Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023.
Nhiều sức ép trước tình hình thế giới biến động
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích tình hình trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa khắc phục được hết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm. Lạm phát tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định.
Những yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu, một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản.
Trong nước, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng có độ mở cao, sức chống chịu có hạn. Vì vậy, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến bên trong.
Mặc dù vậy, các mục tiêu lớn cơ bản đạt được. Bao gồm việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên Hiệp Quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra thách thức còn nhiều trong thời gian tới. Đó là sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai.
Thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Việc khắc phục tình trạng cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn.
Việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính, kỷ cương cần được tăng cường hơn nữa. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu cần bàn thảo các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn nhằm đạt mục tiêu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, quý 2-2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đặc biệt là những biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Đơn hàng giảm, doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất
Hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI... gặp nhiều khó khăn. Điều này tác động trực tiếp đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề thị trường, đơn hàng, đơn giá, đặc biệt thị trường xuất khẩu tiếp tục sụt giảm.
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng từ quý 4-2022, chỉ đảm bảo khoảng 35-50% năng lực sản xuất, những đơn hàng còn tồn cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng.
Dẫn tới, doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên. Các doanh nghiệp nhận định khó khăn dự kiến kéo dài hết quý 2-2023.
Chi phí đầu vào, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Đặc biệt khi 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là để nhập nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu tăng tạo sức ép lên tỉ giá, giá thành sản xuất. Lãi suất tiền gửi và lãi suất vay trong hệ thống ngân hàng tăng cũng làm tăng chi phí vốn sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh.
Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Thêm nữa là áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Một số thủ tục hành chính chưa thống nhất, thiếu thực tiễn được kiến nghị song chưa được giải quyết thấu đáo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo thấp hơn so với năm 2022 do chịu ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp, khó lường. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức.
Vì vậy, bộ này đề nghị cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí... Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận