở lại của nền kinh tế. Điều này cũng không làm thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư trong trung - dài hạn. 

"Vấn đề lớn nhất với tình trạng bất ổn xã hội hiện nay là trong hai tuần tới liệu điều này có khiến làn sóng COVID-19 trở lại và khiến nền kinh tế quay về tình trạng đóng cửa hay không. Đó mới là điều gây ảnh hưởng đến thị trường" - Steven DeSanctis, chiến lược gia đầu tư tại Jefferies, nhận xét.

Các gói kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ được Quốc hội Mỹ thông qua nhanh chóng đã giữ thị trường cổ phiếu ổn định và đến nay, hầu hết nhóm ngành bị ảnh hưởng cũng đã phục hồi nhanh chóng. Những lĩnh vực như hàng không, công nghiệp, tài chính hay năng lượng đã tăng trở lại, lấy lại được đà giảm trước đó, thậm chí còn vượt qua đỉnh cũ nhờ kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại sẽ khiến đà phục hồi diễn ra nhanh hơn.

"Sự vận động của thị trường là một cơ chế đánh giá kỳ vọng của tương lai. Họ đầu tư với tầm nhìn 6 tháng, 9 tháng so với hiện tại. Nền kinh tế Mỹ và thu nhập các doanh nghiệp sẽ quay trở lại. Những thông tin tiêu cực vì thế sẽ dần lắng xuống" - chiến lược gia đầu tư DeSanctis nhận định.

Mỹ ký thỏa thuận nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế Việt Nam Mỹ ký thỏa thuận nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế Việt Nam

TTO - Thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam trị giá 42 triệu USD, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các hệ sinh thái khởi nghiệp…

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp